- Dự thảo Luật Đất đai: Bỏ quy định thu hồi đất khi được trên 80% người dân đồng ý
- Thu hồi đất dự án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ: Người dân nguy cơ trắng tay, chính quyền thì... bó tay
5.293m2 đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư tại khu gò Ba Xã, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân được 49 hộ dân mua lại từ tháng 6/1993. Việc mua bán chuyển nhượng cũng được chính quyền thời điểm đó xác nhận.
Theo phản ánh của các hộ này, nhiều năm qua, người dân đã nhiều lần gõ cửa các cơ quan chức năng quận Thanh Xuân để xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhằm tạo lập nhà ở, sau đó là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định của Luật Đất đai.
Vì nhiều lý do, những vấn đề này chưa được giải quyết thì bỗng nhiên tháng 6/2022, UBND phường Nhân Chính lại thông báo đến các hộ dân về việc toàn bộ khu đất này sẽ bị thu hồi để phục vụ cho một “dự án treo”. Người dân càng bức xúc hơn khi đơn giá trong thông báo thu hồi chỉ là 252 nghìn đồng/m2 đất.
Bức xúc vì đơn giá đền bù chỉ 252 nghìn đồng/m2 đất
Phản ánh tới Báo CAND, bà Trịnh Thị Liên (Ba Đình, Hà Nội) cho biết bà là một trong những người đầu tiên mua đất ở khu đất này từ tháng 6/1993. Mua cùng với bà còn có một số đồng nghiệp nữa là cán bộ của Báo Thiếu niên tiền phong. Do cán bộ, nhân viên khó khăn về nhà ở, suốt một thời gian dài từ năm 1993, Báo Thiếu niên tiền phong đã có nhiều văn bản, tờ trình gửi UBND các cấp của TP Hà Nội xin hợp thức đất để cho cán bộ, nhân viên xây dựng nhà.
“Khu đất đã được công nhận tại nhiều văn bản pháp lý của UBND TP Hà Nội, Thanh tra TP Hà Nội, Văn phòng Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội, UBND quận Đống Đa trước năm 1997 và UBND quận Thanh Xuân từ năm 1997 qua các thời kỳ từ thời điểm thành lập quận đến nay. Các cơ quan chức năng đều xác định đây là “đất nông nghiệp xen kẹt, nằm trong khu dân cư, phù hợp với các quy định về đất ở, có căn cứ để chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở”. Thực tế, khu đất này cũng đã được UBND quận Thanh Xuân đồng ý chủ trương cho xem xét hướng dẫn chuyển đổi mục đích sử dụng, lập dự án nhà ở cho cán bộ Báo Thiếu niên tiền phong và một số cơ quan khác từ năm 1997 khi quận Thanh Xuân mới được thành lập”, bà Liên cho biết.
Không những thế, ngày 10/9/2001, UBND quận Thanh Xuân còn có Công văn số 426/UB-ĐCNĐ do Phó Chủ tịch Hoàng Nam Sơn ký với nội dung “ủng hộ về nguyên tắc hợp thức hóa khu đất Gò Ba Xã để làm nhà ở cho cán bộ, công nhân viên nếu được các cấp có thẩm quyền cho phép” và hướng dẫn người dân làm dự án. Tuy nhiên, dự án không tiến hành được vì không tìm được đơn vị chấp thuận làm chủ đầu tư. Tiếp đó, ngày 10/10/2002, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã chấp thuận chỉ giới đo cho khu Gò Ba Xã do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đề xuất.
“Rất nhiều căn cứ pháp lý cho thấy khu đất của chúng tôi đáp ứng đủ các điều kiện để được chuyển đổi mục đích sử dụng đất và được cấp sổ theo các quy định của Luất Đất đai 2003, 2013, thế nhưng không hiểu vì sao hàng chục năm qua chúng tôi đã rất nhiều lần gõ cửa các cơ quan chức năng quận Thanh Xuân mà không được giải quyết. Thế rồi, đùng một cái, gần đây UBND quận Thanh Xuân lại thông báo thu hồi đất và đơn giá đền bù chỉ là 252 nghìn đồng/m2. Việc này rất vô lý”, bà Liên bức xúc cho hay.
Cũng là những người đầu tiên mua đất ở khu Gò Ba Xã này, ông Cù Văn Hiền (tập thể Voi Phục, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, gần 30 năm qua, các hộ dân đã nhiều lần đến UBND phường, quận sở tại để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng vẫn chưa được giải quyết.
“Năm 2009 xây dựng KĐT mới Phùng Khoang, chủ đầu tư đã san nền và làm rào chắn của dự án, vì vậy khu đất của chúng tôi thành khu đất kẹt giữa dự án KĐT mới Phùng Khoang và khu dân cư. Chúng tôi cũng đã tôn tạo làm nhà cấp 4 và làm dịch vụ buôn bán vật liệu xây dựng, kinh doanh ổn định từ đó đến nay và chờ cấp sổ đỏ. Nhiều năm qua, khu đất này không có tranh chấp và cũng không có bất kỳ thông báo nào về thu hồi đất nằm trong dự án.
Cư dân chúng tôi cũng không hiểu tại sao ngày 30/6/2022 UBND phường Nhân Chính cho họp các hộ dân thông báo về việc bồi thường thu hồi đất giải phóng mặt bằng xây dựng KĐT mới Phùng Khoang với đơn giá 252 nghìn đồng/m2, trong khi đó đến tận 31/8/2022 UBND TP Hà Nội mới có quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án này. Tại sao lại thu hồi đất của người dân khi dự án chưa được chấp thuận điều chỉnh?
Vấn đề là đây là dự án đã “treo” nhiều năm nay. Cư dân chúng tôi thấy không thỏa đáng về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giá cả đền bù khi bị thu hồi đất. Việc đất của chúng tôi chưa được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất là do sự chậm trễ của chính quyền, thế mà nay, thông báo thu hồi đất phần thiệt thòi đổ hết cho người dân gánh chịu. Đất của chúng tôi là đất xen kẹt ngay giữa trung tâm Hà Nội mà áp dụng đơn giá đền bù trên là không hợp lý. Người dân chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng TP Hà Nội xem xét lại mức đền bù, hoặc cấp quyền sử dụng đất cho chúng tôi trước khi giải quyết đền bù”, ông Hiền lý giải.
Người dân bị ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp?
Trao đổi với PV, ông Hoàng Tùng, Phó Chủ tịch UBND phường Nhân Chính cho biết, UBND quận Thanh Xuân đang chỉ đạo phường Nhân Chính phối hợp cùng Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Thanh Xuân đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất khu Gò Ba Xã này cho dự án KĐT mới Phùng Khoang theo quyết định chấp thuận điều chỉnh mới được UBND TP Hà Nội ban hành.
“Giá đất áp dụng thu hồi là 252 nghìn đồng/m2 được áp dụng theo Quyết định 30 của UBND TP Hà Nội, tất cả đất nông nghiệp bây giờ mà phải giải phóng mặt bằng thì đều áp dụng mức giá này. Mức giá này là theo quy định. Trên giấy tờ thì đất của các hộ dân này vẫn là đất nông nghiệp nên việc áp dụng giá đền bù này là đúng quy định. Ngoài ra, sau này sẽ có những hỗ trợ, nhưng chắc chắn cũng sẽ không được nhiều để thỏa mãn được những mong mỏi của người dân”, ông Tùng cho biết.
Đề cập đến việc tại sao nhiều năm qua, người dân đã nhiều lần đề nghị được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không được giải quyết, để đến nay quyền lợi bị ảnh hưởng, ông Hoàng Tùng giải thích, việc người dân không được xem xét giải quyết cấp quyền sử dụng đất đã được UBND quận Thanh Xuân trả lời: “người sử dụng đất có đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng đã có thông báo, hoặc quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền”.
Trong khi đó, trả lời câu hỏi tại sao ngày 30/6/2022 đã có thông báo thu hồi đất mà đến tận 31/8/2022 mới có quyết định gia hạn cho dự án Phùng Khoang, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Thanh Xuân cho biết, từ ngày 21/1/2022 UBND TP Hà Nội đã có Thông báo số 32/TB-VP yêu cầu UBND quận Thanh Xuân khẩn trương thực hiện giải phóng mặt bằng cho hai dự án Trạm biến áp 220/110kV Thanh Xuân và KĐT mới Phùng Khoang. Đây là căn cứ để UBND quận Thanh Xuân thông báo thu hồi đất.
“Quận Thanh Xuân được yêu cầu giải phóng mặt bằng thì chỉ tiến hành giải phóng mặt bằng, còn việc đầu tư gì, làm gì trên khu đất đó là do TP Hà Nội quyết định. Việc người dân thắc mắc tại sao đến nay 14 năm rồi lại gia hạn cho KĐT mới Phùng Khoang để thu hồi đất của người dân thì phải cơ quan chức năng đủ thẩm quyền mới trả lời được”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, một trong những vấn đề người dân thắc mắc nữa là việc nhiều năm qua làm hồ sơ đề nghị được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thế nhưng người dân không cung cấp được đầy đủ giấy tờ về việc đi xin cấp sổ.
“Cư dân cũng yêu cầu việc đơn giá đền bù như đất có sổ đỏ theo quy định của Luật Đất đai, thế nhưng để đáp ứng được yêu cầu này thì người dân phải cung cấp được đầy đủ giấy tờ về việc đất này đủ điều kiện cấp sổ. Quan trọng là hồ sơ giấy tờ của người dân phải đủ thì chúng tôi mới có căn cứ để giải quyết được. Thực tế việc mua bán đất của các hộ dân này từ năm 1993 là có căn cứ pháp lý, thế nhưng hiện đang có một số vướng mắc”, ông Cường giải thích.
Theo luật sư Dương Vũ Khánh Linh, Ban Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) xung quanh câu chuyện về thu hồi đất của người dân khu đất Gò Ba Xã thuộc phường Nhân Chính quận Thanh Xuân có một số vấn đề các cơ quan chức năng cần làm rõ là việc dự án KĐT mới Phùng Khoang đã hết thời hiệu từ trước 2017, nằm trong danh sách “ dự án treo”. Thế nhưng không hiểu tại sao UBND TP Hà Nội ra quyết định “chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư” ngày 31/8/2022 để thu hồi đất của người dân cho dự án này?
Luật sư Khánh Linh cho rằng, với những căn cứ của người dân cung cấp thì đất của các hộ dân này là đất nông nghiệp xen kẹt đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong suốt thời kỳ triển khai thực hiện Luật Đất đai 2013, Nghị định 43/2014/NĐ- CP; Nghị Định 01/2017/ NP-CP và các quyết định của UBND TP Hà Nội ban hành về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất.
“Đất của người dân đủ điều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nhiều năm không được giải quyết đã dẫn đến hậu quả khi bị thu hồi đất, người dân không được tái định cư, không được bồi thường về đất. Việc không áp dụng những chế tài tích cực của Luật Đất đai 2013 đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ dân có đất bị thu hồi. Do đó, việc đảm bảo quyền lợi cho người dân đối với trường hợp này cần phải được các cơ quan chức năng của TP Hà Nội xem xét giải quyết”, luật sư Dương Vũ Khánh Linh nhận định.