Sài Gòn có thể ngập nặng vì triều cường 1,76 m

Trong hai ngày 15 và 16/11 dự báo triều cường đạt 1,74 - 1,76 m, cao nhất từ đầu năm gây ngập lụt cho vùng trũng thấp, ven sông rạch ở TP HCM.

Ngày 13/11, Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ dự báo, triều cao nhất tại trạm Nhà Bè ngày 16/11 đạt 1,76 m, lúc 17h và 1,74 m lúc 5h. Trong năm ngày từ 13 đến 17/11 triều cường duy trì vượt mức báo động 3, trên 1,6 m.

Mực nước dâng cao có thể gây ngập các tuyến đường trũng thấp như: Trần Xuân Soạn (quận 7), Lê Văn Lương, Huỳnh Tấn Phát (huyện Nhà Bè), Nguyễn Văn Hưởng, Quốc Hương (quận 2), quốc lộ 50, Phạm Hùng (huyện Bình Chánh), Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Tất Thành (quận 4)...

Ông Lê Đình Quyết, Phó phòng dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ nhận định, TP HCM không bị ảnh hưởng gây mưa từ bão Vamco. Mưa chỉ xảy ra một vài nơi, lượng nhỏ, thời tiết mát mẻ. Những nơi có khả năng ngập do triều cường, người dân cần kê cao đồ đạc, máy móc và kiểm tra ổ cắm điện trong nhà, không để bị ngập nước gây rò rỉ, dẫn đến điện giật.

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP HCM đã thông báo khẩn yêu cầu các quận huyện, sở ngành kiểm tra bờ bao, cống, van ngăn triều. Cơ quan chức năng chuẩn bị cừ tràm, bao cát, lưới sắt, vải bạt... sẵn sàng đắp bờ bao ở những nơi xung yếu, không để tình trạng vỡ, tràn bờ bao gây ngập, ảnh hưởng người dân. Cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn chuẩn bị máy bơm nước di động, kịp thời ứng phó với các nơi ngập úng.

5902 14
Triều cường gây ngập đường Trần Xuận Soạn (quận 7, TP HCM) hôm 18/10. Ảnh: Quỳnh Trần.

Đợt triều cường hôm 18/10 đạt đỉnh 1,7 m đã khiến nhiều tuyến đường ngập nặng, nước tràn vào nhà dân trong nhiều giờ vào buổi sáng và chiều tối.

Hơn 10 năm qua, triều cường tại TP HCM năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2009, mức triều 1,57 m vào tháng 11, cao nhất trong 50 năm. Năm 2013, triều cường lập kỷ lục mới với mức 1,68 m, năm 2014 là 1,7 m, năm 2017 mức 1,72 m. Đợt triều cường cuối tháng 9 năm ngoái đạt đỉnh 1,8 m.

Chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan nhận định, nguyên nhân dẫn đến việc trên có cả thiên nhiên và con người. Biến đổi khí hậu tác động làm nước biển dâng, chu kỳ 5 năm thêm vài cm. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng là việc bêtông hóa của thành phố và sụt lún do khai thác nước ngầm.

Theo bà Lan, trước kia TP HCM có những nơi điền trũng như khu Văn Thánh (quận Bình Thạnh), Thảo Điền (quận 2), khi triều dâng nước thẩm thấu vào đất. Nhưng do đô thị hóa, những nơi đó bị san lấp khiến nước không có chỗ thoát, gây ngập. Việc khai thác nước ngầm quá mức khiến các túi nước dưới lớp đất đá bị mất đi. Túi nước không được bổ sung từ nước trên mặt do bêtông hóa làm các lớp đất sụt xuống gây lún, cũng là lý do khiến triều cường ngày càng nghiêm trọng.

"90% các đợt triều cường lớn nhất năm xảy ra vào tháng 10, 11 do lực hấp dẫn của mặt trăng và trái đất thay đổi. Khoảng cách mặt trăng tới trái đất gần nhất, tạo lực hút lớn nên triều cường cao", bà Lan nói và cho biết triều cường sẽ giảm dần vào những tháng đầu năm sau, thấp nhất tháng 7.

Hà An

Đường Sài Gòn mênh mông nước Đường Sài Gòn mênh mông nước

Triều cường đạt 1,69 m khiến nhiều tuyến đường tại TP HCM mênh mông nước, người dân hì hục đẩy xe chết máy, chiều 29/10.

Cảnh báo đợt triều cường mới hơn 1,7 m ở TP HCM Cảnh báo đợt triều cường mới hơn 1,7 m ở TP HCM

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo đỉnh triều ở TP HCM đạt 1,7 - 1,75 m trong hai ngày 28 ...

/ vnexpress.net