Theo Thông tư 12/2020/TT-BGTVT của Bộ GTVT vừa ban hành (có hiệu lực thi hành từ 15.7.2020), đơn vị kinh doanh vận tải phải xác định giá cước vận tải để thông tin cho khách hàng. Cùng đó, siết lại hoạt động của các xe vận tải khách theo dạng hợp đồng. Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, thông tư đã rõ và phân loại được từng loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô, nhưng cần ủng hộ những gì có lợi cho người dân.
“Siết” hoạt động của xe hợp đồng
Theo Bộ GTVT, Nghị định số 10 được xây dựng và ban hành trong bối cảnh Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa được sửa đổi, có nhiều nội dung đã cho thấy sự bất cập giữa quy định của luật này với thực tiễn và sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Quá trình xây dựng dự thảo Nghị định đã được thực hiện với thời gian trên 3 năm và được họp lấy ý kiến rất nhiều lần. Bộ GTVT đã tổ chức nhiều cuộc thảo luận đối với các nội dung của dự thảo Nghị định để lấy ý kiến của các bộ, ngành...
Theo đó, một số nội dung quan trọng được dư luận hết sức quan tâm. Cụ thể, Thông tư 12/2020 giao nhiệm vụ cho lái xe điều khiển phương tiện để thực hiện vận chuyển thông qua phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải; tổ chức hoặc cá nhân sử dụng phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải để tiếp nhận yêu cầu vận chuyển của khách hàng, lựa chọn phương tiện, lái xe phù hợp, chuyển thông tin về yêu cầu vận chuyển cho người lái xe điều khiển phương tiện thực hiện nhiệm vụ vận chuyển. Đây là quy định mở để đơn vị tự lựa chọn và xác định hoạt động kinh doanh của mình phù hợp với các điều kiện kinh doanh của Nghị định 10/2020. Đơn vị kinh doanh vận tải xác định giá cước vận tải để thông tin cho khách hàng hoặc trực tiếp thoả thuận với khách hàng để thống nhất mức giá trước khi thực hiện vận chuyển.
Nhiều quy định đã được bổ sung để quản lý chặt chẽ đối với xe hợp đồng, du lịch; xử lý hoạt động “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng “trá hình” tuyến cố định như: Phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe; với kích thước tối thiểu của cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” là 06 x 20 cm; Phải có phù hiệu “XE HỢP ĐỒNG” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe… Đáng chú ý để xác định điểm đầu, điểm cuối theo bản chất của xe hợp đồng, Thông tư quy định: Điểm đầu (vị trí đón khách đầu tiên ghi trong hợp đồng vận chuyển), điểm cuối (vị trí trả khách cuối cùng ghi trong hợp đồng vận chuyển) trùng lặp trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch được xác định là vị trí nằm trên mặt đường hoặc tại vị trí có địa chỉ gắn với tên tuyến phố (tên tuyến đường), tên ngõ (hẻm) trong đô thị.
Các chuyên gia cho rằng, ngay từ văn bản ban hành đã có những trói buộc nhưng trên thực tế rất khó xử lý. Cùng đó, cơ quan chức năng cũng không đủ sức xử lý, trong khi đó các doanh nghiệp lại buộc phải tránh né để hoạt động. Thông tư 12/2020 đã có những bước chuyển, nhưng e ngại một số vấn đề chưa thể đi vào cuộc sống như việc ngăn chặn xe công nghệ với xe truyền thống, xe Limousine có làm nhiễu loạn thị trường vận tải hay không. Trong khi hạ tầng giao thông kém và cơ quan chức năng chưa đủ sức cùng với việc tham nhũng vặt (tiêu cực) vẫn còn thì chưa thể giải quyết được.
“Xe dù, bến cóc” hết lộng hành?
Theo Thông tư 12/2020, các doanh nghiệp làm ăn tùy tiện, không đảm bảo chất lượng dịch vụ và an toàn giao thông sẽ bị kiểm tra, xử lý, đồng thời gắn trách nhiệm của chủ xe khi xảy ra các sự cố như tai nạn giao thông... Đại diện hãng xe Sao Việt - ông Đỗ Văn Bằng cho rằng, Thông tư 12/2020 thay thế Thông tư 63/2014 hướng dẫn thực hiện Nghị định 10 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải sẽ giúp các doanh nghiệp kinh doanh vận tải có một sân chơi bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh. Buộc các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải nâng cao trách nhiệm và ý thức phục vụ dịch vụ tốt, an toàn cho hành khách và đảm bảo nghĩa vụ thuế của Nhà nước.
Nhiều chuyên gia về kinh tế giao thông cho rằng, cái gì phục vụ tốt nhất cho người dân thì nên ủng hộ. Việc quản lý phải công khai minh bạch, thực hiện đúng nghĩa vụ thuế với Nhà nước và đảm bảo an toàn, văn minh phục vụ cho khách hàng thì mới mang lại hiệu quả. Theo ông Nguyễn Văn Thanh (nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam), Thông tư 12/2020 có sự tiến bộ nhất định, đã nói rõ và phân loại được từng loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô. Đặc biệt, là các phương tiện hoạt động vận tải bằng công nghệ từ khâu định nghĩa đến các điều kiện kinh doanh là khá rõ ràng.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - ông Vũ Hà - cho biết, sau khi có Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, Sở GTVT Hà Nội đã ban hành Công văn số 3214/SGTVT-QLVT về kiểm tra, xử lý vi phạm đối với xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi tham gia kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, rà soát lại toàn bộ phương tiện đảm bảo thực hiện nghiêm túc việc niêm yết đầy đủ các thông tin theo quy định.
Ông Nguyễn Văn Thanh đặt vấn đề liệu các văn bản quy phạm pháp luật đã sát với thực tế và đã đi vào cuộc sống? Cụ thể là xe Limousine đang bị quy rất nhiều “tội” và xe hợp đồng cũng có rất nhiều quy định về các điều kiện kinh doanh. Nhưng có vẻ như các điều kiện đó chỉ là các văn bản còn việc thực thi lại là một vấn đề khác. Ông Thanh cho rằng, một phần do các doanh nghiệp không thực thi được, trong khi cơ quan quản lý cũng không “có sức” để cập nhật các số liệu. Cụ thể, như xe hợp đồng cần cập nhật các số liệu như thế nào về Tổng cục Đường bộ Việt Nam, những xe đón trả khách ổn định thì bao nhiêu chuyến/tháng?… Những điều kiện này nghe chừng rất chặt chẽ để ngăn chặn tình trang “bến cóc - xe dù”, nhưng các DN hoạt động vận tải sẽ thấy làm được là điều hết sức khó. Trong khi thực tế hiện nay, xe Limousine đang ngày một “phình to” vì nó đáp ứng được yêu cầu và nhu cầu ngày một cao của người dân. Đây là cuộc tranh cãi còn chưa có hồi kết, vì các nhà xe truyền thống, chạy theo luồng tuyến thì buộc phải vào bến; trong khi các nhà xe hợp đồng cho rằng phục vụ tốt cho người dân, thì lại không chịu sự kiểm soát hoặc kiểm soát không được.
Đặng Tiến
Nhiều tồn tại trong vận tải đường bộ, cấp bằng lái xe gây mất an toàn giao thông
Bộ GTVT chỏ rằng, hiện vẫn còn nhiều tồn tại trong vận tải đường bộ và đào tạo sát hạch lái xe là những nguyên ... |
Nhiều tồn tại trong vận tải đường bộ, cấp bằng lái xe gây mất an toàn giao thông
Bộ GTVT chỏ rằng, hiện vẫn còn nhiều tồn tại trong vận tải đường bộ và đào tạo sát hạch lái xe là những nguyên ... |