WHO ra sáng kiến COVAX nhằm phân phối vaccine Covid-19 công bằng trên toàn cầu, nhưng vấp phải nhiều trở ngại về nguồn cung và hậu cần.
Trên thực tế, không phải nước nào cũng đủ khả năng tự mua vaccine Covid-19. Trong những đại dịch trước đây, bao gồm dịch cúm lợn năm 2009, các nước giàu đã tích trữ vaccine cho đến khi dịch kết thúc. Đối với cuộc khủng hoảng HIV, vài năm sau khi những phương pháp điều trị hiệu quả xuất hiện tại phương Tây, chúng mới được áp dụng tại châu Phi.
Do đó, sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu năm ngoái, các tổ chức quốc tế đã tập hợp lại nhằm giúp đảm bảo những nhóm người dễ bị tổn thương nhất sẽ được tiêm chủng bằng một chương trình "công bằng vaccine". Sáng kiến COVAX ra đời dưới sự dẫn dắt của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Vaccine và Tiêm chủng Toàn cầu GAVI, cùng Liên minh Đổi mới Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI).
Mục tiêu của COVAX là đạt những thỏa thuận mua vaccine Covid-19 số lượng lớn từ các công ty dược phẩm, đồng thời nhận vaccine quyên góp của các nước giàu. Những quốc gia nghèo hơn có thể nhận vaccine miễn phí từ chương trình, trong khi nước giàu cũng có thể mua từ đây để đa dạng hóa nguồn cung.
Ngoài vấn đề nhân đạo, giới khoa học cho biết việc phân phối vaccine rộng rãi còn cần thiết bởi nCoV lây lan tự do trong bất cứ cộng đồng nào cũng là mối đe dọa với toàn cầu. Điều này có thể dẫn đến hình thành những biến chủng virus mới nguy hiểm, sau đó lây lan và truyền cho cả những người vốn từng nhiễm hoặc đã được tiêm chủng.
Lô vaccine Covid-19 đầu tiên do COVAX phân phối đến sân bay Kotoka ở thủ đô Accra, Ghana, hôm 24/2. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, đến tận ngày 24/2, vaccine Covid-19 của COVAX mới đến được quốc gia đầu tiên là Ghana, trong khi mục tiêu ban đầu của chương trình là đưa vaccine đến các nước nghèo gần với thời điểm các nước giàu triển khai tiêm chủng.
Bên cạnh đó, COVAX chỉ có kế hoạch cung cấp đủ vaccine để tiêm cho khoảng 20-30% người dân tại những nước nghèo, con số được cho là vẫn khiến Covid-19 dễ dàng tái bùng phát tại các quốc gia này. Theo ước tính của giới chuyên gia, cần ít nhất 70% dân số miễn dịch để ngăn chặn các đợt bùng phát trong tương lai.
Kate Elder, thành viên tổ chức phi chính phủ Bác sĩ Không Biên giới, đánh giá lô vaccine mà COVAX cung cấp cho Ghana là "khởi đầu vô cùng nhỏ bé và muộn màng" đối với chương trình tiêm chủng toàn cầu. Tổ chức này đề xuất hoãn vận chuyển vaccine đến các nước phát triển, "trong lúc thế giới nỗ lực chạy đua bảo vệ những người có nguy cơ cao nhất sinh sống ở các nước đang phát triển".
Một trong những lý do khiến quá trình phân phối vaccine của COVAX bị đình trệ là không đủ nguồn cung. Số lượng vaccine Covid-19 trên thế giới hiện nay vô cùng hạn chế. Trong khi các công ty đang cố gắng sản xuất nhiều hơn, giới chuyên gia dự đoán họ sẽ không thể cho ra đủ liều cho người dân toàn cầu cho đến năm 2023 hoặc 2024.
COVAX vẫn hy vọng cung cấp được khoảng 2 tỷ liều vaccine cho hơn 90 quốc gia vào cuối năm nay. Tuy nhiên, các nước có thu nhập cao và trung bình đã đặt trước hơn 5 tỷ liều, còn COVAX mới ký thỏa thuận mua hơn 1 tỷ liều và không phải tất cả đều mang tính ràng buộc về mặt pháp lý.
Dù COVAX nhận được hàng tỷ USD tài trợ, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chỉ ra rằng tiền gần như vô nghĩa nếu không có vaccine để mua. Ông kêu gọi các nước giàu không tìm cách tiếp tục ký hợp đồng để "tích trữ" thêm vaccine, bởi điều này có thể đe dọa những thỏa thuận mà COVAX đã đạt được với các nhà sản xuất.
Ngoài ra, COVAX cũng không thể bắt đầu phân phối vaccine nếu loại đó chưa được WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp. Tới nay mới chỉ có hai loại được "bật đèn xanh" là vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech và AstraZeneca. Những thỏa thuận COVAX đạt được phần lớn là vaccine của AstraZeneca, trong khi loại này chỉ mới được cấp phép hồi tuần trước.
Khác với những đại dịch trước đây, khi các nước nghèo chờ đợi vaccine từ cơ quan viện trợ quốc tế, tình trạng chậm trễ hiện nay đã thúc đẩy nhiều quốc gia đang phát triển tìm cách ký hợp đồng riêng với nhà sản xuất vaccine, thay vì chỉ trông cậy vào COVAX.
Một yếu tố khác được cho là ảnh hưởng đến chương trình COVAX là chiến dịch tiêm chủng của các nước phát triển. Mặc dù G7 từng cam kết đảm bảo quyền tiếp cận vaccine Covid-19 công bằng và góp 7,5 tỷ USD cho COVAX, những nước như Anh, Đức và Pháp chưa công bố chi tiết về thời điểm họ sẵn sàng quyên góp các liều vaccine thừa.
Một số quốc gia giàu có thậm chí bị chỉ trích vì mua số lượng vaccine quá lớn, điển hình là Anh, nước đã đặt được số vaccine nhiều gấp 5 lần số lượng đủ để tiêm chủng cho toàn dân. Họ biện hộ bằng cách lưu ý rằng phải đạt được thỏa thuận trước khi biết loại vaccine nào sẽ hiệu quả, đồng thời cam kết quyên góp những vaccine thừa.
Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá những nước này sẽ không thể quyên góp bất cứ liều vaccine nào, cho tới khi biết vaccine giúp miễn dịch trong bao lâu và chống lại được những biến chủng virus nào.
Những nước giàu khác, bao gồm Canada, New Zealand và Singapore, cũng đăng ký nhận vaccine thông qua COVAX dù có nguồn cung riêng. WHO cho hay yêu cầu của những nước giàu này sẽ được thực hiện, vì đó là một phần trong mục tiêu mà COVAX đề ra ban đầu.
Ánh Ngọc (Theo AP)
Hơn 110 triệu ca nCoV toàn cầu, WHO sẽ đưa ra tuyên bố về công bằng vaccine
Toàn cầu ghi nhận gần 110,8 triệu ca nhiễm nCoV, WHO dự kiến đưa ra tuyên bố mới về vấn đề công bằng vaccine vào ... |