Sen Tài Thu: Từ thương hiệu uy tín thành trùm lừa đảo

Từng là cơ sở tiên phong trong lĩnh vực trị liệu Y học cổ truyền Việt Nam, với sự cố vấn của cố Giáo sư Nguyễn Tài Thu, Sen Tài Thu trở thành cơ sở chăm sóc sức khỏe nổi tiếng ở Hà Nội...

Thế nhưng lợi dụng tên tuổi, hình ảnh, thương hiệu của mình, trong quá trình mở rộng đầu tư hệ thống cơ sở, bà Phạm Thị Hòa (sinh năm 1958, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần tập đoàn Sen Tài Thu), Nguyễn Thị Thùy Linh (cựu Phó Tổng giám đốc, con gái bà Hòa) và Nguyễn Thị Lan Hương (cựu Tổng giám đốc) đã huy động vốn trái pháp luật dưới dạng ký kết các hợp đồng mua bán cổ phần công ty rồi trả lãi cao nhưng thực chất là lấy tiền cho người trước trả cho người sau. Số tiền thu được không phục vụ cho đầu tư kinh doanh mà phục vụ cho nhu cầu chi tiêu cá nhân của một số cá nhân lãnh đạo công ty.

Vẫn chiêu bài lãi cao và đánh bóng tên tuổi

Mới đây, Cơ quan điều tra Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty cổ phần Sen Tài Thu, bắt khẩn cấp bà Phạm Thị Hòa - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sen Tài Thu và con gái là Nguyễn Thị Thùy Linh. Ngoài ra, một người khác liên quan cũng bị bắt về tội danh trên là Nguyễn Thị Lan Hương.

Kết quả điều tra bước đầu xác định, từ đầu năm 2020, bà Phạm Thị Hòa và Nguyễn Thị Thùy Linh đầu tư vào việc mở rộng các cơ sở của hệ thống Sen Tài Thu trong thời gian dài nên đã vay nợ số tiền lớn khoảng hơn 300 tỷ (trong đó tiền gốc khoảng 100 tỷ đồng, số còn lại là tiền lãi 200 tỷ). Để thu hút được các nhà đầu tư, Công ty cổ phần Sen Tài Thu vẫn sử dụng chiêu bài lãi suất cao, đánh bóng tên tuổi, huy động vốn bằng hình thức ponzi (lấy tiền người vào trước trả cho người vào sau).

Sen Tài Thu: Từ thương hiệu uy tín thành trùm lừa đảo -0
Cựu Chủ tịch Sen Tài Thu tại cơ quan Công an

Theo tìm hiểu của phóng viên, Sen Tài Thu được thành lập từ ngày 16/04/1992 với tiền thân là Trung tâm chăm sóc sức khỏe Sen Tài Thu - Bệnh viện Châm cứu Trung ương, là cơ sở tiên phong trong lĩnh vực trị liệu Y học cổ truyền Việt Nam.

Tuy nhiên, Công ty cổ phần Tập đoàn Sen Tài Thu Việt Nam (tên ban đầu là Công ty cổ phần Sengroup Wellness Việt Nam) mới được thành lập từ 5/12/2018 với số vốn điều lệ ban đầu là 31,98 tỷ đồng, trong đó, bà Lê Thị Hồng sở hữu 19,325% vốn góp, bà Phạm Thị Hòa sở hữu 62,289% vốn góp và ông Ngô Quang Vinh sở hữu 18,386% vốn góp còn lại. Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty khi đó là bà Nguyễn Thị Thuỳ Linh.

Đến tháng 12/2020, Sengroup Wellness Việt Nam chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Sen Tài Thu Việt Nam, đồng thời vốn điều lệ cũng tăng từ 31,98 tỷ đồng lên 160,35 tỷ đồng.

Bà Phạm Thị Hòa - Chủ tịch HĐQT của Sen Tài Thu từng là người đại diện pháp luật của công ty từ 15/3/2021 đến 30/12/2022, sau khi vai trò người đại diện pháp luật chuyển cho ông Nguyễn Tuấn Anh - Tổng giám đốc Sen Tài Thu.

Nếu nói về dịch vụ chăm sóc sức khỏe, không phủ nhận Sen Tài Thu đã trở thành thương hiệu nổi tiếng của Hà Nội, bà Phạm Thị Hòa chính là người có công lớn trong quá trình gây dựng và phát triển thương hiệu Sen Tài Thu.

Sen Tài Thu: Từ thương hiệu uy tín thành trùm lừa đảo -0
Nhiều người dân trắng tay vì hợp đồng ký kết với Sen Tài thu

Một bài viết đăng tải trên website Sen Tài Thu đã  kể lại chuyện những ngày đầu tiên lập nghiệp, bà Hòa nhiều lần tìm gặp GS.TS Nguyễn Tài Thu - vị thầy đầu ngành về châm cứu chữa bệnh để trình bày về định hướng nghề chăm sóc sức khỏe, tuy nhiên đều bị từ chối.

Liên tục những ngày sau, bà Hòa kiên trì tìm gặp giáo sư. Đến lần thứ 4, giáo sư Nguyễn Tài Thu mới gật đầu nói: “Trong 3 tháng, nếu cơ sở hoạt động không đúng tính chất của viện thì tôi sẽ phế bỏ hợp tác, những tài sản của cơ sở sẽ thuộc về bệnh viện”.

Về sau, Sen Tài Thu càng ngày càng khẳng định được tên tuổi, thương hiệu. 31 năm thành lập, Sen Tài Thu cũng nhận được nhiều danh hiệu cao quý như Đơn vị thực hiện tốt pháp lệnh hành nghề Y dược tư nhân, được Giám đốc sở Y tế thành phố Hà Nội chứng nhận (1999), Danh hiệu tập thể lao động xuất sắc được Bệnh viện Châm cứu Trung ương trao tặng (2011), Đạt thành tích xuất sắc trong việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác y tế, được Bộ Y tế trao bằng khen (2013), Chứng nhận Top 10 thương hiệu uy tín vì sức khỏe do Hội giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam trao tặng (2015), ...

Bà Phạm Thị Hòa cũng được chứng nhận là Nghệ nhân Quốc gia về chăm sóc sức khỏe cộng đồng được Ban chấp hành Trung ương, Hội nghiên cứu khoa học về Đông Nam Á, Việt Nam trao tặng vào năm 2020. Trên website của mình, Sen Tài Thu hô hào rất nhiều khẩu hiệu như sứ mệnh được doanh nghiệp nêu ra là, “Đào tạo nghề trị liệu chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp cho nguồn lao động phổ thông tại địa phương là nữ giới, mang tới thu nhập ổn định, môi trường làm việc thân thiện, chuyên nghiệp, cung ứng cho ngành spa trị liệu, chăm sóc sức khỏe nhiều tiềm năng tại Việt Nam”, “Hành trình 29 năm xây dựng và phát triển, Sen Tài Thu kiên trì với mục tiêu lành mạnh, lấy chất lượng đặt lên hàng đầu, lấy đạo đức để đối đãi với khách hàng, dùng đạo đức để cạnh tranh, dùng đạo đức để nghĩ về nghề nghiệp”…

Thế nhưng chỉ vì tiền, cuối cùng bà Hòa đã đánh mất tất cả mọi thứ mình đã gây dựng trong bao năm qua, ảnh hưởng đến tên tuổi, uy tín của cố Giáo sư Nguyễn Tài Thu. Lợi dụng tên tuổi, thương hiệu, uy tín, bà Hòa cùng các đồng phạm đã tự ý nâng khống vốn điều lệ công ty, tự đưa ra doanh thu lợi nhuận của hệ thống không đúng thực tế để huy động vốn trái pháp luật.

Theo đó, năm 2022, Nguyễn Thị Thùy Linh bàn bạc với Nguyễn Thị Lan Hương (khi đó là Tổng giám đốc) nâng khống vốn điều lệ của công ty từ 31 tỷ lên 160 tỷ đồng để phát hành cổ phần; đưa ra các thông tin gian dối về tình hình hoạt động của công ty, lợi nhuận của công ty, mức lãi suất hấp dẫn để các nhà đầu tư chuyển tiền ký kết hợp đồng; chuyển nhượng cổ phần và hợp đồng cam kết mua lại cổ phần; đồng thời sử dụng cổ phần cá nhân của bà Phạm Thị Hòa để huy động vốn, ký hợp đồng bán cổ phần cho các nhà đầu tư. Để thu hút nhiều người đầu tư, Nguyễn Thị Lan Hương đã xây dựng đội ngũ sale (nhân viên tư vấn, bán hàng, kêu gọi đầu tư) và chính sách trả thưởng hoa hồng % rất cao trên giá trị hợp đồng chuyển nhượng cổ phần được ký. Sau khi nhận tiền, công ty cắt từ 7-30% cho các sale. Chưa kể lãi suất công ty đưa ra là trên 12%, cộng với thương hiệu nổi tiếng nhiều năm nay nên nhiều người tin tưởng ném tiền vào các hợp đồng đầu tư và cứ người vào trước kéo người vào sau.

Ban đầu, nhà đầu tư gửi tiền vào được trả đầy đủ cả lãi và gốc. Tuy nhiên, đến đầu năm 2023, nhiều người đã không còn nhận được cả gốc và lãi.

Theo kết quả điều tra sơ bộ xác định, từ tháng 10/2020 đến tháng 3/2023, có hơn 400 nhà đầu tư đã ký kết mua bán cổ phần với Phạm Thị Hòa thông qua khoảng hơn 1.000 hợp đồng, chuyển số tiền khoảng hơn 1.000 tỷ đồng (giá trị trên hợp đồng) đến Công ty CP Tập đoàn Sen Tài Thu.

Tại buổi làm việc của lãnh đạo Sen Tài Thu với khách hàng vào tháng 7/2023, ông Trần Tuấn Anh, tân Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Sen Tài Thu cho biết, số tiền 1.021 tỷ đồng không được kê khai vào doanh nghiệp và đã thất thoát ngoài sổ sách.

Trắng tay vì hợp đồng chuyển nhượng cổ phần

Cách đây nửa năm, câu chuyện Sen Tài Thu huy động vốn đa cấp đã được các nạn nhân chia sẻ rầm rộ trên các hội nhóm. Nhiều người dân còn kéo đến trụ sở tại phố Thái Thịnh, Hà Nội căng băng rôn biểu tình đòi lại tiền.

Sen Tài Thu: Từ thương hiệu uy tín thành trùm lừa đảo -0
Một bị can tại cơ quan điều tra 

Trong số những cá nhân đầu tư vào Sen Tài Thu, có những trường hợp dốc hết tài sản tiết kiệm cả đời, giờ phải đi vay nợ trả lãi, trong khi gia đình khánh kiệt, bố mẹ người thân ốm đau đang phải chạy vạy từng đồng để chạy chữa. Như trường hợp chị N.T.T (Hà Nội), dù chỉ là nhân viên quán ăn, lương vài triệu đồng, nhưng vì bùi tai nghe lời nhân viên ngân hàng tư vấn mà chị đã rút toàn bộ 2 tỷ tiền tiết kiệm để mua 17.000 cổ phần của Sen Tài Thu. Theo lời quảng cáo của nhân viên ngân hàng thì chuyển sang đầu tư bên Tập đoàn Sen Tài Thu lãi hàng năm sẽ là 12%, cao hơn nhiều lần so với gửi tiết kiệm, mà không phải ai cũng có cơ hội vì Tập đoàn chỉ huy động số vốn rất ít.

Cuối cùng giờ chị T chỉ còn lại hai bàn tay trắng, trong khi cả bố cả mẹ đều đang bị tai biến. Số tiền tiết kiệm 2 tỷ kia vốn hàng tháng được rút lãi để trả viện phí cho bố mẹ thì giờ đây đã mất tất cả. Nhiều lần chị đã có ý định tự tử nhưng vì bố mẹ, chị vẫn phải tiếp tục cố gắng, vẫn phải đi vay lãi ngoài để lấy tiền chữa bệnh cho bố mẹ.

Hay như trường hợp bà P.H.Y (Hoàn Kiếm, Hà Nội), trước tháng 4/2021, vợ chồng bà có khoản gửi tiết kiệm hơn 1,3 tỷ đồng tại một ngân hàng ở Nguyễn Du, Hà Nội. Tuy nhiên sau đó, Giám đốc Trung tâm Khách hàng cá nhân của ngân hàng này đã tư vấn cho bà chuyển khoản số tiền hơn 1,3 tỷ đồng này sang Sen Tài Thu với mục đích “gửi tiết kiệm” để nhận lãi suất là 12%/năm, thời gian gửi là 1 năm.

Hay như trường hợp bà N.M.H (Cầu Giấy, Hà Nội) có gửi một khoản tiết kiệm tại một ngân hàng ở Nam Trung Yên, Hà Nội. Đầu năm 2021, bà được một nhân viên ngân hàng cũng tiếp cận mời chào đầu tư sang Sen Tài Thu với lãi suất 12%/năm.

Sen Tài Thu: Từ thương hiệu uy tín thành trùm lừa đảo -0
Bà Phạm Thị Hòa là người sáng lập ra thương hiệu Sen Tài Thu nhưng cũng là người làm tiêu tan thương hiệu này

Bà T.T.H, 75 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội, cũng đã trở thành nhà đầu tư với 6 hợp đồng mua cổ phần trị giá 1,75 tỷ đồng tại Tập đoàn Sen Tài Thu. Khoản tiền đầu tư của bà H. vốn trước đây cũng là tiền tiết kiệm gửi tại một ngân hàng để dưỡng già, sau đó được nhân viên ngân hàng mời chào giới thiệu chuyển qua mua cổ phần tại Tập đoàn Sen Tài Thu.

Một nạn nhân 73 tuổi ở quận Hoàng Mai, Hà Nội đã đầu tư số tiền lên đến hơn 16 tỷ đồng vào Tập đoàn Sen Tài Thu. Ban đầu bà H. chỉ đầu tư số tiền nhỏ, thấy nhận được lãi đầy đủ, bà dồn cả gốc, lãi cộng thêm tiền bán nhà và huy động từ các con số tiền 16 tỷ đồng để mua cổ phần của Tập đoàn Sen Tài Thu.

Hiện nay bà đứng tên 10 hợp đồng mua cổ phần của công ty này với 16 tỷ đồng huy động toàn bộ tài sản của gia đình. Đau lòng hơn, hiện nạn nhân đang điều trị ung thư giai đoạn 4, việc điều trị rất tốn kém nhưng không còn tiền, tiền đầu tư thì không lấy lại được nên bà không dám xin con cái.

Theo tìm hiểu, số lượng hợp đồng nhà đầu tư ký kết với Sen Tài Thu thông qua môi giới là các cựu nhân viên ngân hàng, công ty chứng khoán là rất lớn. Có hơn 400 nạn nhân của Sen Tài Thu bị các nhân viên ngân hàng, nhân viên các công ty tài chính, chứng khoán… môi giới rút tiền kiết kiệm đầu tư sang Sen Tài Thu. Và khi mỗi một nạn nhân được lừa vào tròng, họ hưởng có khi tới 30% giá trị “đầu tư”. 

Thủ đoạn huy động vốn bằng các hợp đồng hợp tác đầu tư, kinh doanh như Sen Tài Thu không phải là hiếm, dù đã được báo chí cảnh báo nhưng vẫn nhiều người mắc phải. Đành rằng lỗi phần nhiều thuộc về nhà đầu tư khi ham lãi suất cao, thế nhưng trước sự tiếp tay của nhiều nhân viên ngân hàng, công ty chứng khoán thì hầu hết các nạn nhân khó lòng thoát khỏi chiêu trò lừa đảo của các đối tượng phạm tội.

https://antg.cand.com.vn/Ho-so-Interpol/sen-tai-thu-tu-thuong-hieu-uy-tin-thanh-trum-lua-dao-i722264/

Ngọc Trâm / CAND