Sinh viên nói gì khi “siết” giờ làm thêm làm xe ôm công nghệ?

Trước thông tin kiến nghị về vấn đề nghiên cứu, bổ sung quy định pháp luật để quản lý việc làm thêm của sinh viên , đặc biệt là làm tài xế công nghệ, nhiều sinh viên đã bày tỏ quan điểm về vấn đề này.

Chạy xe ôm công nghệ là công việc giúp không ít sinh viên trang trải học phí, tuy nhiên đang có lo ngại sinh viên mải mê làm thêm ảnh hưởng đến việc học. Ảnh minh hoạ: Quang Định

Trước thông tin kiến nghị về vấn đề nghiên cứu, bổ sung quy định pháp luật để quản lý việc làm thêm của sinh viên, đặc biệt là làm tài xế công nghệ, nhiều sinh viên đã bày tỏ quan điểm về vấn đề này.

Bạn Nguyễn Văn Đức - một tài xế GrabBike (ở trọ khu vực quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, khi thấy bạn bè nhiều người chạy xe ôm công nghệ có thể chủ động về thời gian, kiếm được tiền nhanh chóng nên Đức quyết định vay tiền mua một chiếc xe số chở khách vào thời gian rảnh.

“Ban đầu tôi làm để có đồng ra đồng vào, vẫn đảm bảo được lịch học tập. Sau dần mình có khách quen nên chạy đều hơn. Với công việc này, chỉ cần chăm chỉ chạy xe đầu đặn từ 10-12 tiếng/một ngày có thể kiếm tới nửa triệu đồng", Đức nói.

Trao đổi về vấn đề có nên quản lý giờ làm thêm với sinh viên, đặc biệt là sinh viên làm tài xế công nghệ, bạn Đức cho rằng: "Tôi cũng ủng hộ về việc này, từ đó sinh viên chỉ làm trong khoảng thời gian quy định và dành thời gian còn lại học tập tốt hơn. Tránh tình trạng miệt mài làm thêm mà bỏ bê việc học. Bên cạnh đó, không sinh viên nào muốn gắn bó lâu dài với nghề này và việc học tập, tìm một công việc phù hợp vẫn là ưu tiên hàng đầu".

Dù cho thu nhập khá ổn, song sinh viên Trần Thanh Tài (ở trọ khu vực Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) - là một tài xế BeBike, cho rằng thông thường đi chạy grab sẽ tiêu tốn từ 10-14 tiếng/ngày của mỗi sinh viên. Có những sinh viên còn tranh thủ thời gian chạy đến 1-2 giờ sáng nên rất ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Vì vậy, sinh viên Trần Thanh Tài đồng tình nên có sự quản lý về giờ giấc làm thêm của sinh viên. Sinh viên cần dành nhiều thời gian hơn học tập và làm thêm những công việc phục vụ tốt ngành nghề mình đang theo học. Tuy nhiên, khi đưa ra quy định quản lý cần đảm bảo tính khả thi, cần thúc đẩy sinh viên học tập tốt và phát triển kỹ năng sống.

Sinh viên làm tài xế xe ôm công nghệ. Ảnh: TG

Bên cạnh đó, bạn Quốc Việt – một tài xế GrabBike (ở phố Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội) cho hay, những sinh viên quyết định đi làm thêm là những người đã chủ động sắp xếp giữa đi làm và đi học. Thông thường, chỉ những sinh viên năm nhất, năm 2 thì mới đi làm thêm công việc như tài xế công nghệ để va vấp cuộc sống. Còn những sinh viên năm cuối sẽ có những hướng đi khác để phục vụ cho tương lai sau này. Vì vậy, không cần thiết có quy định quản lý thời gian làm thêm của sinh viên.

Cũng trao đổi về vấn đề này, sinh viên Trịnh Xuân Quỳnh (sinh năm 1998, quê Yên Định, Thanh Hoá) - hiện đang học tại Trường Văn hoá Nghệ thuật Quân đội cho rằng, nếu là những sinh viên không biết sắp xếp thời gian thì sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ và học tập. Khi chạy xe, nhiều sinh viên chia sẻ bị học lại, kết quả học tập cũng kém đi và đối mặt với nhiều nguy cơ gặp đối tượng trộm cắp, nghiện ngập, bùng tiền...

Tuy nhiên,

bạn Quỳnh lại không đồng tình với ý kiến quản lý giờ làm thêm với sinh viên chạy xe công nghệ. Giải thích về vấn đề này, bạn Quỳnh cho rằng, tuỳ thuộc vào hoàn cảnh gia đình của mỗi người có sự lựa chọn mức độ làm thêm khác nhau. Không có sinh viên nào có điều kiện tốt lại nai lưng đi làm thêm cả. Hơn nữa, đào tạo trong trường theo tín chỉ, sinh viên sắp xếp, phân bổ thời gian hợp lý thì vẫn đảm bảo được việc học.

Xét đề nghị của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia giao các bộ và địa phương xem xét nghiên cứu bổ sung quy định pháp luật để quản lý việc làm thêm của sinh viên khi tham gia làm tài xế công nghệ nói riêng và công việc khác nói chung nhằm đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao theo định hướng phát triển kinh tế tri thức.

ANH THƯ-TÙNG GIANG

 

 

 

/ laodong.vn