Sáng nay 8/3, Việt Nam bắt đầu tiêm vaccine COVID-19

Từ ngày 8/3, Bộ Y tế triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử với hơn 100 triệu liều vaccine COVID-19 cho người dân.

Trong đợt tiêm đầu tiên vào ngày 8/3, do số lượng vaccine còn hạn chế nên Bộ Y tế không thể phân bố đủ số lượng cho cả nước mà chỉ ưu tiên cho 13 tỉnh/thành phố có dịch. Trong đó, ưu tiên cho Hải Dương tiêm trước.

Bộ Y tế phân phối cho Hải Dương là 33.000 liều vaccine. Việc tiêm chủng sẽ diễn ra tại Trung tâm Y tế huyện Kim Thành và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh.

Bên cạnh Hải Dương, những mũi vaccine phòng COVID-19 đầu tiên cũng sẽ được tiêm tại Hà Nội và TP.HCM. Trong đó, ở Hà Nội, Bộ Y tế cấp trực tiếp 450 liều vaccine Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và 8.000 liều đưa về Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố.

Trong đợt 1, chiến dịch tiêm chủng được triển khai ở 21 bệnh viện đang thực hiện nhiệm vụ chống dịch trên cả nước như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Dã chiến tại Hải Dương, Quảng Ninh, Củ Chi, Gia Lai…

Người được tiêm gồm nhân viên y tế điều trị bệnh nhân COVID-19, cán bộ lấy mẫu xét nghiệm, nhân viên tại các cơ sở cách ly tập trung, thành viên tổ truy vết, nhân viên tham gia điều tra dịch tễ và cán bộ trực tiếp tiêm chủng vaccine COVID-19... theo Nghị quyết 21.

Sáng nay 8/3, Việt Nam bắt đầu tiêm vaccine COVID-19  - 1
(Ảnh minh hoạ)

Lần này, Bộ Y tế huy động tổng lực toàn ngành tham gia tiêm chủng do đây là chiến lược tiêm chủng lớn nhất với trên 100 triệu mũi tiêm. Bộ Quốc phòng sẽ tiêm cho lực lượng quốc phòng, Bộ Công an tiêm cho toàn bộ cán bộ công an, Bộ Y tế sẽ đảm nhiệm tiêm cho toàn dân.

Quá trình tiêm chủng, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, mỗi người sẽ được tiêm đủ 2 liều vaccine COVID-19, mỗi mũi cách nhau 28 ngày, nên tiêm cùng loại vaccine. Sau mũi đầu tiên, nếu không có phản ứng quá nghiêm trọng mỗi người sẽ được tiêm liều tiếp theo. Trong trường hợp gặp phản ứng trầm trọng, lực lượng chức năng sẽ tính toán tới phương án hoãn tiêm.

Ngoài ra, những đối tượng thuộc nhóm tiêm vaccine sẽ được khám sàng lọc về sức khoẻ nếu có triệu chứng ho, sốt, khó thở sẽ không tiêm. Người tiêm cũng phải có trách nhiệm thông báo với cán bộ y tế nếu bản thân có mắc các bệnh lý nền kèm theo hoặc có tiền sử dị ứng, sốc phản vệ. Người đang mắc COVID-19 sẽ phải điều trị khỏi bệnh và tiêm sau đó 6 tháng vì đã có miễn dịch nhất định.

PHẠM QUÝ

Ngày mai, 80 người sẽ tiêm vaccine COVID-19 mũi đầu tiên tại Hải Dương Ngày mai, 80 người sẽ tiêm vaccine COVID-19 mũi đầu tiên tại Hải Dương
Việt Nam có thêm 3 ca COVID-19 mới Việt Nam có thêm 3 ca COVID-19 mới
Những điều cần biết về mũi tiêm vaccine COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam Những điều cần biết về mũi tiêm vaccine COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam

/ vtc.vn