Sao không cho xả trạm BOT?

Trong khi dư luận hoan nghênh đề xuất xả trạm thu phí BOT dịp Tết thì cơ quan quản lý lấy lý do chủ đầu tư dự án BOT chưa có phương án tài chính cụ thể để từ chối cho xả trạm

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa bác đề xuất tạm dừng thu phí trong dịp Tết nguyên đán 2019 đối với các trạm BOT Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bình Thuận (đặt trên Quốc lộ 1) và trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ. Việc từ chối này khiến dư luận băn khoăn tại sao chủ đầu tư BOT muốn tạo thuận lợi cho người dân nhưng cơ quan quản lý lại nói không?

Dân đồng tình

Trước đó, ngày 11-1, Công ty CP Đầu tư Phương Nam - đơn vị đầu tư, khai thác, thu phí tại 3 trạm thu phí ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bình Thuận - đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất tạm ngưng thu phí cùng lúc cho 3 trạm từ 14 giờ ngày 4-2 đến 6 giờ ngày 6-2 (từ 30 tháng chạp đến mùng 2 Tết nguyên đán). Ông Nguyễn Văn Phương, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phương Nam, cho biết trong đề xuất, công ty nói rõ việc không tính doanh thu các ngày tạm ngưng thu phí vào doanh thu, phương án tài chính của dự án. "Lý do tạm ngừng thu phí trong dịp Tết là nhằm cảm ơn người dân đã sử dụng đường bộ suốt 1 năm qua, đồng thời phục vụ người dân tại các tỉnh du Xuân đón Tết được thuận lợi và tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên thu phí được nghỉ Tết" - ông Phương bày tỏ.

Cùng thời gian, Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cũng có văn bản gửi Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ đề xuất dừng thu phí qua trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ trong 3 ngày nghỉ Tết nguyên đán, từ 30 tháng chạp đến mùng 2 Tết. Nhà đầu tư này khẳng định việc đưa ra đề xuất xả trạm nhằm giúp giảm tắc nghẽn tại cửa ngõ phía Nam Hà Nội trong ngày nghỉ Tết, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ công nhân viên của trạm thu phí được nghỉ đón Tết cùng gia đình.

sao khong cho xa tram bot

Bộ GTVT không đồng ý với đề xuất xả trạm BOT vào dịp Tết nguyên đán. Ảnh: SONG ANH

Những ngày qua, dư luận dành nhiều quan tâm đến đề xuất xả trạm của các nhà đầu tư BOT. Ông Phạm Văn Long, tài xế xe khách tuyến TP HCM đi các tỉnh miền Trung, cho rằng giới tài xế và nhà xe rất hoan nghênh thiện chí của chủ đầu tư.

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô tỉnh Bình Thuận, cũng đồng tình với việc xả trạm thu phí trong những ngày nghỉ Tết. Theo ông Trung, nếu việc xả trạm được thực hiện minh bạch, nhà đầu tư tự bỏ tiền để bù vào những ngày xả trạm thì quá tốt, có lợi cho người dân.

Trong khi đa phần người dân, giới tài xế, doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải ủng hộ việc xả trạm những ngày nghỉ Tết thì Bộ GTVT lại không đồng ý .

Vì sao bị từ chối?

Lý do từ chối xả trạm được ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, giải thích là vì các chủ BOT mới chỉ có đề xuất "suông" chứ chưa đưa ra phương án tài chính cụ thể để bù doanh thu vào những ngày xả trạm, tránh ảnh hưởng đến kế hoạch hoàn vốn theo hợp đồng BOT đã ký kết. Với đề xuất của chủ đầu tư BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, ông Huyện giải thích rõ: Việc dừng thu phí trên tuyến BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ ảnh hưởng tới việc thu phí trên tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình, do 2 tuyến này đang thực hiện thu phí liên thông. Ngoài ra, việc xả trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ tác động tới tất cả các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ trên toàn quốc.

Ông Nguyễn Văn Huyện khẳng định sẽ chấp thuận việc xả trạm trong trường hợp chủ đầu tư BOT đưa ra phương án tài chính hợp lý, sử dụng "tiền túi" của mình để bù phần hụt thu. "Còn nếu tự ý xả trạm, nhà đầu tư phải tự lấy lợi nhuận của họ để bù vào những ngày miễn phí cho các phương tiện qua trạm cũng như bù đắp phương án hoàn vốn của dự án" - ông Huyện nói.

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ còn nhấn mạnh việc đề xuất không thu phí đối với các phương tiện trong 3 ngày Tết không được quy định trong hợp đồng BOT và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Hiện chỉ có quy định về việc xả trạm nếu như ùn tắc kéo dài 700 m trước khi vào trạm thu phí. Trong trường hợp nhà đầu tư không tuân thủ quy định này sẽ bị xử lý theo Nghị định số 46/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.

Nói về việc từ chối cho xả trạm, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng về quan điểm, ông ủng hộ việc xả trạm vì sẽ tạo thuận lợi cho người dân, giảm được ùn tắc giao thông trong những ngày Tết. Vấn đề là chủ đầu tư phải minh bạch, có phương án tài chính cụ thể để cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở cân nhắc. "Việc xả trạm ảnh hưởng đến doanh thu, ảnh hưởng đến hợp đồng BOT đã ký kết nếu DN không bù số tiền hụt thu" - ông Liên lưu ý.

Không nên cứng nhắc

Vấn đề mà các chuyên gia đặt ra là Tổng cục Đường bộ có quá cứng nhắc khi từ chối cho chủ đầu tư BOT xả trạm với những lý do nói trên?

Thực ra, đây không phải là điều không có tiền lệ. Như tỉnh Bình Dương mấy năm trở lại đây đều đã áp dụng phương án xả trạm và được người dân rất ủng hộ. Số tiền miễn phí tuy không quá lớn so với các chi phí khác đều tăng rất nhiều trong dịp Tết nhưng họ coi đó là một món quà mà người cung cấp dịch vụ tặng người sử dụng dịch vụ. Thêm vào đó là không còn cảnh xếp hàng mua vé qua trạm, tình hình giao thông trở nên thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho người dân đi chúc Tết, vui chơi.

Xét về khía cạnh khác, BOT giao thông đơn thuần là một dịch vụ và người tham gia giao thông trả phí khi sử dụng dịch vụ, cái này là quyền lợi và trách nhiệm chung giữa 2 bên. Do đó, nhà nước chỉ cần can thiệp tới vấn đề quản lý sao cho tốt, sao cho không bị gian lận, qua mặt dẫn đến thất thu như với vụ BOT đường cao tốc TP HCM - Trung Lương như vừa qua chứ không nên can thiệp vào quyền lợi chính đáng của 2 bên.

Dư luận cho rằng Tết cổ truyền là dịp mà mọi người được nghỉ ngơi nhiều ngày và nhu cầu đi lại tăng cao so với ngày thường nên đúng ra, Bộ GTVT mới phải là bên chủ động đề nghị vấn đề xả trạm chứ không phải chờ đợi các chủ đầu tư chủ động xin xả trạm rồi bác bỏ.

Tiền bạc, lợi nhuận của chủ đầu tư là của người dân trực tiếp đóng góp thông qua hình thức trả phí, chứ không phải là Bộ GTVT hay bất cứ cơ quan nào của nhà nước đứng ra chi trả. Vì lẽ trên, phương án tài chính của chủ đầu tư thế nào thì Tổng cục Đường bộ cần có hướng dẫn họ hoàn thiện để phù hợp với hợp đồng ký kết, quy định pháp luật chứ không dùng mệnh lệnh hành chính để áp đặt.

Ông Đỗ Hữu Bằng, Giám đốc hãng xe Sao Việt (Hà Nội):

Xem xét thời gian xả trạm hợp lý

Việc xả trạm vào dịp Tết là cần thiết nhưng cần cân nhắc thời gian áp dụng. Thời điểm cận Tết (từ ngày 26 đến 29 tháng chạp) và sau Tết (từ mùng 4 đến mùng 6) nhu cầu đi lại cao, lượng xe cộ ra vào cửa ngõ các TP lớn nên thường xảy ra ùn tắc. Do vậy, chủ đầu tư xem xét thời gian xả trạm hợp lý để bảo đảm giao thông, giải quyết vấn đề ùn tắc, cũng như nhu cầu đi lại của người dân, hoạt động của DN. Khi đó, việc xả trạm mới mang lại hiệu quả thực sự, mới hướng đến người dân và DN.

Ông Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông:

Không nên xả trạm để kéo dài thời gian thu phí

Tôi hoàn toàn ủng hộ việc này vì người dân sẽ được hưởng lợi. Cơ quan quản lý nhà nước cần cân nhắc các vấn đề pháp lý, sao cho hài hòa lợi ích của các bên, nhất là lợi ích của người tham gia giao thông.

Theo tôi, để được cho phép xả trạm, chủ đầu tư các tuyến BOT phải có kế hoạch để bù chi phí bị thâm hụt đó. Chủ đầu tư BOT miễn phí cho người dân đi lại là tốt nhưng không được ra các điều kiện với cơ quan quản lý như kéo dài thời gian thu để bù phí, tăng phí.

Ông Nguyễn Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Thuận:

Tạo điều kiện tốt nhất cho người dân

Pháp luật hiện hành đã có quy định nếu bị ùn tắc kéo dài thì buộc phải xả trạm. Về việc xả trạm trong ngày Tết của dự án BOT Bình Thuận, sở hoàn toàn đồng tình. Chúng tôi cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh có ý kiến đề nghị các chủ đầu tư trên địa bàn có phương án xả trạm thu phí sớm để tránh ùn tắc, cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho người dân đi lại thuận lợi trong dịp Tết nguyên đán.

Ông Đinh Tiến Quang, một tài xế ở TP Hà Nội:

Nên có quy định xả trạm dịp lễ, Tết

Tôi thường xuyên chạy xe trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, chứng kiến cảnh ùn tắc giao thông khi chờ mua vé qua trạm. Do vậy, việc tạm dừng thu phí ở trạm này trong thời điểm nghỉ Tết là việc làm đáng hoan nghênh, khuyến khích chủ đầu tư thực hiện. Nhà nước sớm nghiên cứu để có quy định cụ thể về việc xả trạm vào dịp lễ, Tết trong năm để trên cơ sở này, chủ đầu tư chủ động thực hiện chứ không phải xin xỏ. Khi đã có quy định cụ thể rồi thì quá trình ký kết hợp đồng BOT, phương án hoàn vốn sẽ tính toán đến các ngày miễn phí trong năm, tránh lúng túng cho cả DN và cơ quan quản lý.

sao khong cho xa tram bot Vì sao Tổng cục Đường bộ kiến nghị không xả trạm BOT 3 ngày Tết?

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ lý giải nguyên nhân không đồng tình với đề xuất của chủ đầu tư đường cao tốc Pháp ...

sao khong cho xa tram bot Không đồng ý xả trạm BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ 3 ngày Tết

Nhà đầu tư đề xuất miễn phí vé qua BOT Pháp Vân-Cầu GIẽ trong 3 ngày nghỉ Tết Nguyên đán nhưng Tổng cục Đường bộ ...

/ https://nld.com.vn