Trong 24 giờ qua, Hà Nội ghi nhận 4.549 ca nhiễm COVID-19 và mỗi ngày có tới 10 người tử vong.
Trong 24 giờ qua, Hà Nội ghi nhận 4.549 ca bệnh (964 ca cộng đồng; 3.585 ca đã cách ly). Bệnh nhân phân bố tại 495 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (308); Hoàng Mai (282), Nam Từ Liêm (244), Sóc Sơn (242), Bắc Từ Liêm (236), Hoài Đức (225), Chương Mỹ (218).
Trước tình hình này, ngày 18/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành công điện khẩn số 01 về việc tăng cường các biện pháp thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19.
TP Hà Nội yêu cầu các địa phương sau khi đã nới lỏng các hoạt động kinh tế, tôn giáo... tuyệt đối không chủ quan, lơ là; tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt tập trung vào các khu vực đông người, cơ quan, đơn vị, cơ sở dịch vụ, di tích, danh lam thắng cảnh, cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn.
"Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm nguyên tắc '5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân' để giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Tập trung vào việc phổ biến kiến thức cho người dân, quy định, hướng dẫn người mắc COVID-19 theo dõi sức khỏe tại nhà, các trường hợp nguy cơ cao, phát hiện và xử lý kịp thời diễn biến bất thường liên quan bệnh lý nền", công điện nêu rõ.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế việc số ca mắc Covid-19 tại TP Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác tăng vọt là điều đã được dự báo từ trước. Lý do là mầm bệnh đã có sẵn trong cộng đồng, biến thể lây lan nhanh, cộng thêm gia tăng đi lại của người dân tại tất cả các địa phương khi chúng ta phục hồi lại các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế…
"Chúng ta phải xác định số mắc thực tế còn cao hơn con số 3.000 - 4.000 ca/ngày. Vì rất nhiều trường hợp không có triệu chứng là nguồn lây âm thầm trong cộng đồng. Ngoài ra, có một bộ phận không nhỏ người dân xét nghiệm dương tính nhưng không khai báo", TS Phu nói.
Chuyên gia cho rằng rất may là hiện nay TP vẫn đang kiểm soát được tình hình dịch Covid-19, hệ thống y tế cơ sở vẫn làm tốt chức năng của mình. Tuy nhiên, với tỷ lệ tiêm chủng cao, người dân đang có tâm lý chủ quan, không thực hiện quy định về phòng, chống dịch 5K, đặc biệt là việc không đeo khẩu trang nơi công cộng.
Về con số tử vong thời gian qua, ông cho rằng cần phân tích, làm rõ. Những người tử vong do không tiêm là thuộc nhóm chống chỉ định tiêm hay do ý thức của người dân không tiêm. Chúng ta cần rà soát lại tất cả những đối tượng chống chỉ định, trì hoãn tiêm, đối tượng nào có thể tiêm được thì tiêm ngay. Trước đây, có những người già, có bệnh nền không chịu tiêm, bản thân cán bộ y tế cũng ngại nên giờ chúng ta phải kiểm tra lại tất cả những trường hợp chống chỉ định trước đó.
"Già, bệnh nền là yếu tố gia tăng nguy cơ tử vong, nhưng nếu không mắc Covid-19 họ sẽ không tử vong. Khi đã mở cửa chúng ta chấp nhận số mắc tăng cao nhưng phải kiểm soát, phải dự báo được. Không có bệnh dịch nào mà mỗi ngày chết hơn chục ca. Vì thế, chúng ta vẫn cần kiểm soát, trường hợp nào cần thiết phải nhập viện điều trị, giảm nguy cơ tử vong", TS Phu nhấn mạnh.
Ông khuyến cáo người dân phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm 5K mọi chỗ, mọi nơi, hạn chế tiếp xúc với đám đông, giảm đi lại không cần thiết, không tổ chức các hoạt động đông người không cần thiết, không tổ chức ăn uống linh đình, hạn chế thăm nom, tụ tập...
PV (th)
Vì sao trẻ khỏi COVID-19 vẫn cần tiêm vaccine? |
Khởi tố Giám đốc CDC Thừa Thiên - Huế liên quan mua bán kit test COVID-19 |
Ai phải đi khám hậu COVID-19? |