Trước ý kiến của nhiều khán giả về việc nên dán nhãn 18+ cho phim "Tiếng sét trong mưa" đang phát sóng vì quá nhiều cảnh người lớn, đạo diễn Nguyễn Phương Điền nói: "Con gái tôi mới 7 tuổi vẫn ngồi xem phim cùng cả nhà. Tại sao phải dán nhãn 18+?"
"Tiếng sét trong mưa" ngập cảnh người lớn. |
Ý kiến bảo vệ cho bộ phim của đạo diễn Nguyễn Phương Điền bị nhiều người, nhất là các bậc phụ huynh chỉ trích và không đồng tình.
Là phụ huynh, nhà thơ Nguyễn Phong Việt phản đối gay gắt việc cho trẻ xem phim có nội dung người lớn. "Tôi cho rằng tuyệt đối không cho, chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý của trẻ. Và tôi cho rằng có lẽ chúng ta lâu nay đã đánh giá không đúng về sự tác động của các sản phẩm giải trí với đối tượng trẻ em đặc biệt trong thời đại như hiện nay. Sự trưởng thành sớm về nhận thức lẫn độ tuổi dậy thì sớm của trẻ là một nguy cơ rất lớn nếu chúng ta cứ thoải mái cho trẻ tiếp nhận những sản phẩm giải trí không đúng lứa tuổi chắc chắc sẽ để lại rất nhiều hệ lụy về hành vi ứng xử sau này của trẻ".
Việc dán nhãn hay cảnh báo cho các bộ phim truyền hình phát sóng trên các kênh đại chúng đang được nhiều người đặt ra thời gian gần đây, nhất là những bộ phim đang phát sóng có không ít cảnh giường chiếu táo bạo như: Tiếng sét trong mưa, Bán chồng, Mộng phù hoa...
Tuy có những cảnh quay khiến người lớn xem cũng phải đỏ mặt như vậy nhưng các phim này đều không có bất cứ cảnh báo nào khiến nhiều khán giả lo ngại trẻ em có thể xem được.Trả lời truyền thông trước lo ngại phim Tiếng sét trong mưa có nhiều cảnh không phù hợp, nên dán nhãn cấm người xem dưới 18 tuổi, đạo diễn Nguyễn Phương Điền nói: "Tiếng sét trong mưa là phim truyền hình, làm cho mọi gia đình đều xem được. Con gái tôi mới 7 tuổi vẫn ngồi xem phim cùng cả nhà. Tại sao phải dán nhãn 18+? Quan điểm như thế rất bất công với đoàn phim".
Đạo diễn Nguyễn Phương Điền có lý do để bảo vệ phim của mình, nhưng không có nghĩa bất chấp dư luận, thậm chí bất chấp việc Tiếng sét trong mưa hoàn toàn không phù hợp với trẻ nhỏ xem khi có tần suất cảnh giường chiếu dày đặc thậm chí đến người lớn cũng phải dè chừng như thế. Ý kiến của đạo diễn Phương Điền được cho là "không thể chấp nhận", dưới góc độ một phụ huynh.
Cũng tương tự như đạo diễn Tiếng sét trong mưa, thời điểm phim Quỳnh búp bê phát sóng năm ngoái, diễn viên Thanh Hương (vai Lan cave) chia sẻ với báo chí rằng cô vẫn cho hai con gái xem phim mẹ đóng, bất chấp Quỳnh búp bê có những cảnh nhạy cảm. "Đối với những cảnh trong phim, tôi lại lấy đó để giáo dục con cái nên tránh xa các cám dỗ như thế nào. Và hơn hết, dạy cho con biết được cách bảo vệ bản thân mình khi gặp phải những tình huống tương tự", ý kiến của Thanh Hương khiến nhiều bậc phụ huynh bất ngờ và không đồng tình.
Trong "Quỳnh búp bê", Thanh Hương phải đóng cảnh bị cưỡng bức. |
Điều đáng nói là khác với Tiếng sét trong mưa, Quỳnh búp bê còn được phát cảnh báo chi tiết trước các tập phát sóng với nội dung: "Trong phim có một số nội dung, hình ảnh không phù hợp với khán giả dưới 18 tuổi, khuyến cáo nên có sự giám sát của phụ huynh khi xem".
Chia sẻ với VietNamNet, chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành nêu ý kiến lo ngại trước việc phim truyền hình phát sóng tràn lan các cảnh nhạy cảm mà không hề được phân loại: "Việc phân loại phim là cần thiết, dù là phim nghệ thuật hay phim truyền hình. Có một hiện tượng không hiếm ở Việt Nam là cả nhà cùng xem phim vào buổi tối. Rất nhiều phim có nội dung không phù hợp với trẻ nhỏ. Từ trẻ em mẫu giáo đến cấp 1, vẫn xem các bộ phim về các đề tài tranh chấp gia đình. Vô hình chung, nhiều ý tưởng sai lệch về mẹ chồng con dâu, quan hệ vợ chồng, ngoại tình, tệ nạn xã hội…được "bơm" vào đầu trẻ em một cách tự nhiên. Cũng không hiếm trường hợp người lớn dở khóc dở cười khi con trẻ nói những câu triết lý hay chì chiết già hơn tuổi.
Không chỉ phân loại phim, nên phân loại cả các game show hay chương trình truyền hình thực tế. Nên có hệ thống phân loại phim dành cho trẻ em dưới 13 tuổi, trẻ vị thành niên, trên 18 tuổi. Không chỉ đặt người xem vào tình huống khó xử mà còn tiềm tàng nguy cơ gây ra những sang chấn tâm lý hoặc đổ khuôn định kiến xã hội cho các em nhỏ".
Vấn đề khiến nhiều người lo lắng hiện nay là trong khi rất nhiều quốc gia có hệ thống cảnh báo phân loại khán giả với rất nhiều chương trình truyền hình thì hiện tất cả các kênh truyền hình lớn nhỏ của Việt Nam đều chưa quan tâm đến việc này. Các nội dung nhạy cảm thay vì có cảnh báo trước giờ phát sóng thường chọn cách chiếu vào khung giờ muộn để "né" trẻ em hoặc thậm chí phát sóng thẳng vào khung giờ cao điểm như
Tiếng sét trong mưa(20h các ngày trong tuần, trừ chủ nhật), hồn nhiên mặc định dành cho mọi đối tượng khán giả.
Trong khi các phim chiếu rạp qua cả một hội đồng duyệt và dán nhãn hạn chế khán giả ở 3 cấp độ (cấm khán giả dưới 13, 16, 18 tuổi) thì phim truyền hình lại đang được thả lỏng một cách đáng lo ngại. Các nhà sản xuất thì chạy theo doanh thu quảng cáo và rating phim, ngày càng lạm dụng các cảnh nóng để câu khách, trong khi lại thiếu hệ thống cảnh báo của nhà đài.
Phim rạp thì siết, phim truyền hình lại thả nổi hệ thống cảnh báo phân loại. |
Tại rất nhiều hệ thống rạp, người bán vé luôn thông báo phim cấm khán giả dưới 16 hoặc 18 tuổi. Với các phim hạn chế khán giả dưới 13 hoặc 16 tuổi, người soát vé tại nhiều rạp thường xuyên yêu cầu người lớn đi cùng xuất trình giấy khai sinh hoặc chứng minh thư trước khi cho trẻ vào rạp để ngăn khán giả xem phim không đúng độ tuổi.
Trong khi đó, các kênh truyền hình lại phủ sóng rộng, có thể tiếp cận tới hàng triệu khán giả cùng lúc lại đang phát sóng vô tư các nội dung không phù hợp với trẻ em nhưng lại không có bất cứ cảnh báo nào. Do vậy trong các trường hợp này vai trò giám sát bị đẩy về phía các bậc phụ huynh.
Mỹ Anh