Theo đuổi dòng nhạc thính phòng kén người nghe nhưng Phúc Tiệp chưa một lần cảm thấy hối tiếc.
Là một trong những ca sĩ nhạc thính phòng đầy nội lực, Phúc Tiệp được khán giả và công chúng đánh giá cao với chất giọng khỏe khoắn, hào sảng. Với những giải thưởng lớn trong âm nhạc như giải nhì Sao mai 2007, giải nhì Tiếng hát Thính phòng Toàn quốc 2009…nam ca sĩ vươn lên và khẳng định vị trí trong nền nghệ thuật thính phòng Việt Nam.
Anh còn đang là người giữ lửa và truyền cho những thế hệ tương lai trong vai trò giảng viên thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Phúc Tiệp là một trong những gương mặt nghệ sĩ nổi bật sẽ biểu diễn trong hòa nhạc quốc gia Điều còn mãi 2018 diễn ra vào 14h ngày 2/9/2018 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Trượt Đại học, đỗ Nhạc Viện với điểm cao vót
Phúc Tiệp được khán giả và công chúng đánh giá cao với chất giọng khỏe khoắn, hào sảng.
- Cơ duyên nào đã đưa anh đến với dòng nhạc kén người nghe và đòi hỏi trình độ cao như thính phòng?
- Việc đến với âm nhạc thính phòng với tôi như một cơ duyên khá ngẫu nhiên vì chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ là 1 nghệ sĩ khi còn nhỏ. Dự định của tôi là thi vào các trường đại học bình thường như ĐH Kinh Tế hay Thủy Lợi... nhưng rất tiếc là đều trượt. Tôi bắt đầu chuyển hướng khi quyết định thi vào một trường văn hóa nghệ thuật của tỉnh Thái Bình nhưng... vẫn trượt.
Sau 2 lần đều thi trượt, tôi cảm thấy rất chán nản nhưng vẫn không chấp nhận rằng mình kém cỏi đến như vậy. Được sự động viên của một cô giáo, tôi quyết định khăn gói lên Hà Nội ôn luyện thanh nhạc. Cuối cùng may mắn cũng đến, tôi đỗ được vào Nhạc viện Hà Nội với số điểm rất cao.
- Khi quyết định theo đuổi nghệ thuật, anh đã gặp phải những thuận lợi và khó khăn gì?
- Trải qua gần 20 năm làm nghề thì chắc chắn không thể tránh khỏi những khó khăn. Không có con đường nào trải hoa hồng nên tôi luôn lấy những điều đó làm động lực.
Với tôi, việc theo đuổi con đường âm nhạc có thể nói là khá thuận lợi khi gặp được người thầy đầu tiên dạy thanh nhạc chính là nghệ sĩ Doãn Tần, sau đó là nghệ sĩ Quang Thọ. Ngay từ khi còn là sinh viên, tôi đã được tham gia "Cây sáo thần" - vở nhạc kịch mà nhiều nghệ sĩ thính phòng luôn muốn được biểu diễn. Sau đó cũng nhận được lời mời tham gia chương trình "Giai điệu mùa thu" trong TP.HCM.
Ngay khi ra trường, tôi được giữ lại làm giảng viên, đến nay cũng được 10 năm. Quyết định theo con đường âm nhạc đối với tôi có lẽ là một điều may mắn.
Phúc Tiệp giành được rất nhiều giải thưởng về âm nhạc thính phòng ngay từ khi còn là sinh viên.
- Rất nhiều nghệ sĩ thậm chí đã phải từ bỏ “cái tôi” âm nhạc khi theo đuổi một dòng nhạc hợp thời hơn để đáp ứng được thị hiếu của khán giả. Anh có bao giờ suy nghĩ đến điều này?
- Không chỉ là tôi mà rất nhiều nghệ sĩ khác đều từng có suy nghĩ như vậy! Suy nghĩ này thường xuyên xảy ra khi mức cát xê của dòng nhạc này thấp, nhạc kén người nghe nên khiến ta phải suy nghĩ tại sao mình lại không theo đuổi một thứ gì khác. Nhiều nghệ sĩ thính phòng được đào tạo bài bản nhưng lại theo đuổi dòng nhạc Bolerođang rất hot.
Tuy nhiên khi hát bolero, họ phải hy sinh việc học tập, rèn luyện nhiều năm vì dòng nhạc này cần sự tình cảm, tự nhiên nên những kỹ thuật thanh nhạc đều phải bỏ đi. Sẵn sàng hy sinh hàng chục năm luyện tập để hát một thứ âm nhạc không cần học tập gì cả theo tôi là không đáng.
- Bản thân anh thì sao?
- Tôi chưa từng có suy nghĩ đó vì với tôi trời sinh ra là để cho mình hát dòng nhạc này. Nếu hát một thể loại khác thì chắc chắn sẽ không thể thành công. Đối với những người bình thường thì âm nhạc chỉ như một sự giải trí, hát chỉ để xả stress. Còn đối với chúng tôi thì thứ âm nhạc này là cả cả một sự nghiệp, cả một sự lựa chọn được tính toán kỹ.
Đối với âm nhạc thính phòng nếu không bật lên được, sẽ bị đào thải ngay chỉ sau 1-2 năm. "Tròn vành rõ chữ", "cân phương vuôn vắn" hay "tỉ mỉ nắn nót" là những từ chúng tôi dành cho dòng nhạc này. Để hát được thì ngay cả việc lấy hơi, ngân nhịp cũng đều phải có sự tính toán và là một quá trình rèn luyện vất vả. Những nghệ sĩ thính phòng luôn có sự hiểu biết âm nhạc và hiểu rõ giá trị của chúng. Vì vậy tôi nghĩ chẳng có lý do gì cảm thấy tiếc nuối khi theo đuổi thể loại âm nhạc này.
Đừng so sánh cát sê chúng tôi với ca sĩ thị trường
- Mức thu nhập của các nghệ sĩ thính phòng ở mức nào so với các dòng nhạc khác?
- Những người hát thính phòng ai chẳng muốn cát xê cao nhưng điều đó còn phụ thuộc vào khán giả và đặc biệt là những người tổ chức sản xuất. Có những đêm nhạc thính phòng đầu tư cả tỷ đồng nhưng không thể sinh lời, thậm chí là lỗ. Chúng tôi thường phải chấp nhận giá cát xê thấp để đem tiếng hát đến khán giả. Nếu so sánh mức cát sê của chúng tôi với những ca sĩ thị trường thì chỉ có... chết nhục.
Một ca sĩ thính phòng hạng A đóng góp cả cuộc đời cho âm nhạc nhưng cũng chỉ có mức cát xê khoảng 20-30 triệu cho 1 show diễn lớn, thậm chí không bằng các bạn ca sĩ mới nổi hiện nay đi hát 1 bài. Điều này cũng khiến cho chúng tôi tự ái. Tuy nhiên những nghệ sĩ thính phòng có sức chịu đựng giỏi. Người ta có thể hy sinh về nghệ thuật, hy sinh cả đời sống cá nhân. Nghệ sĩ thính phòng chỉ có một số ít người giàu có, còn đa số thì chỉ ở mức trung bình, như tôi chẳng hạn.
Muốn kéo khán giả của Sơn Tùng đi nghe nhạc thính phòng
- Anh đã từng nghĩ đến việc đưa được dòng nhạc thính phòng đến gần hơn với công chúng?
- Chúng tôi vẫn đang phải dùng nhiều cách khác nhau để tiếp cận được khán giả đông hơn và nếu muốn khán giả đông lên thì phải giảm độ chỉn chu xuống. Chẳng hạn một món ăn cao cấp như tôm hùm làm thế nào để ngồi vỉa hè cũng có thể ăn. Đấy là cách những người hoạt động nhạc thính phòng đang hướng đến: Làm những chương trình đầu tư chỉn chu nhưng giá vé rẻ, để tiếp cận được nhiều khán giả hơn.
Phúc Tiệp chưa một lần cảm thấy hối tiếc khi theo đuổi dòng nhạc thính phòng.
Hiện nay nếu hỏi 10 người thì có lẽ chỉ 1 người từng nghe nhạc thính phòng. Dòng nhạc này nhiều người vẫn chưa có cơ hội được thưởng thức nên họ chưa cảm nhận và nghĩ rằng nó rất "đắt và không ngon". Không chỉ ở Việt Nam mà xu thế chung của thế giới âm nhạc thính phòng đang rơi xuống đáy hình sin trên thị trường âm nhạc đa dạng ngày nay. Những người yêu mến nhạc thính phòng không thể nào bỏ tiền ra xem show của Sơn Tùng M-TP và ngược lại, đó hoàn toàn là 2 thái cực trái ngược.
Vậy làm thế nào để khán giả của Sơn Tùng đến với thính phòng? Đây cũng chính là điều mà không chỉ tôi mà rất nhiều nghệ sĩ dòng nhạc này phải suy nghĩ. Những người trong cuộc phải tạo ra sự đổi mới để bắt kịp hơi thở của thời đại, như vậy khán giả sẽ không quay lưng.
- Là một người được đào tạo bài bản và phải rèn luyện vất vả để có thể trở thành một ca sĩ. Anh cảm thấy như thế nào khi hiện nay có rất nhiều ca sĩ trẻ chưa qua trường lớp, thậm chí còn có những phát ngôn như "Cầm mic lên đã trở thành ca sĩ" nhưng vẫn hoạt động rất tốt, thậm chí sở hữu số lượng fancực lớn?
- Một người cầm mic lên sân khấu để biểu diễn thì rõ ràng đã là ca sĩ, điều này không sai. Tuy nhiên, trong các chương trình tôi tham gia thì hầu như sẽ được gọi là \'người thể hiện\' hay \'nghệ sĩ\'. Khán giả hiện nay vô cùng dễ tính khi chỉ cần sau 1 đêm, một người vô danh nào đó cũng có thể trở nên nổi tiếng và được gắn mác ca sĩ để đi kiếm tiền. Tính thị trường là điều tất yếu nên những người như bọn tôi cũng chỉ biết cách thở dài.
Thực tế những người hát thính phòng thậm chí trong những buổi nhạc kịch hoàn toàn không sử dụng đến mic. Vậy nên chúng tôi đâu được gọi là ca sĩ mà sẽ được gọi là nghệ sĩ. Trong những chương trình trang trọng mang tầm cỡ lớn, danh xưng nghệ sĩ vẫn luôn được dùng để gọi những người biểu diễn. Chính điều đó khiến từ nghệ sĩ trở nên danh giá hơn với danh xưng ca sĩ nói chung.
Khán giả Việt Nam vô cùng dễ dãi và chính điều đó đã biến thị trường âm nhạc trở thành 1 nồi lẩu. Tuy nhiên quy luật tự nhiên luôn có sự đào thải, những gì được xã hội công nhận, đặc biệt là những người trong nghề trân trọng nhau mới là điều đáng quý.
Thủy Tiên bật mí cát sê "sang hơn "chuồng gà" 1 chút" khi đi hát ở bar
Khi đã trở thành một doanh nhân, Thủy Tiên từ chối hoàn toàn các show diễn tại quán bar vì sợ ảnh hưởng tới hình ... |
Sao khổ tâm vì tin đồn thu nhập khủng
Lâu nay, nói đến cát sê của ca sĩ gần như là nói đến “vùng cấm”, ngoài các nhãn hàng, các công ty truyền thông ... |
Tượng đài Bolero lần đầu tiết lộ cát xê 150 lượng vàng/tháng
Dù đang ở thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp, có mức thu nhập cao nhưng Phương Dung quyết định tạm dừng mọi thứ để ... |