Sẽ trình Quốc hội thí điểm đấu giá biển số ô tô

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá sẽ được trình tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XV.

Chiều 22/9, 100% ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt tại phiên họp đã đồng ý bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư (tháng 10/2022). 

Sẽ trình Quốc hội thí điểm đấu giá biển số ô tô - 1

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết trình Quốc hội thí điểm lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

Cần xem xét đấu giá cả biển số nền màu vàng

Trước đó, báo cáo thẩm tra về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhận định, việc đấu giá biển số ô tô là chính sách mới, có nhiều đặc thù, khác với quy định của một số luật hiện hành nên việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thực hiện thí điểm là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 về thẩm quyền, hình thức văn bản.

Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc đưa ra đấu giá đối với biển số ô tô nền trắng, chữ và số màu đen trong kho số đăng ký cho xe ô tô chưa được đăng ký; không đưa đấu giá đối với biển số cấp cho xe mua sắm từ ngân sách Nhà nước, xe của quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng, xe của doanh nghiệp quân đội làm kinh tế, xe của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và người nước ngoài làm việc trong cơ quan, tổ chức đó hoạt động trong lãnh thổ Việt Nam.

Sẽ trình Quốc hội thí điểm đấu giá biển số ô tô - 2

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

"Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ làm rõ lý do không đưa biển số ô tô nền màu vàng (dùng cho xe hoạt động kinh doanh vận tải) vào đấu giá, vì hiện nay số xe này, bao gồm cả xe “taxi công nghệ” (vừa là xe kinh doanh, vừa là xe cá nhân) là rất lớn; thực tế, nhiều chủ xe có nhu cầu được lựa chọn biển số cho phương tiện của mình", ông Tùng nói.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, có ý kiến đề nghị đưa ra đấu giá cả biển số mô tô vì nhu cầu chọn biển số đẹp của những chủ xe này trong thực tế cũng rất lớn. Tuy nhiên, đa số thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị chưa nên mở rộng phạm vi thí điểm đấu giá đối với biển số mô tô vì chưa đánh giá đầy đủ mức độ tác động trong trường hợp chấm dứt thí điểm.

Nguồn thu phân chia 70:30

Về mức giá khởi điểm đấu giá biển số được Chính phủ đề xuất là 40 triệu đồng đối với Hà Nội và TP.HCM, địa phương khác là 20 triệu đồng. Ông Tùng cho biết, nội dung này nhận được sự đồng thuận, tuy nhiên Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về số tiền đặt trước để tham gia đấu giá, bảo đảm vừa thống nhất với quy trình chung về đấu giá tài sản, đồng thời hạn chế việc bỏ cọc của người trúng đấu giá.

Về sử dụng nguồn thu từ đấu giá, Chính phủ đề nghị “số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá tài sản theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách Trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương”.

Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan trình lý giải rõ hơn sự cần thiết, mục đích của việc phân bổ cho ngân sách địa phương 30% số thu từ đấu giá biển số, bởi việc cấp quyền sử dụng và thống nhất quản lý kho số thuộc trách nhiệm của Bộ Công an và cơ bản việc đấu giá do các cơ quan thuộc Bộ Công an thực hiện.

Đồng thời, ngân sách địa phương theo phân cấp đã bố trí kinh phí chi thường xuyên cho công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

https://vtc.vn/se-trinh-quoc-hoi-thi-diem-dau-gia-bien-so-xe-o-to-ar702437.html

ANH VĂN / VTC News