Dự kiến từ 24 đến 25/10, các đại biểu sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Chiều 18/10, Văn phòng Quốc hội họp báo thông tin về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6 sẽ khai mạc vào thứ hai, ngày 22/10.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, vào đầu kỳ họp (ngày 22 và 23/10), các đại biểu sẽ bầu Chủ tịch nước và triển khai công việc liên quan theo quy trình.
Quốc hội cũng sẽ miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Thông tin Truyền thông với ông Trương Minh Tuấn (Phó ban Tuyên giáo Trung ương) và phê chuẩn bổ nhiệm quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Q.H. |
Dự kiến sau khi được Quốc hội bầu, tân Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ và buổi lễ được truyền hình trực tiếp.
"Vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được Trung ương thống nhất 100% giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước tại kỳ họp thứ 6. Như vậy đây là một trong điểm mới của kỳ họp lần này", ông Phúc nói.
Về câu hỏi sau khi được Quốc hội bầu, tân Chủ tịch nước có họp báo thông tin về chương trình nghị sự sắp tới hay không? Ông Phúc đáp, Văn phòng Quốc hội sẽ tham mưu nhưng việc này do Chủ tịch nước quyết định.
Cũng trong tuần sau, từ 24 đến 25/10, các đại biểu sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Hiện có tất cả 50 chức danh thuộc diện này, trong đó theo dự kiến thì tân Chủ tịch nước và tân Bộ trưởng Thông tin Truyền thông sẽ không lấy phiếu tín nhiệm do mới được bầu và phê chuẩn
Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp” (ba mức).
Trả lời câu hỏi, vì sao nội dung lấy phiếu tín nhiệm diễn ra vào đầu kỳ họp, nghĩa là trước khi có hoạt động chất vấn tại Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói: "Tiến hành sớm để bảo đảm sự bình đẳng giữa những người được lấy phiếu tín nhiệm”.
Ông giải thích rõ hơn, lấy phiếu tín nhiệm sau chất vấn sẽ "không công bằng", bởi chỉ có một số bộ trưởng trả lời chất vấn trong khi lấy phiếu tín nhiệm thì với tất cả thành viên Chính phủ. "Nếu chất vấn trước khi lấy phiếu tín nhiệm thì ai có nội dung chưa hoàn thành, còn hạn chế có thể tác động trực tiếp đến việc lấy phiếu, đánh giá sẽ không khách quan", ông Phúc cho hay.
Ngoài ra, theo Tổng thư ký Quốc hội, trước kỳ họp 30 ngày, các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm đã gửi hồ sơ đánh giá kết quả công tác đến từng đại biểu để nghiên cứu. "Tại phiên họp Thường vụ mới đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói đây là kỳ họp cuối năm, có nhiều việc quan trọng cần thảo luận, đề nghị các đại biểu nêu gương không nhận lời mời dự gặp mặt của các bộ, ngành trong dịp này", ông Phúc nói.
Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra trong 24 ngày. Ngoài nội dung nêu trên, Quốc hội còn xem xét, thông qua 9 dự án luật và cho ý kiến vào 6 dự án luật khác, trong đó có: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước...
Vì sao Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm trước khi chất vấn?
Theo Tổng thư ký Quốc hội, lấy phiếu tín nhiệm là đánh giá dựa trên quá trình dài. Do đó, nếu tiến hành sau khi ... |
Lấy phiếu tín nhiệm các vị chức sắc để nhắc nhở, cảnh tỉnh
- Thông tin với cử tri quận Tây Hồ, Hà Nội chiều nay, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, chương trình kỳ họp QH ... |