Xung quanh vụ việc tàn phá rừng phòng hộ Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, phía ngành chức năng đã khởi tố vụ án để tiếp tục điều tra làm rõ các đối tượng phá rừng và truy tìm kẻ đứng sau xúi giục người nghèo phá rừng. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh này còn yêu cầu truy tố hình sự các đối tượng phá rừng.
Đại biểu Quốc hội đề nghị xác minh bằng cấp của Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương |
Ai "chống lưng" cho người nghèo phá rừng phòng hộ ở Quảng Nam? |
Rừng phòng hộ Tiên Lãnh bị tàn phá trơ trụi. Ảnh: Trương Hồng
Ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết: “Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt và không có vùng cấm, chúng tôi đang yêu cầu công an điều tra làm rõ để xử lý đến nơi đến chốn vụ phá rừng này”.
Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, có tình trạng phá rừng phòng hộ Tiên Lãnh để trồng keo.
“Khu vực rừng này đã giao khoán cho người dân bảo vệ và quản lý. Hàng tháng người dân có báo cáo về xã về hiện trạng rừng, nhưng chính quyền địa phương xử lý báo cáo của dân rất chậm. Các đối tượng phá rừng chọn những nơi xa, hiểm trở (rừng ở đây thuộc rừng nghèo) để phát quang, trồng keo. Với quy mô phá rừng lớn như thế này, chúng tôi đã đề nghị các cơ quan làm rõ; những đối tượng phá rừng đề nghị truy tố hình sự”- ông Thanh nhấn mạnh.
Ông Lê Trí Thanh - PCT UBND tỉnh Quảng Nam (bên phải) đề nghị truy tố hình sự các đối tượng phá rừng. Ảnh: Trương Hồng
Sở NNPTNT Quảng Nam cho biết, từ năm 2010 đến giữa tháng 9.2017, cơ quan chức năng phát hiện và lập hồ sơ 54 vụ phá rừng để lấy đất sản xuất tại xã Tiên Lãnh, với tổng diện tích hơn 124,8ha. Trong số này, có 68,296ha giao khoán bảo vệ rừng (do Ban Quản lý trồng rừng huyện Tiên Phước giao cho nhóm hộ) và 49,359ha do UBND xã Tiên Lãnh quản lý. UBND huyện Tiên Phước đã ban hành quyết định thu hồi diện tích vi phạm và giao cho UBND xã quản lý 19 vụ/52,994ha, khởi tố hình sự 10 vụ và đang điều tra, xử lý 25 vụ. |
Cũng theo ông Thanh, thời gian qua nhiều vụ phá rừng ở Quảng Nam đã bị khởi tố vụ án nhưng không tìm ra đối tượng để xứ lý nên chưa đủ sức răn đe.
Chúng tôi đang đề nghị với Bộ NN&PTNT hướng quản lý rừng bằng công nghệ cao để sớm phát hiện hiện trường phá rừng. Bộ đã ủng hộ cách làm này và hy vọng Quảng Nam sẽ được chọn làm thí điểm…” - ông Thanh cho biết.
Trước đó, theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam về tình hình phá rừng để trồng keo trái phép tại xã Tiên Lãnh, từ đầu năm 2017 đến ngày 15.9, đã kiểm tra và phát hiện trên địa bàn xã Tiên Lãnh xảy ra 10 vụ phá rừng tự nhiên, chức năng phòng hộ; diện tích rừng thiệt hại 23,776ha (thuộc các Tiểu khu 556, 557); trong đó có 21,996ha nằm trong diện tích giao khoán bảo vệ rừng do Ban quản lý dự án trồng rừng huyện Tiên Phước làm chủ dự án.
Những cây gỗ có đường kính to bị "lâm tặc" chặt hạ nằm trơ giữa rừng phòng hộ. Ảnh: Trương Hồng
Trong 10 vụ vi phạm nói trên, có 1 vụ vi phạm tại khu vực Dội Lớn, xã Tiên Lãnh (tiểu khu 556), bước đầu đã xác định được đối tượng vi phạm là 7 người đồng bào dân tộc Ka Dong, huyện Bắc Trà My đang gieo hạt keo trên diện tích phá rừng trái phép. Qua lời khai và trình bày của 7 người này, họ tỉa hạt keo thuê cho ông Phùng Văn Bảy (trú tại thôn 9, xã Tiên Lãnh).
Lực lượng chức năng đã mời ông Phùng Văn Bảy làm việc. Ông Bảy thừa nhận đã thuê 7 người đồng bào dân tộc Ka Dong nói trên làm thuê, đông thời khai nhận phá rừng trái pháp luật tại khu vực Dội Lớn...
Đây cũng làvụ phá rừng mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Quảng Nam điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng.
Cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ vụ việc.
http://danviet.vn/tin-tuc/quang-nam-de-nghi-truy-to-hinh-su-doi-tuong-pha-rung-phong-ho-807843.html