Quỷ ám (Kỳ 55)

'Nếu dân chủ thực sự thì các anh tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ. Người nào phiếu cao thì anh đề bạt. Còn nếu độc đoán thì không cần phiếu gì cả. Anh thấy cần đề bạt người nào xứng đáng theo quan điểm của anh thì anh cứ việc đề bạt'.

quy am ky 55 Quỷ ám (Kỳ 54)

\'Tốt nhất là trong giai đoạn này ông cũng nên nằm im thở khẽ. Ông ăn ít đi một chút, ngày xưa xe của ông ...

quy am ky 55 Quỷ ám (Kỳ 53)

\'Anh ra ngoài lập công ty làm ăn thoải mái. Có gì đâu mà không làm được. Ở Công an mấy chục năm, gò bó ...

Đồng đóng cửa lại, rồi vào nhà ngồi thừ ra.

Bỗng nhiên Đồng nhớ lại khi vừa nhậm chức Trưởng phòng Cảnh sát giao thông.

“Hôm ấy, tại nhà ông Phương .

Trong nhà đầy hoa chúc mừng Đồng được bổ nhiệm Trưởng phòng Cảnh sát giao thông.

Bảy Liêm đang xăng xái đón khách.

Chị nói rất khéo với anh em đến chúc mừng:

- Anh ấy được đề bạt cũng là nhờ giúp sức của các chú. Người ta bảo là “Thần thiêng nhờ bộ hạ”. Anh ấy là trưởng phòng, có hoàn thành được nhiệm vụ hay không cũng là nhờ anh em góp sức.

Có những người đến chúc mừng tặng cả hoa kèm phong bì, nhưng Bảy Liêm kiên quyết trả lại.

Đến khi trong nhà vắng người, ông Phương gọi Bảy Liêm và Đồng ra nói chuyện,

Ông Phương:

- Đồng ạ. Hôm nay, con được đề bạt Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, ba cũng mừng. Nhưng mừng thì ít, lo thì nhiều.

Đồng nhìn ông Phương:

- Ba nói lo nhiều là làm sao?

Ông Phương:

- Ba biết là trong những năm qua con đã làm việc rất tốt, có trách nhiệm và cũng được anh em quý mến. Thấy mọi người đến nói chuyện về con, rồi đọc những bài báo nói về con là Phó phòng Cảnh sát giao thông nhưng cũng trực tiếp chỉ đạo anh em phục kích, phối hợp bắt bọn buôn lậu, rồi bắt được những nhóm cướp, những kẻ trộm cắp xe máy, ba cũng thấy vui, thấy mát lòng, mát dạ. Nhưng đấy là khi con là phó phòng, là người giúp việc cho trưởng phòng. Còn bây giờ con là trưởng phòng rồi, mọi việc sẽ khác. Cái ghế Trưởng phòng Cảnh sát giao thông là cái ghế nóng, là cái ghế quan trên trông xuống, người ta trông vào. Nhất cử nhất động của con thiên hạ đều sẽ để mắt theo dõi. Ba biết là sẽ có nhiều người đến cầu cạnh con.

Đồng nói tự tin:

- Ba ơi. Con đủ bản lĩnh để tránh xa những cám dỗ. Ba không phải lo. Từ ngày ấy đến giờ, có nhà con ở đây, đã bao giờ ba nghe thấy một tiếng nào về chuyện thằng Đồng này đi ăn nhậu, đi chơi bời, gái gú chưa?

Rồi Đồng quay sang vợ:

- Nhà con còn nói là con hiền lành quá mức.

Bảy Liêm nhìn chồng bằng ánh mắt cảm phục:

- Đúng đấy, ba ạ. Con thấy có cảnh sát ăn nhậu, cờ bạc ghê lắm. Anh Đồng nhà con đúng là tuyệt nhiên không có chuyện đấy. Còn chuyện ăn bẩn thỉu, lợi dụng nghề công an để ăn tiền của thiên hạ thì trong lực lượng là có, nhưng anh Đồng không phải như thế. Điều này cũng là tùy tính người chứ ba.

Ông Phương:

- Bữa trước tòa xử một người từng công tác với ba. Khi ba là Giám đốc Công an tỉnh thì ông ấy là trưởng phòng. Khi ba lên Phó chủ tịch tỉnh thì ông ấy là phó giám đốc, rồi là giám đốc. Cứ nghĩ rằng một người như ông ấy, từng vào sinh ra tử trong kháng chiến chống Mỹ, lập nên bao nhiêu chiến công diệt ác, trừ gian, rồi khi chống Pol Pot cũng lăn xả vào công việc giữ gìn an ninh cho cả một vùng biên giới sẽ chẳng có gì lung lạc, mua chuộc được. Ấy vậy mà khi lên làm Giám đốc Công an tỉnh lại thay đổi. Làm giám đốc mà rồi cũng can thiệp để chạy án, móc nối với doanh nghiệp để ăn tiền, nhận hối lộ, bắt oan, bắt sai. Cuối cùng vụ việc vỡ lở, Bộ buộc phải khởi tố, đưa ra tòa xét xử. Xét tất cả công lao, rồi lại căn cứ chuyện tham gia bằng nhiệt tình cách mạng, không được học hành gì, pháp luật không hiểu biết nên làm gì cũng ào ào, chỉ đạo chẳng theo nguyên tắc nào, thiếu tinh thần trách nhiệm, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, rồi lại dính đến chuyện tiền bạc, thế là tòa xử 3 năm tù treo. Thế là coi như mất sạch. Đứng trước gian khổ, hiểm nguy thì người ta dễ đứng vững, dễ thể hiện bản lĩnh hơn là khi đứng trước đồng tiền. Ba chỉ dặn con như vậy. Còn cái Liêm, con là Trưởng Phòng Phong trào thì ba chẳng có gì phải lo cả. Con cứ làm thế nào để cho người dân thông cảm với công an và nghe theo công an là được rồi. Còn mong dân yêu công an thì không yêu được đâu. Câu đó là có tính chất khẩu hiệu thôi. Ba làm công an bao nhiêu năm, ba biết. Người dân chỉ yêu công an khi anh công an lăn xả vào bảo vệ người ta. Chứ làm sao mà yêu công an được khi họ sai thì phạt họ, bắt họ.

Bảy Liêm hiểu ra ý ông Phương:

- Dạ. Ba dạy thế, con nhớ ạ.

Ông Phương nói thêm:

- Ba năm nay đã 80 tuổi rồi. Cái sống, cái chết chẳng biết thế nào. Ba chỉ mong các con làm gì thì làm, nhưng hãy để cho ba sau này có chết thì cũng nhắm mắt được.

Những ngày ấy, một bầu không khí hạnh phúc, đầm ấm luôn tràn ngập trong gia đình ông Phương. Những bữa cơm luôn vui vẻ. Bảo Lâm học giỏi. Phương Liên thì được ông nội cưng chiều hết mực nhưng vẫn rất ngoan. Đi đâu về, Phương Liên cũng lăn vào lòng ông Phương, rồi hát, múa cho ông xem.

***

Khi lên làm trưởng phòng, Đồng đã nghĩ ra nhiều biện pháp nhằm làm giảm tai nạn giao thông ở tỉnh.

Tên tuổi của Đồng nổi lên như cồn.

Trong những đêm mưa gió, những lúc lụt bão, ở đâu người ta cũng thấy hình ảnh một Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Huỳnh Sơn Đồng lăn xả vào công việc, không nề hà điều gì. Anh em báo chí cũng rất quý mến Đồng.

Một hôm, Thiếu tướng Trịnh Lương đến thăm ông Phương.

Thiếu tướng Trịnh Lương nói:

- Ông ạ, cho đến bây giờ con có thể nói rằng quyết định đề bạt cậu Đồng là chính xác vô cùng. Ông có nhận thấy không, từ ngày Đồng lên làm Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, tình hình trật tự giao thông ở tỉnh mình có thể nói đã có bước tiến bộ vượt bậc. Lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông xuống kiểm tra, Thứ trưởng phụ trách cảnh sát xuống kiểm tra cũng công nhận. Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia xuống kiểm tra cũng công nhận những sáng kiến Đồng đưa ra là rất tốt. Đặc biệt là nó còn nghĩ ra phong trào vận động đội mũ bảo hiểm cho các cháu đi đầu cả nước. Thị xã mình là nơi duy nhất các cháu thanh, thiếu niên chưa đến tuổi không dám chạy xe gắn máy.

Nét mặt ông Phương rạng rỡ:

- Tôi cũng biết những việc nó làm thế là tốt. Nhưng anh cũng phải chú ý, không rồi lại phổng mũi lên. Làm gì thì làm, khi nó có đà thì phải cố mà dấn. Khi đã có những thành công bước đầu như vậy thì phải nghiêm khắc kiểm điểm lại cái gì được, cái gì chưa được, những điều làm được là do nguyên nhân ở đâu. Vai trò cá nhân của nó thì có. Nó xốc vác, nhiệt tình, lăn vào công việc. Nhưng anh phải nhớ điểm yếu của thằng Đồng là nó rất nặng tính duy tình, nhiều khi làm việc, hành xử không theo quy tắc. Anh phải nhớ một điều là: làm công an, tuân theo pháp lý, nhưng phải nhớ đạo lý. Đừng nghĩ có quyền lực mà lãnh đạo bằng uy lực, mà phải lãnh đạo bằng uy tín. Bây giờ là lúc phải ngồi lại với nhau để rút kinh nghiệm.

Thiếu tướng Trịnh Lương cười:

- Vâng ạ. Chúng con xin nghe lời ông. Con đang tính là để cho cậu ấy làm thêm một thời gian nữa, rồi cơ cấu, đưa vào quy hoạch phó giám đốc.

Ông Phương:

- Việc ấy là của các anh. Tôi không có ý kiến. Nhưng trong việc đề bạt cán bộ, nếu đã dân chủ thì dân chủ cho trọn vẹn. Còn nếu quyết đoán thì phải quyết đoán cho đúng.

Thiếu tướng Trịnh Lương:

- Con chưa hiểu ý ông ạ.

Ông Phương:

- Có gì đâu mà anh không hiểu. Nếu dân chủ thực sự thì các anh tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ. Người nào phiếu cao thì anh đề bạt. Còn nếu độc đoán thì không cần phiếu gì cả. Anh thấy cần đề bạt người nào xứng đáng theo quan điểm của anh thì anh cứ việc đề bạt. Tất nhiên là chúng ta đã có những quy định về đề bạt, quản lý, sử dụng cán bộ. Nhưng nhiều khi chính chúng ta lại phớt lờ những quy định này. Hồi tôi làm giám đốc đã có trường hợp như thế này. Anh còn nhớ cậu Bính, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự chứ?

Thiếu tướng Trịnh Lương:

- Dạ. Con nhớ. Hồi ấy con mới là trung úy. Con là cảnh sát trật tự. Nhưng đã nghe tiếng chú Bính giỏi lắm.

Ông Phương:

- Đấy. Đấy. Nó rất giỏi, làm được việc. Nhưng nó là thằng chao chát. Với ai không làm được việc, nó nói nhiều khi cũng nặng lời. Nhưng khi bỏ phiếu thì số phiếu của nó lại thấp. Cậu Toàn phó phòng thì phiếu lại cao ngất ngưởng, dù ai cũng biết cậu Toàn ấy là tính quyết đoán kém, đánh án xoàng, nhưng lại chẳng bao giờ nặng lời với ai, chỗ nào cũng vui vẻ và được anh em mệnh danh là chuyên gia hiếu hỉ - đám cưới, đám tang nào cũng có mặt, viết điếu văn rất hay. Chuyện bỏ phiếu ngay trong công an mình là như vậy. Nhưng mỗi thời một khác. Thời tôi khác, thời các anh khác. Các anh bây giờ đã rút kinh nghiệm được những chuyện không hay của lớp trước thì phải sửa chữa”.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong