Nhà thầu chính Hàn Quốc tự ý “sang tên đổi chủ” gói thầu A5 (thuộc dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi) với giá trị hợp đồng hơn 1.300 tỷ đồng cho 17 nhà thầu phụ là vi phạm chuyển nhượng thầu.
Đó là khẳng định của chuyên gia pháp lý Mai Quốc Việt (Công ty Luật FDVN Đà Nẵng) khi đề cập đến việc gói thầu hơn 1.300 tỷ đồng thuộc dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi được “sang tên đổi chủ”.
Trước đó, thực hiện Quyết định số 1434/QĐ-BGTVT năm 2016 của Bộ Giao thông Vận tải, ngày 12/4/2017, Đoàn thanh tra Bộ Giao thông Vận tải đã lập biên bản thanh tra Công ty Posco Engineering & Construction Co.,Ltd.
Công ty Posco Engineering & Construction Co.,Ltd (Hàn Quốc) đã ký hợp đồng với 17 nhà thầu phụ ở Việt Nam và chuyển giao toàn bộ công việc thi công thuộc gói thầu A5.
Biên bản thanh tra của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, từ ngày 8/4/2015 đến ngày 29/2/2016, Công ty Posco Engineering & Construction Co.,Ltd (Hàn Quốc) đã ký hợp đồng với 17 nhà thầu phụ ở Việt Nam và chuyển giao toàn bộ công việc thi công thuộc gói thầu A5, trong đó có những hợp đồng có giá trị trên 50 tỷ đồng.
Nhận định về điều này, chuyên gia pháp lý Mai Quốc Việt cho biết, tại Khoản 35, Điều 4 và Khoản 36 Luật Đấu thầu 2013; Khoản 3 Điều 4 Nghị định 37/2015 hướng dẫn Hợp đồng xây dựng; Khoản 2 Điều 128 Nghị định 63/2014 thì nhà thầu chính là nhà thầu chịu trách nhiệm tham dự thầu, đứng tên dự thầu và trực tiếp ký, thực hiện hợp đồng nếu được lựa chọn.
Nhà thầu chính có thể là nhà thầu độc lập hoặc thành viên của nhà thầu liên danh. Nhà thầu phụ là nhà thầu tham gia thực hiện gói thầu theo hợp đồng được ký với nhà thầu chính.
Ông Mai Quốc Việt khẳng định, trường hợp nhà thầu chính chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu có giá trị từ 10% trở lên hoặc dưới 10% nhưng trên 50 tỷ đồng sẽ được coi là vi phạm chuyển nhượng thầu.
Như vậy, theo các quy định nêu trên thì pháp luật cho phép nhà thầu chính được ký kết hợp đồng với các nhà thầu phụ để thi công, thực hiện một phần công việc trong gói thầu. Việc lựa chọn nhà thầu phụ cũng phải được chủ đầu tư chấp thuận. Các hợp đồng thầu phụ phải thống nhất, đồng bộ với hợp đồng thầu chính đã ký với chủ đầu tư.
Tuy nhiên, ông Mai Quốc Việt khẳng định, trường hợp nhà thầu chính chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu có giá trị từ 10% trở lên hoặc dưới 10% nhưng trên 50 tỷ đồng sẽ được coi là vi phạm chuyển nhượng thầu.
Lý giải về điều này, chuyên gia pháp lý Mai Quốc Việt nói thêm: “Chuyển nhượng thầu bao gồm các hành vi: Nhà thầu chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu có giá trị từ 10% trở lên hoặc dưới 10% nhưng trên 50 tỷ đồng (sau khi trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ) tính trên giá hợp đồng đã ký kết.
Chủ đầu tư, tư vấn giám sát chấp thuận để nhà thầu chuyển nhượng công việc thuộc trách nhiệm thực hiện của nhà thầu, trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ đã kê khai trong hợp đồng”.
Liên quan đến việc chuyển nhượng thầu, mới đây, TS. Nguyễn Thế Vinh (Trưởng khoa Đấu thầu, Học viện Chính sách và Phát triển) cho biết, hiện nay các quy định của Việt Nam chưa cho phép bất cứ một nhà thầu chính nào được bán 100% gói thầu cho các nhà thầu phụ. Nếu để xảy hiện tượng này, cần đánh giá trách nhiệm thuộc giám sát của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát.
Nhà thầu chính Hàn Quốc đã tự ý “sang tên đổi chủ” gói thầu A5.
Trước đó, như VTC News đưa tin, trong biên bản báo cáo kết quả thanh tra Công ty Posco Engineering & Construction Co.,Ltd. của Bộ Giao thông Vận tải, từ ngày 8/4/2015 đến ngày 29/2/2016, Công ty Posco Engineering & Construction Co.,Ltd đã ký hợp đồng với 17 nhà thầu phụ ở Việt Nam và chuyển giao toàn bộ công việc thi công thuộc gói thầu A5.
Đặc biệt, chất lượng công trình được Đoàn thanh tra của Bộ Giao thông Vận tải đánh giá: "Nhật ký thi công ghi chưa đầy đủ (thiếu nhiệt độ, thời gian…); thiếu một số thí nghiệm tần suất cát, đá dùng cho bê tông xi-măng; ông Lê Văn Duy (trợ lý kỹ sư thường trú) được TVGS-CDM Smith ủy quyền làm các công việc của kỹ sư thường trú từ ngày 17/9/2016 đến thời điểm hiện tại chưa được chấp thuận của chủ đầu tư và nhà tài trợ.
Công tác thi công cọc khoan nhồi về sơ đồ khoan cọc thay đổi so với biện pháp thi công được duyệt, dầm thép dự ứng lực không đáp ứng đủ yêu cầu, thiếu thí nghiệm modul cắt cao su cho gối cầu.
Việc thi công đắp nền đoạn Km124+700 – Km128+610, tư vấn giám sát cho phép thay đổi biện pháp đắp nền K95 từ đắp đất sang đắp cát nền đường kết hợp sử dụng đắp bao, thay đổi vật liệu từ đắp đất sang đắp cát nhưng chưa có ý kiến của chủ đầu tư".
Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được đưa vào khai thác toàn tuyến vào ngày 2/9 vừa qua. Dự án có tổng mức đầu tư 34.516 tỷ đồng do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.
Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc loại A, quy mô giai đoạn 1 là 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120km/h (đoạn đặc biệt khó khăn 100km/h), chiều rộng nền đường 24,25m, chiều rộng mặt đường 22,25m.
Tuy nhiên, chỉ hơn một tháng vận hành toàn tuyến, cao tốc đầu tiên ở miền Trung đã xuất hiện loang lổ ổ gà.
Ngày 14/10, ông Nguyễn Tiến Thành (Giám đốc BQL dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi) đã ký báo cáo về việc sửa chữa hư hỏng mặt đường (ổ gà, bong bật...) từ Km0+00 đến Km65+00 (thuộc các gói thầu đoạn tuyến vốn JICA).
BQL dự án cam kết, 11h ngày 17/10 sẽ hoàn thành công tác khắc phục ổ gà trên mặt đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Bán thầu cho công ty kém năng lực
Gói thầu xây lắp A5 trên đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có giá trị 1.400 tỉ đồng đã được Công ty Posco ... |
‘Trảm’ nhà thầu vừa vá mặt đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã tái hỏng
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) “trảm” ngay nhà ... |
Ổ gà chi chít trên đường cao tốc hơn 35.000 tỷ đồng được khắc phục
Cục Quản lý đường bộ 3 cho biết vị trí ổ gà sâu, mặt đường bị lún trên đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng ... |