Đến năm 2020, doanh nghiệp sai phạm, dự án nghìn tỷ thua lỗ phải được xử lý dứt điểm theo yêu cầu của Quốc hội.
Với 97,33% đại biểu tán thành, sáng 15/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện, đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước.
Đánh giá sức khoẻ doanh nghiệp sau cổ phần hoá đã minh bạch hơn, nhưng Đoàn giám sát Quốc hội chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập và vi phạm pháp luật trong kinh doanh, quản lý tài chính và quản trị doanh nghiệp trong quá trình thoái vốn Nhà nước.
Vì thế, Quốc hội giao Chính phủ quản lý, giám sát chặt chẽ việc huy động, sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước, nhất là việc vay nợ nước ngoài, các dự án đầu tư trong nước và ở nước ngoài, nguồn vốn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp; hạn chế tối đa cấp bảo lãnh của Chính phủ đối với doanh nghiệp nhà nước.
|
Theo báo cáo giám sát về sử dụng vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước của Quốc hội, cuối năm 2016 có 18 tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào 110 dự án ở nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 12,6 tỷ USD, giải ngân 7 tỷ USD, chủ yếu trong lĩnh vực viễn thông, thăm dò khai thác dầu khí, khai thác khoáng sản, trồng cây cao su...
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là tập đoàn có số vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài lớn nhất, gần 6,7 tỷ USD (chiếm 53%), kế đến là Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) 2,12 tỷ USD và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam 1,41 tỷ USD.
Lượng vốn "đổ" vào các dự án đầu tư ở nước ngoài lớn, song lại dàn trải, hiệu quả chưa cao, theo đánh giá của báo cáo giám sát. Trong 7 tỷ USD các tập đoàn đã giải ngân thì 25,5% dự án báo lỗ, 29% dự án lỗ lũy kế. Lợi nhuận được chia cho Việt Nam năm 2016 là 145 triệu USD, bình quân 2% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện.
Một nhiệm vụ nữa được Quốc hội giao Chính phủ làđến năm 2020 xử lý dứt điểm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật, để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước, các dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Số dự án này không được sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý. Riêng với các doanh nghiệp không có phương án cơ cấu lại khả thi có thể áp dụng biện pháp giải thể, phá sản theo quy định pháp luật.
Nghị quyết giám sát của Quốc hội cũng nêu rõ, Chính phủ cần tiến hành thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất sang kinh doanh, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011- 2017, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019).
"Kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước", Nghị quyết của Quốc hội nêu. Các kết quả này báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019).
Chính phủ cần đổi mới cơ chế để doanh nghiệp thực sự chủ động trong trả tiền lương, tiền thưởng dựa vào năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, người lao động; thu hút lao động có trình độ cao.
Kiểm toán Nhà nước kiểm toán Quỹ Hỗ trợ sắp xếp, phát triển doanh nghiệp và việc sử dụng nguồn thu từ đất của các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa giai đoạn 2011-2017, báo cáo Quốc hội kết quả tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019).
Nguyễn Hoài
Những con số thú vị trong lần đầu \'hỏi nhanh - đáp gọn\' ở Quốc hội
Bốn bộ trưởng đã hơn 300 lần nhắc tới từ "trách nhiệm", gần 100 lần tiếp thu ý kiến đại biểu và khoảng 140 lần ... |
Đại biểu Quốc hội: "Luật chống tham nhũng có lỗ hổng thì củi khó vào lò"
Câu hỏi của cử tri về "biệt phủ xây trên đất hàng nghìn mét vuông" của con em quan chức ở địa phương được đại ... |