Quan chức châu Âu đề xuất chuyển ngành công nghiệp vũ khí sang thời chiến

Theo Ủy ban Châu Âu, ngành công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu nên được chuyển sang trạng thái thời chiến để có thêm vũ khí viện trợ cho Ukraine.

Ngày 5/3, Reuters dẫn thông báo của Ủy ban châu Âu cho biết Liên minh châu Âu (EU) cần chuyển ngành công nghiệp vũ khí của khối sang thời chiến đáp ứng được nhu cầu vũ khí chưa từng có trong xung đột Nga - Ukraine.

Theo các quan chức EU, Thierry Breton - Ủy viên ngành công nghiệp châu Âu sẽ đưa ra các đề xuất nhằm khuyến khích các nước EU cùng nhau mua thêm vũ khí từ các công ty châu Âu và giúp các công ty này tăng năng lực sản xuất.

Ủy ban châu Âu cho rằng khối này cần chuyển ngành công nghiệp vũ khí của khối sang thời chiến đáp ứng được nhu cầu vũ khí chưa từng có trong xung đột Nga - Ukraine. (Ảnh: Reuters)

Ủy ban châu Âu cho rằng khối này cần chuyển ngành công nghiệp vũ khí của khối sang thời chiến đáp ứng được nhu cầu vũ khí chưa từng có trong xung đột Nga - Ukraine. (Ảnh: Reuters)

“Chúng ta cần thay đổi mô hình và chuyển sang chế độ kinh tế thời chiến. Điều này cũng có nghĩa là ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu phải chấp nhận nhiều rủi ro hơn với sự hỗ trợ của EU”, ông Breton nói.

Ông Breton cũng cho biết khả năng ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 là rất lớn. Điều này khiến nhiều quan chức EU đã đặt câu hỏi về các cam kết của Washington với NATO và châu Âu phải làm nhiều hơn để tự bảo vệ mình.

Breton nói: “Trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, châu Âu phải tự chịu trách nhiệm về an ninh của chính mình bất kể kết quả cuộc bầu cử ở Mỹ có kết quả như thế nào".

 

Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã thúc đẩy nhiều nước châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng. Tuy nhiên, các quan chức EU cho rằng những nỗ lực thuần túy của một vài quốc gia sẽ mang đến hiệu quả và EU phải đóng vai trò lớn hơn trong chính sách công nghiệp quốc phòng chung của khối.

Các nhà phân tích nói chiến tranh đã cho thấy ngành công nghiệp châu Âu chưa chuẩn bị tốt cho một số thách thức lớn, chẳng hạn như nhu cầu tăng đột ngột về số lượng lớn đạn pháo.

Các đề xuất của Breton bao gồm việc tạo ra một phiên bản châu Âu của chương trình bán hàng quân sự cho nước ngoài giống như Mỹ. Chương trình này giúp các chính phủ khác mua vũ khí từ các công ty vũ khí EU một cách đơn giản hơn.

Một đề xuất khác sẽ cho phép EU buộc các công ty vũ khí châu Âu ưu tiên các đơn đặt hàng của châu Âu trong thời kỳ khủng hoảng.

Để trở thành hiện thực, các đề xuất sẽ cần có sự chấp thuận của 27 chính phủ quốc gia EU vốn thường không muốn đụng chạm trong các vấn đề quốc phòng và quân sự và cả sự chấp thuận của Nghị viện châu Âu.

Các đề xuất này cũng sẽ được NATO nghiên cứu chặt chẽ. Tổ chức này cho biết họ hoan nghênh những nỗ lực của EU nhằm giúp đỡ quốc phòng châu Âu nhưng cảnh báo những nỗ lực này không được trùng lặp hoặc xung đột với công việc của liên minh xuyên Đại Tây Dương.

https://vtcnews.vn/quan-chuc-chau-au-de-xuat-chuyen-nganh-cong-nghiep-vu-khi-sang-thoi-chien-ar856832.html

Trà Khánh / VTC News