Quán ăn đường phố, trà đá, cà phê vỉa hè không được bán tại chỗ, dịch vụ làm đẹp, hớt tóc, gội đầu phải dừng để phòng dịch, theo yêu cầu của UBND TP HCM.
Quyết định trên được Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đưa ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo chống Covid-19 thành phố trưa 27/5. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh 12 giờ qua thành phố ghi nhận 25 ca nghi nhiễm liên quan ổ dịch tại điểm sinh hoạt của Hội thánh truyền giáo phục hưng ở đường Nguyễn Văn Công, quận Gò Vấp.
Quán ăn trên đường D5, quận Bình Thạnh, ngày 22/5. Ảnh: Hà An. |
Các nhà hàng trong khách sạn chỉ được phục vụ khách lưu trú tại đây. Nghi lễ tôn giáo và các sinh hoạt từ 10 người trở lên tại các cơ sở thờ tự phải dừng. "Địa phương nào để dịch lây mà liên quan dịch vụ thành phố đã yêu cầu dừng thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm", ông Phong nói.
Động thái lần này của người đứng đầu chính quyền thành phố cứng rắn hơn cách đây 5 hôm khi chỉ yêu cầu quán ăn nhỏ "dưới 10 lao động" không được phục vụ tại chỗ. Còn các quán ăn có trên 10 lao động, nhà hàng trong khách sạn vẫn được phục vụ khách với điều kiện không quá 20 người cùng lúc. Các lễ hội, hội nghị, hội thảo, nghi lễ dưới 30 người vẫn được hoạt động.
Về vấn đề giãn cách xã hội, lần này người đứng đầu chính quyền thành phố giao Sở Y tế tham mưu quyết định phạm vi và thời gian thực hiện ở những khu vực có nguy cơ cao như nơi ở, nơi làm việc của các ca F0.
Theo ông Phong, khả năng đợt dịch này kéo dài hơn các đợt trước. Không loại trừ F0 còn ở cộng đồng vì chuỗi lây nhiễm ở hẻm 257 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 và ở điểm sinh hoạt của Hội thánh truyền giáo Phục hưng vẫn chưa tìm được nguồn lây. "Ngành y tế thành phố cố gắng sớm tìm ra nguồn lây của điểm sinh hoạt tôn giáo này", ông Phong nói.
Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng yêu cầu các quận huyện, đơn vị thực hiện nghiêm chế độ trực 24/24 tại đơn vị, bảo đảm thông tin thông suốt giữa các cấp theo phương châm 5 tại chỗ.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp trưa 27/5. Ảnh: Trung tâm Báo chí TP HCM. |
"Trung tâm chỉ huy chống dịch Covid-19 phải hoạt động 24/24. Các cơ quan đơn vị mỗi ngày lập danh sách cụ thể người đã đến trụ sở để phục vụ cho việc truy vết", ông nói.
Ông Phong cũng yêu cầu tổ chức giãn cách mật độ mua sắm, không tập trung đông người tại các trung tâm thương mại, chợ đêm, chợ truyền thống, chợ đầu mối... Các cơ quan đơn vị đẩy mạnh công tác hậu kiểm trong công tác phòng chống dịch ở các điểm nguy cơ mà ngành y tế xác định như: chợ truyền thống, chung cư, nhà trọ, nhà ga, bến xe, trước cổng bệnh viện...
Trước đó, Bí thư Thành uỷ thành phố Nguyễn Văn Nên nói rằng điểm sinh hoạt của Hội thánh truyền giáo phục hưng là ổ dịch lớn, bùng phát nhanh, lây lan rộng ra cộng đồng nên cần có biện pháp mạnh tương xứng để phòng chống dịch.
"Phương án trước đây chúng ta phát hiện tới đâu giãn cách tới đó và phong toả ở mức độ hẹp. Đến giờ này chưa nắm chắc được nguồn lây và mức độ lây lan tới đâu nên cần tính toán trừ hao phạm vi rộng hơn rồi thu hẹp dần. Cần hạn chế tối đa thiệt hại, ảnh hưởng người dân khi không thật sự cần thiết", ông Nên nói.
Người đứng đầu Thành uỷ thành phố cũng yêu cầu ngành y tế tổ chức xét nghiệm rộng theo tinh thần "chặn đầu trước" vì có những nơi có dịch mà cơ quan chức năng chưa nắm do các ca F1, F2 nhiều.
"Người dân cần bình tĩnh, cảnh giác cao độ nhưng không hoảng hốt, hợp tác cơ chức năng trong việc truy vết, khoanh vùng, cách ly phòng dịch", ông Nên nói, đồng thời yêu cầu chính quyền thành phố phải đặt nhiệm vụ chống dịch lên trên hết, nhất là người đứng đầu các cấp.
Hữu Công
"Ổ dịch hội truyền giáo có thể đã qua hai chu kỳ lây"
Giám đốc Sở Y tế TP HCM nhận định ổ dịch liên quan Hội thánh Truyền giáo Phục hưng có thể xuất hiện từ lâu, ... |
TP HCM phong toả 4 điểm liên quan chuỗi lây nhiễm mới
Điểm sinh hoạt Hội thánh truyền giáo phục hưng ở Gò Vấp, toà nhà ở Phú Nhuận và nhiều địa điểm khác bị phong toả, ... |