Quản lý dạy thêm để trả lại năng lực tự học cho học trò

Thông tư số 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định về dạy thêm, học thêm đang nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận xã hội. Nhiều ý kiến ủng hộ tinh thần của Thông tư khi đưa việc dạy thêm, học thêm trở về đúng nghĩa tự nguyện, hướng tới việc không cần dạy thêm, học thêm trong nhà trường.

Tuy vậy, các quy định trong Thông tư 29 dù khá "trúng" nhưng đây có phải là "liều thuốc" duy nhất để giải quyết triệt để việc lạm dụng dạy thêm, học thêm hay không? PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam về vấn đề này.

4-3.jpg -0
TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam.

PV: Sau khi Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) được ban hành đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận xã hội. Ông đánh giá như thế nào về các quy định mới trong Thông tư 29?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Thông tư 29 do Bộ GD&ĐT ban hành đã thể hiện quan điểm đúng và trúng đó là: Đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào khuôn khổ, không cấm việc dạy thêm, học thêm nhưng việc dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu, tự nguyện. Việc dạy thêm, học thêm phải góp phần phát triển phẩm chất, năng lực và phù hợp với khả năng tiềm ẩn của mỗi học sinh chứ không phải nhồi nhét thêm kiến thức. Mục tiêu của dạy thêm, học thêm là để học sinh thích học, biết cách học, có thời gian tự học và học có hiệu quả, tiến bộ.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng quy định cụ thể về 3 đối tượng được dạy thêm trong nhà trường nhưng không được thu tiền học sinh mang ý nghĩa nhân văn, khoa học. Quy định này sẽ giúp định hướng cho các nhà trường, giáo viên trong việc dạy và học làm sao đảm bảo chất lượng theo yêu cầu mà không cần "đẻ" ra những giờ học thêm, thu phí; giúp học sinh có thêm thời gian vui chơi, nghỉ ngơi và rèn luyện các kỹ năng để phát triển toàn diện.

PV: Có ý kiến cho rằng, việc lạm dụng dạy thêm, học thêm bấy lâu nay đang làm xói mòn khả năng tự học của học sinh. Điều này trái với quy luật phát triển và Thông tư 29 buộc các trường phải thay đổi, hướng học sinh vào việc tự học. Quan điểm của ông về vấn đề này?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Để đáp ứng với các cuộc thi, kỳ thi trong và ngoài nhà trường hiện nay như thi vào trường top, thi vượt cấp, thi vào trường chuyên, lớp chọn…, nhiều phụ huynh đã dồn ép con đi học thêm sau giờ học, học cả ngày nghỉ lễ, không có thời gian nghỉ ngơi sẽ khiến trẻ áp lực, căng thẳng, không có thời gian "tiêu hoá" kiến thức được nhồi nhét. Dù học thêm là nhu cầu có thật đối với học sinh trong bối cảnh hiện nay song việc lạm dụng học thêm như vậy đúng là sẽ làm xói mòn khả năng tự học của các em…

Cá nhân tôi ủng hộ tinh thần hướng tới trường học không dạy thêm, học thêm như trong Thông tư 29. Thực tế cho thấy, có ba yếu tố để phát triển ở một đứa trẻ đó là: Cơ thể khoẻ mạnh, tinh thần sống thoải mái, học tập kiến thức - kỹ năng để phát huy hết năng lực của bản thân. Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, nhiều trường hiện nay dạy học 2 buổi/ngày là đủ.

Ngoài giờ học, các em cần được tham gia các hoạt động giáo dục khác để rèn luyện đạo đức, kỹ năng sống. Nếu học sinh có nhu cầu có thể tự học, tự đọc sách vở, nghiên cứu kiến thức mà không cần phải học thêm, trừ các trường hợp học sinh giỏi, học sinh cần bổ túc vì yếu kém và học sinh thi cuối cấp. Ngay cả việc dạy bồi dưỡng miễn phí cho học sinh yếu và học sinh giỏi trong mỗi nhà trường cũng không nên kéo dài mà chủ yếu giúp các em biết cách tự học. Đây cũng là mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

PV: Như vậy, ở một góc độ nào đó, có thể nói rằng, việc dừng dạy thêm, học thêm trong nhà trường sẽ là cơ hội để học sinh tìm lại sức mạnh nội tại, đó là tinh thần tự học. Theo ông, nhà trường, giáo viên và phụ huynh cần hỗ trợ học sinh như thế nào trong việc hình thành thói quen tự học?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Phải thừa nhận rằng, dạy thêm và học thêm từ trước đến nay đã trở thành nhu cầu, thành thói quen đối với nhiều phụ huynh, học sinh dù lạm dụng quá mức việc học thêm có thể dẫn đến việc thủ tiêu tinh thần tự học ở một bộ phận học sinh. Do đó, khi dừng việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường, đa số học sinh sẽ gặp khó khăn ban đầu trong việc tìm tòi, tự học. Lúc đầu, tìm lại thói quen tự học có thể khó khăn, mệt mỏi và kém hiệu quả nhưng nếu làm quen dần thì sẽ giúp các em vững vàng đối mặt với thử thách và thành công trong tương lai bởi tự học mới là kỹ năng quan trọng nhất để chuyển hóa tri thức thành của mình.

Đối với giáo viên, các thầy cô sẽ vất vả hơn nhiều khi học trò chưa có thói quen tự học, cần thời gian để hình thành. Điều này sẽ khiến việc giảng dạy trên lớp cũng áp lực hơn, đòi hỏi giáo viên buộc phải tìm cách thích nghi với sự thay đổi này, nỗ lực hỗ trợ học sinh bằng nhiều phương thức linh hoạt hơn, trong đó có việc hướng dẫn học sinh dạy nhau, học sinh giỏi biết cách tự học rồi thì hướng dẫn cho những bạn còn yếu hơn mình. Đối với các nhà trường, cần tổ chức lại hoạt động dạy và học theo đúng quy định tại Thông tư 29 để sau giờ học các môn học theo chương trình, học sinh có thời gian, không gian  tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao, mỹ thuật, âm nhạc, rèn các kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, từ đó có điều kiện để phát triển toàn diện.

Cha mẹ học sinh cũng cần đồng hành với con, với giáo viên và nhà trường trong việc hình thành thói quen tự học cho các con; không nôn nóng chạy theo điểm số và thành tích bởi suy cho cùng kỹ năng năng tự học mới là yếu tố quan trọng, cần thiết đối với các em trên hành trình học tập suốt đời.

4-4.jpg -0
Thông tư số 29 được kỳ vọng sẽ góp phần đưa việc dạy thêm, học thêm vào quỹ đạo tích cực.   Ảnh minh họa.

PV: Trong bối cảnh học thêm vẫn đang là một nhu cầu lớn thì việc siết dạy thêm, học thêm trong nhà trường cũng sẽ tạo cơ hội để các trung tâm dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường "nở rộ". Theo ông, ngành Giáo dục và các địa phương cần có giải pháp gì để kiểm soát chất lượng dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhằm đảm bảo quyền lợi của học sinh?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Đối với việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, Thông tư 29 quy định rõ, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lí theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh cũng phải tăng cường công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ sở dạy thêm hoặc niêm yết tại cơ sở dạy thêm về các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm nhằm tăng cường sự giám sát của toàn dân và sự quản lí an toàn, an ninh của cấp cơ sở đối với cơ sở dạy thêm.

Thông tư cũng tăng trách nhiệm quản lý của hiệu trưởng đối với giáo viên thuộc sự quản lý của mình khi tham gia dạy thêm ngoài nhà trường bằng quy định: "Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm". Mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm. Việc thu, quản lý, sử dụng tiền học thêm thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính, tài sản, kế toán, thuế và các quy định khác có liên quan…

Như vậy, về mặt lý thuyết, các quy định về quản lý dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường đã tương đối chặt chẽ. Vấn đề đặt ra là với trách nhiệm của mình, ngành Giáo dục, chính quyền địa phương và toàn xã hội cần tăng cường kiểm tra, thanh tra giám sát để góp phần kiểm soát chất lượng việc dạy thêm, học thêm nhằm đảm bảo quyền lợi của người học.

PV: Theo ông, để trị tận gốc lạm dụng việc dạy thêm, học thêm, bên cạnh các giải pháp hành chính về quản lý Nhà nước tại Thông tư 29 thì cần phải đồng bộ những giải pháp nào cả trong ngắn hạn và lâu dài?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Thông tư 29 đã đưa ra những chủ trương khoa học, nhân văn nhằm giải quyết những tiêu cực của tình trạng lạm dụng dạy thêm, học thêm vốn tồn tại nhiều năm nay. Dù vậy, giữa mục tiêu lý tưởng và thực tế đang có những rào cản nhất định khi nền giáo dục của chúng ta lâu nay chưa hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực, khả năng sáng tạo cho từng học sinh một cách thực chất mà vẫn còn nặng nề về thi cử, điểm số. Thực tế này đòi hỏi cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ cả về trước mắt và lâu dài để quản lý việc dạy thêm, học thêm hiệu quả.

Trước hết, cần tiếp tục nâng cao năng lực, phương pháp giảng dạy của giáo viên, trách nhiệm của nhà giáo, phát huy năng lực tự học của học sinh và đổi mới kiểm tra đánh giá. Trong đó, việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên, đánh giá cuối kỳ, thi tuyển sinh phải phù hợp với nội dung, yêu cầu cần đạt của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; không đánh đố, không ra ngoài nội dung chương trình để đảm bảo học sinh học theo đúng chương trình, không cần học thêm vẫn sẽ vượt qua các kì kiểm tra, tuyển sinh; tăng cường liên thông giữa giáo dục phổ thông và giáo dục đại học, cụ thể như trong các bài kiểm tra năng lực đầu vào đại học sử dụng kiến thức phổ thông, không đánh đố...

Thứ hai là hiện nay vẫn tồn tại các loại hình trường học khác nhau, chất lượng các nhà trường không đồng đều, cơ sở vật chất nơi rộng rãi, nơi nhỏ hẹp, nơi được đầu tư, nơi còn hạn chế… do đó, phụ huynh luôn có nhu cầu chọn trường tốt cho con. Và dĩ nhiên, chọn trường tốt là nguyện vọng chính đáng của người dân, khó cấm cản. Khi đó, học sinh vẫn phải chạy theo các cuộc thi, điểm số tốt để đáp ứng điều kiện tuyển sinh đầu vào. Đặc biệt, ở các cấp học một số địa phương vẫn xảy ra tình trạng thiếu trường học, sĩ số học sinh/lớp cao cũng là nguyên nhân dẫn đến chất lượng giáo dục không như mong muốn. Học sinh thi THCS lên THPT vất vả, áp lực vì chỉ tiêu tuyển sinh trường công lập hạn chế trong khi học phí các trường tư thục thi nhau tăng, không ai kiểm soát.

Bài toán đặt ra là Bộ GD&ĐT cùng các tỉnh, thành phố cần có phương án để đảm bảo chất lượng giáo dục đồng đều ở các trường học, trong đó có cả điều kiện cơ sở vật chất. Các trường học được tự chủ, được quyền tuyển giáo viên, tự chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục, khi đó buộc nhà trường phải đổi mới sáng tạo, hướng đến giáo dục hội nhập, trường học hạnh phúc.

Thứ ba, bản thân phụ huynh học sinh cũng phải nhận thức được mục tiêu dạy học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là phát triển năng lực phẩm chất mà cụ thể hóa là khả năng tự học. Việc học thêm cần có thời hạn và giới hạn chứ không phải "ngày dài đêm thâu", từ cấp tiểu học lên đại học nhằm phục vụ những mục tiêu trước mắt như hiện nay mà bỏ quên mục tiêu lâu dài là hình thành thói quen, kỹ năng tự học và phát triển toàn diện cho học sinh.

Và cuối cùng là tiếp tục quan tâm xây dựng, hoàn thiện các chính sách phù hợp đối với nhà giáo, đảm bảo giáo viên phải sống được bằng lương để thầy cô yên tâm dạy học, không phải ngược xuôi, chân trong chân ngoài, dạy chính, dạy thêm.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Huyền Thanh / CAND