Sai lầm Trump có thể phạm phải khi tung đòn áp thuế mới với Trung Quốc

Trump kỳ vọng việc tăng áp thuế với hàng hóa Trung Quốc sẽ đưa việc làm quay trở lại nước Mỹ, nhưng mọi việc có thể trái với mong muốn của ông.

sai lam trump co the pham phai khi tung don ap thue moi voi trung quoc

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản hồi tháng 6. Ảnh: Reuters.

Khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào năm ngoái, việc làm này được miêu tả như là "viên đạn bạc" giúp đưa việc làm trở lại nước Mỹ. Hôm 1/8, Trump thông báo Mỹ sẽ tiếp tục áp thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa và sản phẩm nhập khẩu Trung Quốc từ ngày 1/9, bất chấp các cuộc đàm phán đang diễn ra.

Theo Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả hai nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, song Trung Quốc là bên chịu thiệt hại nhiều hơn. Giả sử Mỹ đánh thuế với tất cả hàng hóa Trung Quốc đúng như lời Tổng thống Trump đe dọa, ảnh hưởng đối với niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp kết hợp với phản ứng tiêu cực từ thị trường tài chính sẽ khiến GDP của Mỹ giảm hơn 0,9%, trong khi mức giảm của Trung Quốc là 1,6%.

Nhưng giới chuyên gia nhận định nếu Trump hướng tới mục tiêu đưa việc làm trở về nước Mỹ bằng các đòn áp thuế với Trung Quốc, đó có thể là một tính toán sai lầm bởi nó không thể giúp ông đạt được mục đíchđề ra.

Việc Mỹ đánh thuế hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc đồng nghĩa chi phí sẽ gia tăng. Trước áp lực đó, các nhà sản xuất Mỹ ở Trung Quốc sẽ tìm cách rời Trung Quốc tới những nơi mới, chẳng hạn như Ấn Độ, Bangladesh hay Mexico, thay vì quay về nước Mỹ.

"Đòn thuế của Trump có thể truyền thông điệp rằng ông hy vọng các công ty Mỹ cân nhắc việc quay về, nhưng rất ít tập đoàn sẽ làm theo", Daniel Ikenson, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Thương mại thuộc Viện Cato, trụ sở ở Washington DC, nhận xét. "Chi phí sản xuất ở Mỹ giờ đây quá đắt đỏ".

Trump từng tuyên bố Mỹ "đang chiến thắng" cuộc chiến tranh thương mại sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 6 mà ở đó hai lãnh đạo thống nhất "đình chiến thương mại".

Nhưng cho tới tận khi các quan chức Mỹ và Trung Quốc tuần qua bắt đầu tiến hành vòng đàm phán thương mại mới tại Thượng Hải sau thời gian dài trì hoãn, ngành sản xuất Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Trong khi hàng rào thuế quan giúp đẩy các công ty Mỹ khỏi Trung Quốc để tới những khu vực khác ở châu Á, nó không phát huy hiệu quả trong việc tạo ra thêm việc làm tại Mỹ, giới phân tích đánh giá.

"Không có dấu hiệu nào cho thấy các nhà sản xuất Mỹ đang trở về vì chính sách thương mại của Trump. Thực tế, các nhà sản xuất đang gặp khó khăn vì chính sách", Johan Gott, chuyên gia từ công ty tư vấn và quản lý quốc tế A.T. Kearny, Mỹ, bình luận. "Người ta sẽ cảm thấy hợp lý hơn khi sản xuất hàng hóa tại những nền kinh tế có nhân công giá rẻ và dồi dào".

"Một số công ty sản xuất đã quay về nhưng không phải vì hàng rào thuế quan", Ikenson nói. "Với những ngành như dược phẩm hay hóa chất vốn phụ thuộc nhiều vào khí đốt tự nhiên, khi chuyển về nước, họ có lợi thế là giá khí đốt rẻ hơn".

Steve Lamar, phó chủ tịch Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ (AAFA), nhấn mạnh: "Những gì Trump làm không giúp mang việc làm trong ngành sản xuất trở về nước Mỹ. Bằng cách tăng thuế lên hàng dệt may nhập khẩu, ông ấy đang khiến chi phí sản xuất ở Mỹ trở nên đắt đỏ hơn. Chúng ta có thể thấy Đông Nam Á và vài khu vực ở châu Âu được hưởng lợi từ những động thái này. Nhưng không may, Mỹ không nằm trong số đó".

Dù vậy, Trump vẫn tuyên bố thắng lợi trước thềm cuộc bầu tổng thống năm 2020. Trong một cuộc gặp với các công nhân nhà máy ở Ohio hồi tháng ba, Trump tuyên bố chính quyền của ông đang "khôi phục ngành sản xuất Mỹ".

Nhưng các doanh nghiệp đang ngày càng lo âu trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung không ngừng gia tăng. Khoảng 41% công ty Mỹ đã chuyển hoặc đang cân nhắc chuyển cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc, theo một khảo sát mới đây của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc.

Dù lời đe dọa đánh thuế với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc được trì hoãn tới tháng 9, tâm lý lo lắng là không thể tránh khỏi, trong khi những hàng rào thuế quan cũ mà Mỹ áp đặt lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đã bắt đầu gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Thép là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

"Mang việc làm trở lại nước Mỹ là điều tốt", Robert James, chủ tịch United Steelworkers Local 1999, liên đoàn lao động đại diện cho khoảng 2.000 công nhân ngành thép ở Indiana, nói. "Công nhân của chúng tôi đang chịu ảnh hưởng rất lớn đằng sau các chính sách thương mại".

"Thuế không mang việc làm trở lại cho ngành thép", ông nhấn mạnh. "Chưa hết, những người đang làm việc chỉ nhận được mức thù lao bằng nửa so với trước đây. Phúc lợi cho cha mẹ cũng như con cái cũng bị ảnh hưởng. Các gia đình đang tổn thương".

Lamar cho biết ngành công nghiệp may mặc và giày dép mà AAFA đại diện, sử dụng khoảng 4 triệu lao động Mỹ, đã phát triển qua nhiều năm để tập trung vào những công việc "chất xám cao".

"Để những công việc như may mặc được thực hiện tại các quốc gia như Trung Quốc cho phép chúng tôi tập trung vào những công việc giá trị cao như thiết kế, quy trình kỹ thuật, kiểm soát chất lượng hay vận chuyển", Lamar nói.

"Các nhà sản xuất hàng may mặc tại Mỹ ngày hay gần như không làm ra thứ gì cả. Họ chỉ là người sở hữu các nhãn hàng và nhà thiết kế. Đó là những kỹ năng cần thiết để tồn tại trong ngành bán lẻ ở Mỹ", Richard Kestenbaum từ Triangle Capital, công ty đầu tư có trụ sở ở New York, nhận xét.

Một tháng sau khi đắc cử Tổng thống hồi năm 2016, Trump tới thăm nhà máy sản xuất máy sưởi và điều hòa của hãng Carrier ở Indiana để thúc đẩy thỏa thuận giữa ông với công ty mẹ của Carrier, United Technologies, nhằm giúp nhà máy tiếp tục hoạt động, ngăn 700 việc làm bị chuyển sang Mexico.

Carrier sau đó trì hoãn việc sa thải công nhân nhưng trong những tháng sau đó, công ty có kế hoạch cho thôi việc hơn 500 người. Việc làm của Trump rõ ràng không thể thay đổi quyết định kinh doanh dài hạn của công ty là chuyển việc làm khỏi nước Mỹ.

"Một số công ty có thể vẫn cố gắng duy trì sản xuất ở Mỹ vì họ nhận ra rằng trong môi trường đậm đặc chính trị, nếu Tổng thống là người không khoan dung, họ không muốn đứng về nhầm phía", Ikenson bình luận. Tuy nhiên, doanh nghiệp thực tế có nhiều thứ phải lo hơn là chính trị.

sai lam trump co the pham phai khi tung don ap thue moi voi trung quoc Trump nói không cần báo trước cho Trung Quốc về đòn áp thuế mới

Trump ngày 1/8 bác khuyến nghị của các cố vấn trong cuộc họp ở Nhà Trắng về việc thông báo trước cho Bắc Kinh về ...

sai lam trump co the pham phai khi tung don ap thue moi voi trung quoc Trung Quốc nói đòn áp thuế mới của Mỹ 'không đúng đắn'

Ngoại trưởng Vương Nghị hôm nay nói tại Bangkok rằng việc Mỹ áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc "không mang ...

sai lam trump co the pham phai khi tung don ap thue moi voi trung quoc Chứng khoán châu Á lao dốc vì Trump đánh thuế Trung Quốc

Nối gót Mỹ, các thị trường chứng khoán lớn châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc sáng nay giảm 1 - 2%.

Vũ Hoàng (Theo SCMP)

/ https://vnexpress.net