Từ 1.7, trong khi Viettel được coi là doanh nghiệp đi đầu trong việc xử lý, ngăn chặn cuộc gọi rác thì MobiFone cũng quyết liệt triển khai ngay, không chờ đến thời hạn mà Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) đề nghị. Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Minh Thắng - Trưởng phòng Tài nguyên thống kê - Cục Viễn thông - cho biết: Việc xử lý sim rác chúng tôi vẫn đang tiến hành và làm thường xuyên, chứ không có chuyện “bắt cóc bỏ đĩa”, bởi chỉ cần ngừng ngăn chặn là hiện tượng sim rác lại đua nhau mọc lên ngay.
Bước đầu hiệu quả
Sáng 7.7, tròn 1 tuần sau thời điểm Viettel chính thức thực hiện xử lý, ngăn chặn các cuộc gọi rác, trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện doanh nghiệp này cho biết, mọi việc đang tiến triển thuận lợi, hiệu quả và rất được ủng hộ từ khách hàng.
Trước thực trạng bùng phát các cuộc gọi rác trong thời gian vừa qua, để bảo vệ các khách hàng của mình, Viettel đã chủ động bắt tay vào xây dựng hệ thống ngăn chặn cuộc gọi rác và tiến hành thử nghiệm thành công. Trên cơ sở kết quả thử nghiệm, Viettel đã có báo cáo gửi Bộ TTTT đề xuất các tiêu chí phát hiện cuộc gọi rác, cách thức, quy trình cụ thể để ngăn chặn các cuộc gọi spam thoại.
Về việc triển khai các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn cuộc gọi giả mạo, theo đại diện của Viettel, trong tuần qua, doanh nghiệp đã thực hiện nhắn tin truyền thông cảnh báo đến 71 triệu thuê bao di động theo tần suất hằng tháng. Thực hiện truyền thông các nội dung cảnh báo khách hàng trên website và fanpage của Viettel Telecom.
Viettel cũng rà soát các đầu số thuê bao theo quy định của Bộ TTTT, của Liên minh viễn thông thế giới để đảm bảo các số chủ gọi theo quy định đối với cuộc gọi có trong nước và quốc tế. Viettel đã xây dựng các giải pháp tổng đài để kiểm tra thuê bao chủ gọi và các công cụ để phát hiện và chặn lọc các cuộc gọi quốc tế giả mạo, lừa đảo. Từ đó, Viettel cho biết, đã thực hiện chặn lọc được hàng trăm nghìn cuộc gọi từ quốc tế về có dấu hiệu giả mạo, lừa đảo.
Theo kết quả đánh giá của Viettel khi khảo sát tới các khách hàng, gần 90% các thuê bao được hỏi đều đồng ý việc thực hiện chặn số thuê bao phát tán cuộc gọi spam và cho rằng, việc làm này là rất cần thiết để bảo vệ khách hàng.
Xây dựng hệ thống phát hiện và ngăn chặn cuộc rác
Cũng liên quan đến vấn đề này, cũng trong sáng 7.7, MobiFone cho biết, doanh nghiệp đã hoàn thiện xây dựng hệ thống phát hiện và ngăn chặn cuộc rác sử dụng công nghệ dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (machine learning) và chính thức đưa vào hoạt động từ ngày 1.7.
“Nắm bắt được nhu cầu bức thiết của khách hàng mong muốn không bị làm phiền bởi cuộc gọi rác, MobiFone đã sớm xây dựng một hệ thống kỹ thuật, áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất hiện nay như big data, AI, machine learning để phân tích thuê bao có hành vi bất thường về cuộc gọi, dự đoán các thuê bao là cuộc gọi rác... nhằm xác định tập thuê bao nghi ngờ.
Hệ thống này cũng sẽ lấy ý kiến phản hồi từ khách hàng để xác định cuộc gọi rác, đưa ra các ngưỡng phù hợp để chặn các thuê bao phát tán cuộc gọi rác” - đại diện nhà mạng này thông tin.
Theo đó, MobiFone sẽ chặn thuê bao thực hiện các cuộc gọi mà đáp ứng 5 tiêu chí của Cục Viễn thông về xác định cuộc gọi rác. 5 tiêu chí đó là tần suất thực hiện cuộc gọi; tỉ lệ cuộc gọi có thời gian liên lạc ngắn; tỉ lệ cuộc gọi có thời gian giữa các cuộc gọi ngắn; tỉ lệ gọi đi cho các thuê bao không có mối quan hệ; đặc điểm hành vi sử dụng (thuê bao chủ yếu sử dụng gọi đi, không nhận và gửi tin nhắn SMS).
Đại diện MobiFone cho biết, trên thực tế các tính năng của hệ thống đã được thử nghiệm từ tháng 4.2020.
“Qua gần 3 tháng, hệ thống chặn cuộc gọi rác của MobiFone đã hoạt động ổn định, đáp ứng đủ các yêu cầu kỹ thuật. Do đó, MobiFone chính thức đưa vào vận hành hệ thống kỹ thuật ngăn chặn cuộc gọi rác/cuộc gọi không mong muốn sớm hơn một tháng so với quy định” - nhà mạng này chia sẻ.
“Trước mắt, MobiFone sẽ bổ sung tính năng chặn cuộc gọi rác cho các thiết bị đầu cuối cài đặt app MyMobiFone” - đại diện nhà mạng này cho biết.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Minh Thắng - Trưởng phòng Tài nguyên thống kê - Cục Viễn thông - cho biết: “Cuộc gọi rác chủ yếu là vấn đề kỹ thuật. Các nhà mạng sẽ sử dụng các giải pháp kỹ thuật, nghiệp vụ để chọn lọc. Còn sim rác liên quan nhiều đến kênh phân phối và thông tin thuê bao. Hiện việc xử lý sim rác chúng tôi vẫn đang tiến hành và làm thường xuyên, chứ không có chuyện “bắt cóc bỏ đĩa”, bởi chỉ cần ngừng ngăn chặn là hiện tượng sim rác lại đua nhau mọc lên ngay”.
Cục Viễn thông yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông sẽ kết hợp thu thập ý kiến phản hồi của khách hàng để xác định hành vi phát tán “cuộc gọi rác” quấy rối người sử dụng. Sau đó, thực hiện biện pháp ngăn chặn hành vi phát tán “cuộc gọi rác” (khóa chiều gọi đi đối với thuê bao nội mạng và khóa chiều gọi đến đối với thuê bao liên mạng). Lộ trình thực hiện từ đầu tháng 7.2020 với Viettel và trước 1.8 với Vinaphone và MobiFone, các doanh nghiệp viễn thông còn lại triển khai từ ngày 1.10.
Cục Viễn thông yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông sẽ kết hợp thu thập ý kiến phản hồi của khách hàng để xác định hành vi phát tán “cuộc gọi rác” quấy rối người sử dụng. Sau đó, thực hiện biện pháp ngăn chặn hành vi phát tán “cuộc gọi rác” (khóa chiều gọi đi đối với thuê bao nội mạng và khóa chiều gọi đến đối với thuê bao liên mạng). Lộ trình thực hiện từ đầu tháng 7.2020 với Viettel và trước 1.8 với Vinaphone và MobiFone, các doanh nghiệp viễn thông còn lại triển khai từ ngày 1.10.
Long Nguyễn
Chặn cuộc gọi rác, "cò" bảo hiểm, nhà đất có còn?
Các thuê bao phát tán cuộc gọi rác sẽ bị nhà mạng chặn triệt để. Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn có thể tiến hành quảng ... |
Nhà mạng chặn cuộc gọi rác từ tháng 7
Tất cả các thuê bao bị xác định là nguồn phát tán cuộc gọi rác sẽ bị khóa chiều gọi đi (nội mạng) và chiều ... |
Đau đầu vì cuộc gọi “rác” quấy nhiễu, làm gì để thoát khỏi sự mệt mỏi?
Mỗi tháng có khoảng 10.000 số điện thoại quấy nhiễu hàng triệu người với hàng triệu cuộc gọi “rác” giới thiệu, quảng cáo sản phẩm ... |