Quy định của các nước về nghị sĩ bỏ họp ở quốc hội

Bỏ họp nhiều lần sẽ khiến nghị sĩ Pháp và New Zealand phải nộp phạt, còn đại biểu quốc hội một số nước bị phê bình, thậm chí mất ghế.

quy dinh cua cac nuoc ve nghi si bo hop o quoc hoi
Một cuộc họp quốc hội Pháp tháng 7/2017. Ảnh: Reuters.

Ở các nước trên thế giới, nghị sĩ được người dân bầu vào quốc hội nhằm thực hiện chức năng lập pháp và truyền đạt các nguyện vọng của cử tri thông qua các kỳ họp. Tuy nhiên, không phải đại biểu quốc hội nào cũng làm tròn nhiệm vụ tham gia đầy đủ các cuộc họp, và cơ quan lập pháp các nước cũng có những quy định khác nhau đối với vấn đề này.

Trong cuộc họp của đảng Bharatiya Janata (BJP) ngày 16/7, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã bày tỏ sự bực bội về việc nhiều bộ trưởng kiêm nghị sĩ của đảng này không đi họp. Có những lần hàng ghế đầu ở cả hạ viện và thượng viện Ấn Độ đều trống hay các bộ trưởng vắng mặt trong những phiên thảo luận về dự luật liên quan đến lĩnh vực họ phụ trách.

Để cải thiện tình hình, Thủ tướng Modi yêu cầu cấp cưới báo cáo danh sách những nghị sĩ vắng mặt, đồng thời đề nghị các đại biểu quốc hội thực hiện nhiệm vụ nghiêm túc để không gây ảnh hưởng đến hình ảnh của đảng.

Đầu tháng này, Thủ tướng Ấn Độ cũng khẳng định BJP đang theo dõi sát sao tần suất đi họp của các nghị sĩ và ám chỉ đây là yếu tố tác động đến cơ hội thăng tiến. Ông Modi cho biết ông xem xét kỹ những yếu tố như các nghị sĩ có đi họp đầy đủ hay không, đặt câu hỏi gì và tương tác thế nào trong các ủy ban quốc hội khi chọn lựa bộ trưởng.

Một số quốc gia đã ra quy định về hình thức kỷ luật các nghị sĩ vắng mặt nhiều lần. Tại New Zealand, những nghị sĩ bỏ họp không có lý do sẽ bị nêu tên trong hồ sơ của quốc hội. Nếu vắng mặt không lý do 4 lần một năm, đại biểu quốc hội đó sẽ bị phạt bằng cách trừ lương, có thể lên tới 0,2% tổng lương hàng năm.

Từ năm 2009, Pháp quy định rằng nghị sĩ vắng mặt hai lần trong các cuộc họp quốc hội mà không thông báo trước sẽ bị phạt tiền lên tới 355 EUR (397 USD) cho mỗi lần bỏ họp. Năm 2011, hạ viện Pháp cho biết 20-30 nghị sĩ bị phạt mỗi tháng.

Hiến pháp của quốc gia Tây Phi Ghana quy định rằng một nghị sĩ phải rời ghế tại quốc hội nếu vắng mặt 15 lần mà "không có sự cho phép bằng văn bản của Chủ tịch Quốc hội và không đưa ra lời giải thích hợp lý cho Ủy ban Quốc hội về Đặc quyền".

Tuy nhiên Odekro, tổ chức thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm cơ quan chính phủ ở Ghana, cho biết quy định khó được áp dụng trong thực tế vì hình phạt được coi là quá nặng và không có cơ chế rõ ràng để xác định lý do vắng mặt như thế nào được coi là "không hợp lý". Odekro cho rằng quốc hội Ghana có thể cân nhắc các biện pháp trừng phạt khác như đình chỉ, khiển trách hay phạt tiền.

Tại Anh, nghị sĩ có thể vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu của quốc hội nếu họ bị ốm, nghỉ thai sản hoặc đang đi công tác nước ngoài. Anh không giới hạn về số lần một nghị sĩ được phép vắng mặt, tuy nhiên, đảng của nghị sĩ đó có thể nhắc nhở và cơ hội thăng tiến của người này sẽ bị ảnh hưởng nếu bỏ họp nhiều.

Các nghị sĩ Anh năm ngoái biểu quyết cho phép các đồng nghiệp nghỉ thai sản đề cử một người bỏ phiếu thay khi họ vắng mặt. Tuy nhiên, hạ viện Anh vẫn chưa đưa ra quy định cụ thể về vấn đề này.

"Xếp cặp" là biện pháp thường được sử dụng khi một nghị sĩ Anh vì lý do bất khả kháng nên không thể đi biểu quyết. Người vắng mặt thông báo trước quyết định bỏ phiếu của mình cho lãnh đạo của nhóm nghị sĩ đảng đó trong quốc hội. Lãnh đạo này sẽ dàn xếp để "xếp cặp" nghị sĩ vắng mặt với một chính trị gia từ đảng đối lập có ý định bỏ phiếu ngược lại. Chẳng hạn, nếu một nghị sĩ Công đảng vắng mặt định bỏ phiếu chống, người này sẽ được "xếp cặp" với nghị sĩ đảng Bảo thủ định bỏ phiếu thuận.

Hai nghị sĩ được "xếp cặp" sẽ thỏa thuận rằng họ đều không tham gia bỏ phiếu, vì hai lá phiếu của họ đối nghịch nhau nên sẽ không có tác động đến kết quả cuối cùng. Tuy nhiên, thỏa thuận này không chính thức và không được ghi nhận trong bộ quy tắc ứng xử của quốc hội Anh.

Biện pháp này có thể gây ra tác động lớn trong các cuộc biểu quyết quan trọng nếu nghị sĩ được "xếp cặp" phá vỡ thỏa thuận.

Năm 1979, chính quyền của Thủ tướng James Callaghan, người thuộc Công đảng, thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vì bị thua một phiếu. Nghị sĩ Công đảng Alfred Broughton khi đó đang bệnh nặng nên không thể bỏ phiếu. Ông được "xếp cặp" với nghị sĩ đảng Bảo thủ Bernard Weatherill.

Theo thỏa thuận, lẽ ra Weatherill phải không tham gia biểu quyết. Tuy nhiên, ông vẫn bỏ phiếu và khiến Callaghan mất ghế thủ tướng. "Hình thức này phụ thuộc vào mức độ tin cậy lẫn nhau giữa các nghị sĩ đối lập", ký giả Isabel Togoh của Huffington Post nhận xét.

quy dinh cua cac nuoc ve nghi si bo hop o quoc hoi Nghị sĩ Mỹ quyết ngăn chặn Facebook xâm nhập ngành tài chính

Các Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Mỹ đang xem xét trình một dự luật nhằm ngăn chặn Facebook thực hiện kế hoạch phát triển ...

quy dinh cua cac nuoc ve nghi si bo hop o quoc hoi Trump phủ nhận \'phân biệt chủng tộc\' với nữ nghị sĩ Dân chủ gốc nước ngoài

Trump giải thích về phát ngôn mới nhất liên quan tới các nữ nghị sĩ Dân chủ và "tố ngược" Chủ tịch Hạ viện là ...

/ vnexpress.net