- Nga muốn lập khu phi quân sự ở Ukraine
- Thành viên NATO thừa nhận không còn vũ khí cung cấp cho Ukraine
Liệu F-16 có thể thay đổi tình hình khi được chuyển giao cho Ukraine, còn rất nhiều khó khăn mà giới chức Mỹ lo ngại khi đề cập đến viện trợ chiếc máy bay này.
Theo Insider, Ba Lan và Slovakia đang gửi các máy bay chiến đấu MiG-29 do Liên Xô thiết kế tới Ukraine, hứa hẹn sẽ giúp Kiev tăng cường sức mạnh không quân. Các nhà lãnh đạo Ukraine vẫn đang tìm kiếm các máy bay phản lực do phương Tây sản xuất, nhưng việc cung cấp những chiếc máy bay đó và việc sử dụng chúng sẽ đòi hỏi công tác huấn luyện và bảo dưỡng rất lớn. Bên cạnh đó, một số chuyên gia phương Tây cũng đưa ra nhận xét, những chiếc máy bay của Ukraine sẽ không thể cầm cự được lâu trước các máy bay và hệ thống phòng không của Nga.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda ngày 16/3 khẳng định rằng, Warsaw sẽ gửi khoảng hơn 10 chiếc MiG-29 tới Ukraine và 4 chiếc đầu tiên sẽ đến trong vài ngày tới. Một ngày sau, Slovakia cũng tuyên bố sẽ gửi 11 máy bay phản lực MiG-29. Những chiếc máy bay này đều đã bị loại khỏi biên chế và một số sẽ chỉ được sử dụng để lấy phụ tùng thay thế.
Những chiếc MiG-29 của Ba Lan và Slovakia sẽ giúp bổ sung vào phi đội của Ukraine. Phi công Ukraine rất quen thuộc với dòng máy bay này nhưng những chiếc MiG-29 viện trợ bị đánh giá kém hơn những chiếc MiG-29 hiện tại của Ukraine. Kiev tiếp tục thúc ép các nước phương Tây cung cấp máy bay phản lực, trong đó các quan chức Ukraine thường gợi ý đến máy bay F-16.
“Người Ukraine đã có lúc yêu cầu chúng tôi cung cấp tới 128 máy bay thế hệ thứ tư, bao gồm cả F-15, F-18 và F-16”, Colin Kahl, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách, nói với các nhà lập pháp hôm 28/2. Ông nói thêm rằng Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng đã thảo luận về máy bay phản lực trong chuyến thăm của ông Biden tới Kiev hôm 20/2.
Chính quyền Tổng thống Biden đã nhiều lần nói rằng họ không có kế hoạch cung cấp máy bay phản lực cho Ukraine. Các động thái khác cho thấy Mỹ đang cân nhắc điều gì sẽ xảy ra khi gửi máy bay tới Ukraine. Vào đầu tháng 3/2023, hai phi công Ukraine đã có mặt tại một căn cứ ở Tucson (Mỹ) để được đánh giá khả năng làm quen với máy bay của Mỹ, theo NBC News.
Một phi công rời khỏi chiếc F-16 của Không quân Ba Lan tại một căn cứ không quân ở Poznan vào tháng 11/2006.
F-16 chưa thể sẵn sàng tại Ukraine
Theo Tướng Mark Kelly, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Tác chiến Không quân, cơ quan tổ chức và huấn luyện các lực lượng sẵn sàng chiến đấu cho không quân Mỹ, việc gửi F-16 hoặc các máy bay phản lực khác do phương Tây thiết kế đến Ukraine sẽ đặt ra nhiều vấn đề hơn là mỗi việc đánh giá phi công.
Tướng Kelly đánh giá việc sử dụng F-16 sẽ cho phép các phi công Ukraine bay thường xuyên hơn, tiếp cận với nhiều loại vũ khí và cảm biến hiện đại hơn. Điều này giúp cho nhận thức của phi công tốt hơn và khả năng sống sót của phi công sẽ cao hơn.
Nhưng việc duy trì những lợi thế đó không chỉ đòi hỏi đào tạo chuyên sâu cho các phi công Ukraine mà còn phải đảm bảo các nguồn lực, từ phụ tùng thay thế đến không gian chứa máy bay.
Tướng Kelly cũng chỉ ra: “Nếu Mỹ hoặc một quốc gia NATO khác chọn cung cấp F-16 cho Ukraine, vậy họ sẽ sử dụng kho bảo dưỡng nào? Đó là công việc khó khăn. Có một kho ở Bỉ. Có một kho ở Ba Lan và họ phải có chỗ - giống như phòng khách sạn, bạn phải đặt trước để vào đó".
John Baum, thành viên thường trú cấp cao của Viện Nghiên cứu Hàng không vũ trụ Mitchell, nói rằng các sân bay Ukraine cũng cần được trang bị lại cơ sở vật chất để có thể thích hợp cho F-16 hoạt động.
John Baum cho hay, “Một chiếc máy bay do Mỹ sản xuất so với máy bay của Nga sẽ có những nhu cầu về thiết bị hỗ trợ mặt đất rất khác. Từ góc độ đào tạo nhân viên mặt đất cho đến việc phóng và thu hồi máy bay sẽ phức tạp hơn một chút".
Đáp ứng nhu cầu sân bay của F-16, bao gồm cả chiều dài đường băng có thể là một thách thức đối với Ukraine trong điều kiện quốc gia này đang phải vận hành máy bay của mình theo cách phân tán, thường là tại các căn cứ và đường băng hạn chế để tránh các cuộc không kích của Nga.
Các phi công Mỹ kiểm tra một chiếc F-16, tháng 11/2016.
Các máy bay F-16 viện trợ cho Ukraine cũng cần được kiểm tra theo giai đoạn định kỳ, thường là sau vài trăm giờ bay, đòi hỏi phải tháo rời máy bay và kiểm tra hoặc thay thế các bộ phận của nó. Đồng thời việc cung cấp phụ tùng bảo đảm cũng sẽ là một vấn đề lớn vì nó đòi hỏi phải có một chuỗi cung ứng liên tục, đặc biệt trong điều kiện việc bố trí máy bay phân tán thì các phụ tùng được chuyển kịp đến các kho sửa chữa sẽ là rất khó.
Việc tiến hành kiểm tra và sửa chữa trên diện rộng là một thách thức, vì Nga có khả năng tấn công các sân bay Ukraine. Bởi để có đủ không gian nhà chứa máy bay thực hiện việc tháo rời và bảo dưỡng F-16 cũng đòi hỏi cơ sở vật chất lớn và nó sẽ trở thành mục tiêu dễ dàng cho tên lửa Nga.
Baum cho biết thêm, sự hỗ trợ và cung cấp từ nhà sản xuất máy bay Lockheed Martin cũng sẽ rất quan trọng. Hiện công ty này đang phải dành thời gian và nguồn lực để hỗ trợ hơn hai chục quốc gia khác vận hành F-16. Trong điều kiện xung đột tại Ukraine, tập đoàn này cũng sẽ có những đòi hỏi cao hơn trong việc cung cấp dịch vụ bảo dưỡng hoặc đảm bảo bay cho F-16.
Một chiếc F-16C trong quá trình kiểm tra 300 giờ bay tại Sân bay Bagram ở Afghanistan vào tháng 8/2016.
Không thể thay đổi tình thế
Một quan chức Lầu Năm Góc tiết lộ, ngay cả làm việc với thời gian nhanh nhất để chuyển giao F-16 thì cũng phải mất khoảng thời gian tương đương với thời hạn huấn luyện cho các phi công điều khiển chiếc máy bay đó là 18 tháng.
Một số chuyên gia phân tích nhận định rằng việc mua máy bay, đào tạo phi công Ukraine và nhân viên bảo trì, sau đó chuyển giao máy bay cho Ukraine có thể sẽ là một kế hoạch từ 18 đến 24 tháng.
Quá trình đó có thể được rút ngắn bằng cách đưa máy bay F-16 tới Ukraine huấn luyện trực tiếp, nhưng các hoạt động dài hạn vẫn cần được đào tạo chuyên sâu và cung cấp vật tư liên tục.
Theo các chuyên gia, các phi công có kinh nghiệm sẽ cần ít nhất một chu kỳ huấn luyện kéo dài 4 tháng để bắt kịp tốc độ điều khiển F-16. Những người bảo trì có kinh nghiệm có thể sẽ cần một khoảng thời gian tương tự để làm quen với phần cứng riêng biệt và các thiết bị điện tử tiên tiến hơn của F-16. Những chiếc máy bay F-16 cũng có thể hoạt động từ những địa điểm khắc nghiệt hơn, tuy nhiên chỉ nên sử dụng trong những tình huống bất khả kháng.
Ngay cả khi Ukraine nhận được F-16 trong thời gian ngắn, thì những chiếc máy bay đó vẫn sẽ gặp phải thách thức lớn, đó chính là đối đầu với lực lượng không quân Nga với nhiều máy bay hiện đại hơn cùng các cảm biến và vũ khí tiên tiến hàng đầu thế giới.
"Cho dù đó là máy bay Rafale của Pháp, Eurofighter của châu Âu, F-16 hay bất kỳ máy bay thế hệ thứ tư nào, Lực lượng Không quân Nga vẫn sẽ chiếm ưu thế trong việc đối đầu với những chiếc máy bay này", Tướng Kelly cho biết vào ngày 7/3 vừa qua.
Bên cạnh đó, các máy bay F-16 của Ukraine cũng phải chống lại các vũ khí phòng không tiên tiến của Nga, những hệ thống phòng không này đã hạ gục hàng chục máy bay Ukraine và đang kiểm soát chặt chẽ không phận xung quanh chiến tuyến.
Tóm lại việc đưa một loại máy bay phương Tây vào tham chiến tại Ukraine không chỉ mỗi thách thức từ vấn đề ngoại giao mà còn có rất nhiều khó khăn trong công tác chuyển giao và liệu chúng có thay đổi được tình thế trước đối phương áp đảo về mọi mặt.
https://vtc.vn/quan-chuc-my-du-co-f-16-ukraine-van-lep-ve-truoc-khong-quan-nga-ar760584.html