- Lễ thượng cờ SEA Games 31 dự kiến có khoảng 400 đại biểu tham dự
- Ảnh: Hải Phòng gấp rút hoàn thiện cải tạo khu đua thuyền phục vụ SEA Games 31
Chưa đầy 1 tháng nữa, Đại hội thể thao Đông Nam Á - SEA Games 31 sẽ chính thức khai mạc tại Việt Nam. Nước chủ nhà đang nỗ lực tối đa, quyết tâm mang đến một kỳ đại hội thành công trên nhiều phương diện.
Thời điểm này, dù đối mặt nhiều khó khăn, song mọi công tác chuẩn bị từ chuyên môn tới lễ tiết, hậu cần đã và đang được ban tổ chức gấp rút triển khai, hoàn thiện để sẵn sàng đón hơn 10.000 quan khách, HLV, VĐV từ 11 quốc gia tham gia đại hội thể thao lớn nhất khu vực, diễn ra từ 12-5 đến 23-5-2022 tại Hà Nội và 11 tỉnh, thành lân cận.
Chào đón bạn bè quốc tế trong “bình thường mới”
SEA Games 31 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề trên toàn thế giới, bao gồm 11 quốc gia Đông Nam Á. Để đảm bảo sức khỏe cho các thành viên tham dự cũng như thành công của đại hội, chủ nhà Việt Nam đã đề xuất dời đại hội từ tháng 12-2021 sang tháng 5-2022 và được Hội đồng Olympic Đông Nam Á, các đoàn thể thao đồng tình ủng hộ. Trước diễn biến mới của dịch, cùng chính sách mở cửa của Chính phủ Việt Nam, Ban tổ chức SEA Games 31 đã điều chỉnh một số quy định theo hướng nới lỏng, nhằm tạo điều kiện tối đa cho các đoàn thể thao khi tới Việt Nam dự đại hội.
Theo đó, các HLV, VĐV tham dự SEA Games 31 không bắt buộc phải tiêm vaccine phòng Covid-19. Việc xét nghiệm sàng lọc Covid-19 với HLV, VĐV sẽ được thực hiện hàng ngày trong suốt thời gian tham dự đại hội, chi phí do Ban tổ chức chi trả. Trường hợp mắc Covid-19, VĐV sẽ cách ly điều trị ngay lập tức tại các cơ sở do Ban tổ chức bố trí và hủy kết quả thi đấu (đối với môn thi cá nhân). Môn thi, nội dung thi có VĐV mắc Covid-19 đó vẫn thi đấu bình thường.
Các HLV, VĐV tiếp xúc với F0 sẽ không phải cách ly và chỉ cần có kết quả âm tính trước giờ thi đấu là sẽ tham dự như bình thường. Các môn thi tập thể như bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ… sẽ được tăng số lượng đăng ký VĐV để có người thay thế trong trường hợp xuất hiện ca nhiễm Covid-19. Ban tổ chức đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên trách, địa phương xây dựng phương án tổ chức phù hợp tình hình dịch bệnh, trong đó có các kịch bản dự phòng đối với trường hợp dịch bệnh phát sinh phức tạp. Tất cả nhằm tạo điều kiện thuận lợi trên cơ sở an toàn sức khoẻ cho thành viên tham dự, cũng như chất lượng chuyên môn cao nhất cho các cuộc tranh tài tại đại hội.
Thưởng thức “đại tiệc” ánh sáng, cảm xúc tại lễ khai mạc
Thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Lễ khai mạc SEA Games 31 trên Sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) đang được gấp rút hoàn thiện, từ cơ sở vật chất đến các tiết mục biểu diễn tại chương trình đặc biệt này. Theo kịch bản, lễ khai mạc dự kiến kéo dài 120 phút, gồm 3 chương: Việt Nam thân thiện; Đông Nam Á mạnh mẽ; Đông Nam Á tỏa sáng, với sự tham gia của gần 3.000 nghệ sỹ, diễn viên…
Tổng đạo diễn Lễ khai mạc SEA Games 31 Trần Ly Ly tiết lộ, các công nghệ trình diễn hiện đại sẽ được sử dụng với 44 máy chiếu công nghệ cao đã từng được áp dụng tại rất nhiều sự kiện lớn trên thế giới. Toàn bộ mặt cỏ sân Mỹ Đình được phủ màn chiếu ánh sáng rất rực rỡ, bên cạnh các tiết mục đồng diễn quy mô, đặc sắc. Chương trình được kỳ vọng sẽ mang đến cho khán giả trong nước, quốc tế cái nhìn toàn cảnh, những hình ảnh đẹp nhất về tầm vóc, văn hóa, truyền thống, con người Việt Nam, cũng như lan tỏa tinh thần, truyền tải thông điệp của SEA Games 31.
Hai nghi thức quan trọng nhất không thể thiếu tại lễ khai mạc các kỳ SEA Games là màn rước đuốc và diễu hành của các đoàn thể thao cũng được đầu tư công phu. Theo đó, 11 vận động viên tài năng của Việt Nam sẽ nhận vinh dự cầm bảng tên của 11 đoàn thể thao dự SEA Games 31, mỗi đoàn sẽ cử 31 thành viên (tượng trưng cho SEA Games 31) tham gia diễu hành. Kiếm thủ Vũ Thành An - người giành HCV 3 kỳ SEA Games liên tiếp gần đây - vinh dự cầm cờ cho Đoàn thể thao Việt Nam tại lễ khai mạc.
Sau màn diễu hành của các đoàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tuyên bố khai mạc SEA Games 31. Những người hùng thể thao Việt Nam như Trần Hiếu Ngân (Taekwondo), Hoàng Anh Tuấn (Cử tạ), Nguyễn Thúy Hiền (Wushu, 2 HCV ASIAD), Nguyễn Thị Ánh Viên (Bơi lội), Bùi Thị Thu Thảo (Điền kinh)… sẽ truyền tay ngọn lửa thiêng trước khi trao cho Quán quân vô địch bắn súng Olympic 2016 Hoàng Xuân Vinh trực tiếp châm đuốc, thắp sáng đài lửa sân Mỹ Đình, đánh dấu SEA Games 31 chính thức khởi tranh.
Sòng phẳng cạnh tranh ngôi số 1
SEA Games là giải đấu đậm chất thể thao khu vực. Quốc gia đăng cai được quyền đề xuất các môn thi mà mình mong muốn. Vì vậy mỗi kỳ đại hội, chuyện nước chủ nhà tổ chức các môn, nội dung thế mạnh, thậm chí “đặc sản” của quốc gia mình vốn không hiếm. Mục đích là để thâu tóm huy chương, hướng đến thành tích cao nhất trên bảng tổng sắp huy chương chung cuộc. Song với SEA Games 31, chủ nhà Việt Nam hướng tới sự đột phá.
Ông Trần Đức Phấn - Phó tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục thể thao kiêm Phó trưởng Ban tổ chức SEA Games 31 cho biết, chương trình thi đấu SEA Games 31 có những khác biệt rất lớn so với trước. Ngoài việc có nhiều môn ASIAD và Olympic, chúng ta không hạn chế đăng ký thi đấu đối với các đoàn tham dự và không có tình trạng loại bỏ nội dung thế mạnh của nước bạn, đưa nội dung thế mạnh của mình vào. “Với tinh thần mang đến các cuộc thi đấu công bằng, sòng phẳng, tôi đánh giá các cuộc thi đấu ở SEA Games 31 sẽ diễn ra rất quyết liệt và khó khăn hơn trong việc giành huy chương” - ông Trần Đức Phấn chia sẻ.
Theo Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, qua việc thi đấu tại SEA Games 31, ngành thể thao mong muốn có đánh giá bước đầu về thực lực, năng lực của các VĐV, đặc biệt với nhóm các môn ở ASIAD và Olympic để tiến hành sàng lọc và có chiến lược đầu tư phù hợp nhằm phát triển thành tích trong tương lai. “Các VĐV sẽ tham gia toàn bộ các nội dung thi đấu và hướng tới vị trí nhất toàn đoàn tại SEA Games 31. Sự cạnh tranh được dự báo rất quyết liệt nên từng VĐV, từng đội tuyển toàn bộ các môn sẽ phải nỗ lực giành thành tích tốt nhất để cùng đoàn thể thao Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn được giao” - ông Trần Đức Phấn nói.
Hai thập kỷ vững vàng top 3
SEA Games 22 (năm 2003) đánh dấu cột mốc lịch sử khi Việt Nam lần đầu tiên đăng cai đại hội thể thao lớn nhất khu vực, cũng là lần đầu tiên thể thao Việt Nam vươn lên soán ngôi nhất toàn đoàn với 158 HCV (trên tổng số 444 HCV), hơn 68 HCV so với đoàn Thái Lan xếp thứ nhì. Đáng nói, đó không phải thành tích nhất thời mà là sự ghi nhận bước phát triển, ổn định của nền thể thao. Kể từ đó đến nay, suốt 19 năm qua, Việt Nam luôn vững vàng một vị trí top 3 toàn đoàn tại đấu trường SEA Games. Hướng tới kỳ đại hội lần thứ 2 trên sân nhà - SEA Games 31, chủ nhà Việt Nam đặt mục tiêu giành 140 HCV (trên tổng số 526 HCV), xếp nhất toàn đoàn.
Tay vợt Nguyễn Tiến Minh - gạch nối lịch sử
Trong số hơn 1.100 VĐV đoàn Việt Nam tham dự SEA Games 31, tay vợt cầu lông Nguyễn Tiến Minh là cái tên đặc biệt khi từng góp mặt ở cả 2 kỳ đại hội do Việt Nam đăng cai. 19 năm trước, sau khi đánh bại tay vợt kỳ cựu Nguyễn Phú Cường để giành HCV đơn nam quốc gia và có tên trong danh sách Liên đoàn cầu lông thế giới, Tiến Minh bước vào SEA Games 2003 với mục tiêu học hỏi, cọ xát. Những trải nghiệm quý báu tại kỳ đại hội trên sân nhà giúp anh dần trưởng thành, để sau đó liên tục gặt hái thành tích, lọt top 5 đơn nam thế giới (tháng 12-2010), giành HCĐ thế giới 2013… và là niềm tự hào của thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế.
Trở lại SEA Games trên sân nhà, Tiến Minh bây giờ đã là tượng đài cầu lông Việt Nam, được bàn bè quốc tế biết đến, nể trọng. Anh chính là gạch nối lịch sử giữa 2 kỳ SEA Games mà Việt Nam đăng cai. Đây cũng có thể là kỳ đại hội cuối cùng tay vợt sinh 1983 này tranh tài.