Sân khấu cần mang ''hơi thở thời đại'': Không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là đòi hỏi sống còn

Trong khi những vụ án lớn, những vấn đề thời sự nóng bỏng đang trở thành nguồn đề tài có sức hút mạnh mẽ của phim truyền hình thì sân khấu vẫn “lặng lẽ” theo lối quen. Xa rời những câu chuyện thời sự, những đề tài hiện đại, sân khấu dường như đang thiếu đi "hơi thở thời đại", vì vậy, cũng mất đi sức hút với công chúng hôm nay.

Để có sức hút với công chúng hôm nay, sân khấu cần mang "hơi thở thời đại" với những câu chuyện thời sự, đề tài hiện đại.

Sân khấu ưa “lấy xưa nói nay”

Trong tham luận tại hội thảo “Sân khấu với đề tài hiện đại” do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức gần đây, tác giả Trần Thị Minh Thu đưa ra số liệu: Chỉ thống kê từ năm 2013 trở lại đây, có thể thấy, tại Cuộc thi sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013, có 5/24 vở đề tài hiện đại; cuộc thi năm 2016 có 5/17 vở đề tài hiện đại. Tại Cuộc thi sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013, có 3/18 vở đề tài hiện đại; năm 2016, có 5/24 vở đề tài hiện đại. Tại Cuộc thi sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015, có 20/33 vở đề tài hiện đại, trong đó đa số lại là các vở diễn đi vào đề tài chiến tranh cách mạng và hậu chiến.

Riêng năm 2012, do Ban tổ chức đề ra tiêu chí chung là các vở diễn dự thi phải là “đề tài tâm lý xã hội, đương đại, được sáng tác từ năm 1930 trở lại đây” và “khuyến khích những kịch bản mới, những sáng tác mới” nên Cuộc thi sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc mới có 27 vở diễn đều đi vào đề tài đương đại. Năm 2017, hơn 80 vở diễn thuộc các thể loại được dàn dựng trên sân khấu các đoàn, nhà hát công lập và tư nhân, trong đó có 27 vở diễn kịch hát (tuồng, chèo, cải lương, kịch dân ca) được dàn dựng mới hoặc phục hồi, nhưng chỉ có 3/27 vở diễn kịch hát (đều là cải lương) thuộc đề tài hiện đại (tức là chỉ chiếm 11,1% tổng số vở được dàn dựng). Năm 2018, tại Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc, chỉ có 9/32 vở đề tài hiện đại phản ánh cuộc sống hôm nay (còn lại 9 vở đề tài chiến tranh cách mạng và hậu chiến, 14 vở đề tài lịch sử, dã sử, dân gian).

Từ số liệu thống kê trên, có thể nhận thấy rằng, trong thời gian gần đây, sân khấu kịch hát nói chung ngày càng thưa vắng các vở diễn đề tài hiện đại, đồng nghĩa với việc sân khấu kịch hát đang lảng tránh hiện thực đương đại, xa rời những vấn đề bức xúc của cuộc sống đang diễn ra.

Xa rời hiện thực đương đại không chỉ là vấn đề của sân khấu kịch hát dân tộc, mà còn là vấn đề chung của sân khấu và nhiều loại hình văn học nghệ thuật hiện nay. Nghệ sĩ Nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội chỉ ra nghịch lý: “Những năm trước, các phương tiện giải trí, nghe nhìn của chúng ta rất hạn chế, nghèo nàn; trong bối cảnh ấy, đương nhiên sân khấu có một vị trí quan trọng, vừa là một hình thức nghệ thuật, vừa là một loại hình giáo dục giải trí, vừa là một phương tiện tuyên truyền chuyển tải những vấn đề thuộc về xã hội, con người xưa và nay... Sau hơn ba chục năm đổi mới, nỗ lực cải cách, mở cửa, với những thành tựu về kinh tế - xã hội, đặc biệt là về công nghệ thông tin, chúng ta đang cố gắng bắt kịp phần nào với thế giới. Trong bối cảnh đó, điều không bình thường là văn học nghệ thuật cho cảm giác dần tụt hậu cho dù có sự định hướng, nhận được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước nhiều hơn, lớn hơn. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, cần được nghiên cứu một cách công phu, đi thẳng vào vấn đề”.

Đề tài hiện đại: Nhiều về số lượng, nghèo về nội dung

Là đơn vị nghệ thuật của Thủ đô dàn dựng nhiều vở diễn về đề tài hiện đại nhất song Nghệ sĩ Nhân dân Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho rằng: “Trong những năm gần đây, lựa chọn kịch bản dường như đã trở thành việc khó, một trở ngại lớn đối với nhiều đơn vị nghệ thuật. Hằng năm, Nhà hát Kịch Hà Nội nhận được không ít kịch bản, nhưng rất khó để lựa chọn được một kịch bản phù hợp để đưa vào dàn dựng”. Trong đó, ở mảng chủ đề hiện đại, theo nghệ sĩ Trung Hiếu, Nhà hát Kịch Hà Nội luôn mong muốn phản ánh trực diện những vấn đề nóng bỏng nhất của xã hội hiện đại; theo đuổi những đề tài đi sâu khai thác tâm lý, nỗi trăn trở, khát khao, những ước mơ hoài bão cũng như những toan tính, nỗi khổ đau của con người trong guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại. Việc tiếp cận và thể hiện những chủ đề ấy cần tính chân thực nhưng không trần trụi, hiện thực cần được chắp thêm đôi cánh của sự lãng mạn, của niềm lạc quan và khát vọng.

Đã có rất nhiều tác phẩm của các nhà văn, nhà viết kịch trẻ gửi đến Nhà hát Kịch Hà Nội, họ có cách tiếp cận rất trực diện, cái nhìn trẻ trung, mới mẻ, hiện đại, cách đặt vấn đề rất thú vị. Tuy vậy, những kịch bản ấy vẫn có nhiều điểm cần khắc phục như: Tính cách nhân vật được xây dựng chưa nhất quán, tình huống kịch còn sơ lược, nội dung kịch chưa đủ chiều sâu, thông điệp chưa rõ ràng...

Đồng tình với quan điểm nói trên, tác giả, đạo diễn Hoàng Thanh Du nhận định: “Đề tài hiện đại cho sân khấu chưa bao giờ thiếu. Điều này đã được minh chứng bằng thực tế dàn dựng và biểu diễn của nhiều nhà hát ở Hà Nội cùng các đoàn nghệ thuật kịch của các tỉnh trong những năm qua. Nhiều vở diễn tạo được tiếng vang, thu được thành công nhất định... Tuy nhiên, nhìn nhận một cách trung thực, thẳng thắn thì sân khấu Việt Nam đang rất thiếu những kịch bản sân khấu có chất lượng cả về tư tưởng, nội dung. Đó là chưa đề cập đến sự cách tân trong tiếp cận vấn đề, cách viết...”.

Những vở kịch của Lưu Quang Vũ đề cập đến những vấn đề nóng bỏng của thời đại vẫn sống mãi với thời gian.