Sinh viên không đăng ký học ở trường nếu không bị bắt buộc, một số khác mất động lực vì sự bất hợp lý trong chương trình học.
15h ngày tháng 10, tại phòng trọ nhỏ chưa đầy 20 m2 ở Cầu Giấy (Hà Nội), Trang cùng Hương, sinh viên năm cuối Đại học Thương mại, dở hai chiếc bàn gấp đặt giữa sàn nhà. Mỗi người một cuốn tuyển tập đề thi phần Đọc hiểu TOEIC, bắt đầu làm. Cả hai cố ép xong trong 75 phút, giống với thi thật rồi tự soát đáp án với nhau. Thế nhưng, chưa được nửa thời gian, đôi bạn buông bút. "Ngồi luyện đề ngán tới cổ, không khác gì ngày ôn thi đại học", Trang nói.
Theo quy định về chuẩn đầu ra ngoại ngữ được áp dụng từ năm 2016 của Đại học Thương mại, sinh viên các ngành không chuyên ngữ phải đạt bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, tương đương B1 theo khung tham chiếu châu Âu. Nhà trường có tổ chức kỳ kiểm tra trình độ tiếng Anh cho sinh viên sau khi học 4 học phần với 8 tín chỉ. Tuy nhiên, các em có thể thi lấy chứng chỉ quốc tế bên ngoài, miễn sao đạt tương đương TOEIC 450.
Việc học tiếng Anh ở trường không bắt buộc, 8 tín chỉ môn này cũng không tính vào điểm trung bình nên Trang và nhóm bạn thân gồm 7 người không đăng ký. Quyết định này được Trang đưa ra bởi nhiều lý do.
Thứ nhất là được anh chị khóa trước phản ánh việc dạy và học tiếng Anh ở trường rất hời hợt. Vì không tính điểm, chương trình học lại quanh quẩn những cấu trúc ngữ pháp và chủ đề từ thời phổ thông, sinh viên không có động lực học, giáo viên cũng không mấy mặn mà. Thứ hai là việc học xong và vượt qua bài kiểm tra trình độ của trường chỉ giúp sinh viên đủ điều kiện xét tốt nghiệp chứ không mang lại bất kỳ giá trị nào sau này.
Từ hai lý do trên cộng với "độ lười của bản thân", Trang không đăng ký, đồng nghĩa với hai năm đầu em không động tới chút tiếng Anh nào. Đến kỳ hai năm ba, Trang cùng bạn rủ nhau học luyện thi TOEIC ở trung tâm gần trường. Xuất phát là học sinh học thiên Toán - Lý - Hóa, lại bỏ bẵng tiếng Anh trong thời gian dài, Trang phải học khóa dành cho người "mất gốc" rồi mới được học lên khóa TOEIC với điểm mục tiêu là 450 đến 500.
Mỗi khóa học của Trang kéo dài khoảng 2,5 tháng. Mỗi tuần học 3 buổi, chi phí một khóa khoảng 3-4 triệu đồng. Ở đó, Trang được học lại ngữ pháp cơ bản, luyện nghe, đọc và tiếp xúc cấu trúc đề thi TOEIC. Đặc biệt, em được trung tâm cung cấp luôn các mẹo làm bài để giải một số câu trong đề nhanh chóng mà không phải hiểu toàn bộ. Học xong hai khóa, Trang cũng cảm thấy "hòm hòm".
"Học ở trung tâm khá tốn kém, lại tốn thời gian nhưng ít nhất nó giúp em ra trường với một chứng chỉ được công nhận rộng rãi", Trang nói nhưng cũng thừa nhận với cách học này, em không thể thành thạo bất kỳ kỹ năng nào.
Cô gái sinh năm 1998 cho rằng nhà trường cần tổ chức dạy và học tiếng Anh bài bản hơn, nâng chuẩn đầu ra để sinh viên ý thức được tầm quan trọng của ngoại ngữ, từ đó chịu khó đầu tư học từ năm nhất. Nếu trường làm như vậy, "sinh viên muốn lười cũng phải chăm vì không vui vẻ gì chuyện không ra được trường đúng hạn".
Ảnh: MakeUseOf |
Cũng là sinh viên năm cuối, Hoàng Linh (Đại học Lao động và Xã hội) đang sốt sắng tìm nơi ôn luyện thi TOEIC nhằm đạt 450 điểm, đủ để ra trường. Vì "chểnh mảng, chủ quan" không học, Linh đành chịu cảnh "nước đến chân mới nhảy".
Linh chia sẻ được học 4 học phần tiếng Anh bắt buộc tại trường trong 3 năm đầu, bao gồm 2 học phần cơ bản (3 tín chỉ, 2 buổi mỗi tuần) và 2 học phần nâng cao (2 tín chỉ, một buổi mỗi tuần).
Ở học phần cơ bản, cô giáo tập trung vào ngữ pháp với cách giảng nhanh do nhiều kiến thức. "Đầu tiên, cô giảng bài một lượt rồi giao bài tập và chữa bài. Những bạn học giỏi sẽ làm xong sớm rồi các bạn xung quanh mượn chép hoặc không làm vì cô cũng không kiểm tra", Linh nói và nhận xét hầu như không có cơ hội thực hành kỹ năng nghe và nói.
Ngược lại, học phần nâng cao nội dung nặng về từ mới, những từ liên quan đến chuyên ngành học. Với học phần này, lớp Linh được luyện tập nghe nói nhiều hơn. Thế nhưng, vì những từ chuyên ngành rất khó nhớ, khó sử dụng trong giao tiếp thông thường, Linh chọn "bỏ ngoài tai". Dù được giáo viên hướng dẫn cặn kẽ, các bạn không có hoạt động ôn tập thường xuyên nên trình độ vẫn "dậm chân tại chỗ".
Đến nay, khi gặp người nước ngoài, Linh vẫn không khắc phục được cảm giác tự ti và không thể nói được gì ngoài "Hello". Ngược lại, khi cần tìm tài liệu nước ngoài phục vụ việc học, nữ sinh cũng không biết cách tra cứu hoặc không hiểu hết nghĩa của từ. Thừa nhận một phần lỗi sai thuộc về bản thân, Linh vẫn tỏ ra không hài lòng với chương trình học nặng ngữ pháp, sinh viên tiếp nhận thụ động, không có cơ hội thực hành giao tiếp khi ở trường.
Đạt 7 điểm môn tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia, Huy, sinh viên năm cuối Đại học Luật Hà Nội, đánh giá học tiếng Anh tại trường tương đối dễ ở phần cơ bản nhưng lại quá khó ở phần nâng cao.
Với ba học phần cơ bản, nội dung bài giảng sẽ đi theo bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Với phần đọc và viết, mỗi buổi học, cô giáo dạy theo chủ đề trong giáo trình. Nội dung xoay quanh cách viết thư, bài luận ngắn, cấu trúc ngữ pháp đặc biệt và từ mới. Phần nghe và nói, sinh viên được chia thành nhóm, phân công đóng vai nhân vật để đọc lại đoạn hội thoại trong giáo trình. Sau đó, các bạn tự xây dựng tình huống hội thoại dựa theo chủ đề học.
"Kiến thức trong ba học phần cơ bản không khác biệt so với THPT nên các bạn dễ dàng qua môn nhưng rồi lại có tâm lý chủ quan khi học sang chuyên ngành. Trong khi đó, kiến thức phần này rất khó và nặng về từ mới. Nếu không chăm chỉ, sinh viên dễ trượt", Huy nói.
Học phần chuyên ngành sẽ càng vất vả hơn với những bạn vốn có trình độ tiếng Anh trung bình vì mặc định sinh viên đã có nền tảng, giáo viên sẽ không dạy lại ngữ pháp, chỉ cung cấp từ mới, sau đó yêu cầu sinh viên chép lại và học thuộc. Huy nhận định vì khó như vậy, sinh viên mất hứng thú và càng lười học.
Vừa tốt nghiệp Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Dương (23 tuổi) cũng có cảm nhận giống Huy. Em được học đầy đủ các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết qua hai học phần tiếng Anh cơ bản (6 tín chỉ) và một tiếng Anh chuyên ngành (3 tín chỉ). Tuy nhiên, việc học lại mâu thuẫn khi một phần như ôn lại kiến thức phổ thông còn phần chuyên ngành lại "như đánh đố".
Đặc biệt, 3 học phần được sắp xếp rời rạc. Học xong phần cơ bản ở năm nhất, phải đến kỳ hai năm ba, sinh viên mới học chuyên ngành. Học xong tiếng Anh chuyên ngành, Dương và các bạn lại có một tháng để học tiếng Anh thi chuẩn đầu ra do trường tổ chức. Thi xong vào cuối năm ba, năm bốn các em lại không động gì vào môn này.
"Việc không được học liền mạch khiến kiến thức gần như rơi rụng hết. Tự học thì không có động lực, ra trung tâm thì tốn tiền, lại lười. Kết quả là khi ra trường, khả năng tiếng Anh của em không lên được chút nào", Dương nói.
Thêm nữa, do trường tổ chức thi kiểm tra trình độ đầu ra với đề thi và cách coi thi hình thức, thậm chí dễ hơn đề thi hết học phần nên dù có thể dùng chứng chỉ quốc tế để quy đổi, sinh viên vẫn chọn thi ở trường, cốt để tốt nghiệp được.
Dương cho rằng nhà trường cần thay đổi cách sắp xếp lịch học đảm bảo tính liền mạch, yêu cầu tất cả sinh viên thi lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế ở bên ngoài để sinh viên có động lực học và chứng chỉ cũng có giá trị làm đẹp CV sau này.
Trong buổi tọa đàm tổ chức ngày 12/10 tại Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng không phải sinh viên nào cũng có điều kiện đi học thêm tiếng Anh. Việc mở các chương trình đào tạo kỹ năng trong trường rất tốn kém trong khi học phí không thể tăng thêm. Hiện sĩ số lớp học lớn khiến giảng viên không thể quan tâm hết được.
Vì vậy, ông Sơn cho rằng cần có sự vào cuộc của các doanh nghiệp để giải quyết vấn đề này. Ví dụ, doanh nghiệp sẽ trao cho sinh viên nhiều học bổng hơn, tạo điều kiện để các em được học các kỹ năng qua bài toán thực tế.
Dương Tâm - Tú Anh