Hôm Vũ khai trương một quán cà phê Trung Nguyên trên đường Nguyễn Văn Chiêm ở TP HCM, tôi có tới và rất ngạc nhiên khi thấy trên cổng có dòng chữ khá là kiêu kỳ: “Hoan nghênh những người yêu và đam mê cà phê”.
Tại đây, khách đến uống cà phê sẽ được tận mắt nhìn thấy một chiếc máy pha cà phê hiện đại nhất Việt Nam, được thấy sự tài hoa của những nhân viên pha chế. Họ có thể vẽ nên một bông hoa trên ly cà phê trong vòng chục giây đồng hồ... và quan trọng là người uống sẽ được hiểu thêm về nghệ thuật rang xay, chế biến cà phê qua hàng chục loại rượu, loại bơ, sữa, hàng chục loại thảo dược, hương liệu được giới thiệu tại đây. Người đến uống có thể tham quan nơi trưng bày, hỏi chuyện các nhân viên phục vụ về bất cứ điều gì họ muốn biết về nghệ thuật chế biến cà phê.
Nhìn chiếc máy pha cà phê hiện đại có giá đến ngót 100 ngàn USD đều đặn rót ra những ly cà phê đều tăm tắp và sau đó được bàn tay tài hoa của người vẽ trang trí trên lớp bọt cà phê trắng ngà tôi thấy rất thích và bỗng nhiên, tôi nhớ đến nhà văn Nguyễn Tuân.
Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên - Đặng Lê Nguyên Vũ trong lần xuất hiện gần nhất |
Trong những tháng ngày Mỹ đánh phá miền Bắc, Cơ quan Hội Nhà văn sơ tán về quê tôi ở giáp Chùa Hương. Nhà tôi được chọn làm văn phòng của Hội và thế là tôi đã được may mắn biết mặt nhiều nhà văn mà sau này lớn lên, tôi mới biết giá trị của họ trong sự nghiệp văn học nước nhà.
Bác Nguyễn Tuân thì ít khi về nơi này, nhưng mỗi khi bác về là thế nào cũng có những cuộc rượu với các nhà văn như Nguyễn Đình Thi, Đoàn Giỏi, Võ Huy Tâm, Chế Lan Viên, Đỗ Quang Tiến... Nhưng tôi thích nhất là nhìn bác pha cà phê. Mỗi lần bác chuẩn bị pha cà phê, tôi được sai đi đun siêu nước. Khi nào thấy sôi phì phì thì gọi bác xuống kiểm tra... Bác đổ nước ra nền đất và nếu nghe kêu “lộp bộp" ấm áp là được, nếu vẫn kêu “bạch... bạch” thì phải đun lại. Rót nước vào chiếc phích Rạng Đông xong, bác mang lên nhà.
Với sự cẩn trọng lạ lùng, bác tự tay tráng phin, nhúng chiếc thìa bạc vào nước sôi. Rồi cũng thận trọng vô cùng, bác xúc cà phê trong chiếc lọ thủy tinh màu nâu có nút mài ra “đặt” vào phin... Bác đặt tấm chặn lên trên, thận trọng rót nước trong phích vào phin rất nhẹ và chỉ đủ ướt cà phê...
Chờ cho nước ngấm đều, bác mới cho thêm nước sôi vào rồi đặt tất cả vào chiếc bát “ô-tô” tráng men và lại đổ nước sôi cho gần ngập cốc... Rồi bác ngồi lặng lẽ ngắm nhìn từng giọt cà phê đen nhánh, đặc quánh thong thả buông xuống. Khi phin cà phê đã vơi nước đi được khoảng 1/3 thì bác bỏ ra, để chảy vào một chiếc cốc khác.
Thấy tôi nhìn có vẻ thắc mắc, bác bảo: “Nước cà phê càng về sau, càng có vị chua, cho nên không tham được...”. Bác pha thêm nước sôi vào ly cà phê kia, rồi trịnh trọng bỏ vào đó một viên đường Liên Xô (ngày ấy mà có được một viên đường “sản xuất tại CCCP” là quý hiếm lắm). Rồi vẫn với vẻ trầm tư, bác nhấp từng ngụm cà phê rất nhỏ và thi thoảng, chép chép miệng với vẻ hài lòng, gương mặt dãn ra, mãn nguyện. Những lúc đó, bác rất ghét sự ồn ào, vì vậy bọn trẻ con chúng tôi thường bị đuổi ra ngoài vườn...
Vũ “Trung Nguyên” lấy ra một hạt cà phê đã rang màu nâu sẫm đưa cho tôi xem, rồi hỏi: “Anh nhìn xem, hạt cà phê này giống cái gì trong con người chúng ta?”. Tôi ngắm nghía và chẳng thấy giống tay chân, đầu tóc, mắt mũi tí nào. Vũ cười và bảo: “Nó giống hai bán cầu não?”. Quả là hay, cái nhìn của Vũ thật là tinh tế và sâu sắc. Bởi hạt cà phê giống bán cầu đại não, uống cà phê thì sẽ kích thích cho não làm việc minh mẫn, tỉnh táo hơn.
Một cửa hàng cà phê Trung Nguyên |
Rồi Vũ nói một cách hào hứng về những ý tưởng mà anh đang thực hiện. Vũ muốn xây dựng một thương hiệu cà phê Việt nổi tiếng trên thế giới và xa hơn nữa, cà phê Việt Nam phải trở thành một thứ quyền lực mềm...
Anh hoàn toàn tin tưởng rằng, cà phê hạt của Việt Nam thuộc hàng tốt nhất thế giới, nếu được chế biến cà phê bằng công nghệ hàng đầu thế giới nhưng lại có bí quyết của phương Đông thì không có lý gì mà thương hiệu cà phê Việt không “thống trị” thế giới. Vấn đề là chúng ta tiếp cận thị trường thế giới ra sao và phải chế biến được nhiều loại cà phê phục vụ nhiều “gu” của người uống trên khắp quả đất.
Nghe Vũ nói mà trong lòng tôi cũng thấy băn khoăn. Mặc dù biết con người này có sức sáng tạo phi thường, có sự đam mê mãnh liệt với cà phê nhưng “đấu” nhau trên thương trường Việt Nam thì còn dễ, còn ra thế giới đâu có đùa? Trên thế giới đã có nhiều hãng cà phê danh tiếng, tung hoành trên thị trường cả trăm năm có lẻ...
Tôi hỏi Vũ rằng anh học ai, sách vở nào dạy làm kinh tế. Vũ trả lời thẳng thắn: “Tôi vốn học nghề y, cho nên chưa từng qua một trường lớp nào dạy làm kinh tế. Nhưng có hai người dạy tôi làm kinh tế đó là Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.
Nghe Vũ nói mà tôi ngạc nhiên hết sức. Dường như hiểu được sự khó hiểu của tôi, Vũ hỏi lại: “Anh có biết vì sao Việt Nam chúng ta, một nước nghèo, lạc hậu mà lại đánh thắng được Pháp và Mỹ không?”.
Rồi không đợi tôi trả lời, Vũ nói luôn rằng đó là vì chúng ta có nghệ thuật đánh du kích, có nghệ thuật chiến tranh nhân dân... Mà nghệ thuật đánh du kích thì Bác Hồ đã viết trong một tác phẩm “Nghệ thuật đánh du kích”; còn về chiến tranh nhân dân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã có nhiều tác phẩm, trong đó, tôi đọc nhiều nhất là bài giảng của Đại tướng tại Học viện Quân sự về “Nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân” vào năm 1970.
Sở dĩ tôi đọc những tác phẩm này là bởi vì tôi nghĩ thương trường cũng như chiến trường. Phải dám chấp nhận đối đầu nhưng cũng phải biết hợp tác, phải biết dùng mưu, dùng kế. Tôi bước vào kinh doanh cà phê khi trong tay hầu như không có gì. Khi mới bắt đầu, tôi phải “chiến đấu” với nhiều quán cà phê danh tiếng trên khắp đất nước; rồi khi bước ra thị truờng thế giới, tôi cũng phải đối đầu với nhiều hãng cà phê lớn. Lấy lực mà chọi nhau với họ là thua...
Cũng như trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, nếu lấy sức mạnh của vũ khí, của tiềm lực kinh tế, tài chính để đánh nhau thì sao chúng ta thắng được. Cho nên Đảng, Bác Hồ, Đại tướng mới tìm ra đối sách thích hợp là dùng chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân... Làm kinh tế cũng vậy, phải biết đi từ nhỏ đến lớn. Phải đi từ rừng xuống đồng bằng, từ nông thôn ra thành thị, từ rộng đến sâu... Và hiện nay, chúng tôi đang đi vào chiều sâu".
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ trong một lần gặp gỡ cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Rồi Vũ kể cho tôi nghe rằng trước kia, anh cũng từng viết thư tay cho nhiều người nổi tiếng, kêu gọi họ ủng hộ, và dùng cà phê Trung Nguyên là ủng hộ cho niềm kiêu hãnh của Việt Nam về cà phê.
Vũ cũng thẳng thắn nhận xét rằng nhiều doanh nhân Việt Nam lo tích lũy nhưng chưa có lòng khát khao chinh phục thế giới, chưa có “hệ tư tưởng doanh nhân Việt”, chưa biết phát huy tinh thần dân tộc, chính vì vậy mà nhiều khi cứ mắc bệnh “đau mắt đỏ”. Nhiều khi chính doanh nhân lại kìm hãm nhau. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chế độ, chính sách, thay đổi cơ chế, coi như đã trao gươm, súng cho doanh nhân xông lên chinh phục thế giới. Vấn đề bây giờ là tùy vào sức sáng tạo, lòng tự hào dân tộc của mỗi doanh nhân mà thôi.
Nghe anh tâm sự, tôi chợt nhớ đến trong một buổi trao đổi với một số doanh nhân khi đi tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang 5 nước ASEAN, tại khách sạn Hoàng Gia ở Brunei, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm nhận xét: “Doanh nhân Việt Nam vẫn có tư tưởng “ta tắm ao ta”, chưa dám mạnh dạn bơi ra biển lớn”.
Nào, các doanh nhân Việt Nam nghĩ sao về nhận xét này của Phó thủ tướng?
Vĩ thanh
Vũ “Trung Nguyên” có điên hay không?
Nếu như nhìn vào những gì Vũ “Trung Nguyên” đang hành xử, phát ngôn, kể cả câu “Qua đâu có tâm thần” thì dễ nghĩ rằng Vũ “Trung Nguyên” đang có một hệ thần kinh không bình thường.
Nhưng là người đã từng tiếp xúc với Vũ, và từng đàm đạo với Vũ khá nhiều trước đây thì tôi không lạ gì tư duy khác người của Vũ. Những ý tưởng và khát vọng của Vũ cũng không giống ai. Thậm chí đã có lúc tôi nghĩ Vũ là người mắc bệnh hoang tưởng!
Nhưng tất cả những chuyện của Vũ, theo tôi nghĩ, cần phải nhìn theo khía cạnh khác. Đó là: Tập đoàn cà phê Trung Nguyên đang hoạt động như thế nào? Nếu như kết quả sản xuất kinh doanh vẫn có lãi (có thể lãi ít hơn trước); vẫn nộp thuế đầy đủ; lương của người lao động vẫn đảm bảo; thương hiệu cà phê Trung Nguyên vẫn giữ uy tín thì không thể nói Vũ “Trung Nguyên” đang bị tâm thần.
Còn chuyện Vũ đưa ra những ý tưởng này, ý tưởng khác, thậm chí là tham vọng khổng lồ; thiết nghĩ đó cũng là chuyện bình thường và đừng nên quá soi mói vào lời ăn tiếng nói hoặc cách hành xử có phần lập dị ấy. Những doanh nhân thành đạt, trong mỗi con người của họ đều có chút “điên” – Bởi vì họ có những khát vọng, những ý tưởng không giống ai. Có những hành động, các bước đi táo tạo không theo một kiểu cách nào… Mà với những “người trần mắt thịt” như tôi, hoặc nhiều bạn, đều không dễ thông cảm.
Về việc Vũ đã thay đổi tính tình sau khi “nhập thất thiền định” 49 ngày, tôi nghĩ Vũ cũng không bị “tẩu hỏa nhập ma”. Với sự hiểu biết của mình, thì tôi cho rằng Vũ đang đi theo con đường truyền pháp của Mật tông. Mà đối với người theo Mật tông, thì nếu như đạt đến mức độ cao, đắc đạo là trên - họ có thể thông được với các bậc Giác Ngộ; dưới – họ cứu độ và thông hiểu chúng sinh.
Trong nhiều tông phái của Phật giáo, duy nhất chỉ có Mật tông là người tu hành có thể thành Bồ Tát ngay khi còn đang sống; và người theo Mật tông thì mục tiêu tối thượng là phải cứu độ chúng sinh bằng vật chất hoặc bằng dạy cho chúng sinh tư tưởng của Đức Phật. Người theo Mật tông là người “ mang tư tưởng Bồ Tát đi giữa đời thường”.
Một trong những nhà tu hành Mật tông mà suốt đời chỉ nghĩ cách làm lợi lạc cho cộng đồng, cho chúng sinh chính là Thượng tọa Thích Huệ Đăng.
Thượng tọa là người đã tu hành có thể nói là đắc đạo, nhưng bây giờ Thượng tọa mang những giáo lý của Mật tông ứng dụng vào cuộc sống và đã trở thành một nhà khoa học có tiếng với các bằng sáng chế về cấy mô sâm Ngọc Linh và phong lan. Thượng tọa làm ra viên sâm Ngọc Linh nhưng mục đích chỉ là để cứu độ chúng sinh mà không hề suy tính đến lợi nhuận. (Chuyện về Thượng tọa rất dài và chúng tôi sẽ có dịp đề cập tới bạn đọc trong một phóng sự khác).
Trở lại việc Đặng Lê Nguyên Vũ tu tập rồi thay đổi tính tình, thì theo tôi nghĩ không phải là thay đổi tính tình. Mà sau khi tu tập, Đặng Lê Nguyên Vũ đã phát triển những tư duy vốn có của mình lên một mức mới. Và để đạt được những mục tiêu của mình, Đặng Lê Nguyên Vũ sẵn sàng từ bỏ tất cả - hay buông bỏ tất cả những gì mà sẽ cản trở Vũ trên con đường đi tiếp.
Nếu hiểu được điều này thì chúng ta có thể thông cảm với Vũ “Trung Nguyên” hơn!
Nguyễn Như Phong
Quái kiệt trên cao nguyên (kỳ 3)
Để quảng bá thương hiệu, Vũ còn làm một việc bạo gan. Khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt lên Đắk Lắk công tác, Vũ dò ... |
Quái kiệt trên cao nguyên (kỳ 2)
Cũng giống như Đỗ Thành Trung ở Quảng Ninh, bước vào kinh doanh với hai bàn tay trắng, Đặng Lê Nguyên Vũ cũng đã có ... |
Quái kiệt trên cao nguyên
Tôi là người từng viết về con đường đưa hạt cà phê “lên một tầm cao mới” của Đặng Lê Nguyên Vũ qua phóng sự ... |