Quá trình Fauci thay đổi quan điểm về nguồn gốc Covid-19

Tiến sĩ Fauci được thông báo về những đặc điểm bất thường của nCoV có thể cho thấy khả năng "được thiết kế" trong phòng thí nghiệm từ tháng 2/2020.

Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID), đồng thời là người đứng đầu nhóm phản ứng Covid-19 của Nhà Trắng, trong cuộc phỏng vấn vào tháng trước thừa nhận ông "không bị thuyết phục" với giả thuyết nCoV phát triển tự nhiên và cho rằng cần làm nhiều hơn để điều tra nguồn gốc chính xác của nó.

"Tôi không bị thuyết phục bởi điều đó. Tôi nghĩ chúng ta nên tiếp tục điều tra những gì xảy ra ở Trung Quốc cho tới khi tìm ra khả năng tốt nhất", Fauci nói trong cuộc phỏng vấn tháng 5. "Chắc chắn những người điều tra có thể nói rằng virus xuất hiện từ động vật rồi lây sang người, nhưng nó có thể là một cái gì khác và chúng ta cần tìm hiểu điều đó".

Không lâu sau cuộc phỏng vấn, Washington Post và BuzzFeed công bố hàng loạt email riêng của tiến sĩ Fauci, cho thấy chuyên gia dịch tễ học hàng đầu nước Mỹ đã thay đổi quan điểm như thế nào về nguồn gốc Covid-19.

Ngày 1/2/2020, Kristian Andersen, nhà virus học tại Viện Nghiên cứu Scripps ở California, gửi email cho Fauci, thông báo rằng ông và các cộng sự đã "xem xét kỹ lưỡng tất cả trình tự gene để thấy rằng một số đặc điểm của nCoV có khả năng được tạo ra". Andersen nhận xét bộ gene của virus "không phù hợp" với thuyết tiến hóa.

Dù viết trong email cho Fauci như vậy, tiến sĩ Andersen sau đó đăng một bài viết trên tạp chí Nature, kết luận rằng ông không cho rằng bất kỳ kịch bản nào về việc virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là hợp lý. Bài viết ủng hộ quan điểm Covid-19 có nguồn gốc từ động vật và được trích dẫn rộng rãi sau đó để bác bỏ giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm trong những tháng đầu đại dịch. Fauci đã chia sẻ bài viết này.

Andersen ngày 6/3/2020 gửi email cho Fauci cùng Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) Francis Collins để "cảm ơn một lần nữa vì lời khuyên và khả năng lãnh đạo của các ông khi chúng tôi trình bày nghiên cứu về nguồn gốc SARS-CoV-2 cho Nature".

Hai ngày sau, Fauci trả lời email, cảm ơn Andersen và khen ngợi bài viết trên tạp chí Nature.

Quá trình Fauci thay đổi quan điểm về nguồn gốc Covid-19

Tiến sĩ Anthony Fauci tại cuộc họp báo về Covid-19 ở Nhà Trắng hồi tháng 4/2020. Ảnh: AP.

Bài viết thứ hai mà Fauci chia sẻ có tựa đề A Genomic Perspective on the Origin and Emergence of SARS-CoV-2, được đăng ngày 16/4/2020 trên trang web Science Direct, cho rằng "nCoV chắc chắn có nguồn gốc từ động vật". Tác giả của bài viết là Edward Holmes, nhà virus học tại Đại học Sydney, và Yong Zhen-Zhang của Trung tâm lâm sàng y tế cộng đồng Thượng Hải, người lãnh đạo nhóm nghiên cứu ban đầu giải trình và công bố bộ gene của nCoV. Nghiên cứu này được tài trợ một phần bởi Quỹ Khoa học Tự nhiên Quốc gia Trung Quốc và Dự án Quốc gia Đặc biệt về điều tra các nguồn lực cơ bản của Trung Quốc.

Fauci sau đó tiếp tục chia sẻ một tuyên bố của Holmes vào ngày 16/4 năm ngoái, một lần nữa bác bỏ khả năng nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ cũng nhiều lần chia sẻ bài báo của Jon Cohen trên tạp chí Science có tựa đề Khám phá bộ gene của virus corona để tìm manh mối về nguồn gốc của dịch bệnh, trong đó nghiêng về giả thuyết nCoV có nguồn gốc tự nhiên và loại trừ khả năng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Trong một tin nhắn của Peter Daszak, thành viên chủ chốt nhóm điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), gửi cho Fauci ngày 18/4/2020, ông than thở về việc trở thành "mục tiêu" của phóng viên Fox News và cảm ơn Fauci.

"Tôi chỉ muốn thay mặt các nhân viên và cộng tác viên của chúng tôi cảm ơn ông vì đã công khai nói rằng bằng chứng khoa học cho thấy virus có nguồn gốc tự nhiên từ dơi truyền sang người, chứ không phải thoát ra từ phòng thí nghiệm của Viện Virus học Vũ Hán", Daszak viết. "Tôi cho rằng những bình luận của ông rất dũng cảm và tiếng nói đáng tin cậy của ông sẽ giúp xua tan những lời đồn đại về nguồn gốc của virus. Khi đại dịch kết thúc, tôi mong được trực tiếp cảm ơn ông và nói rằng ý kiến của ông quan trọng như thế nào đối với tất cả chúng ta".

Fauci đã trả lời email vào ngày hôm sau, nói rằng "rất cám ơn vì những lời nói của ông. Trân trọng".

Tất cả những động thái và tuyên bố công khai của Fauci cho thấy nhà dịch tễ học này năm ngoái luôn ủng hộ giả thuyết nCoV có nguồn gốc tự nhiên, thay vì được tạo ra trong phòng thí nghiệm và bị rò rỉ ra ngoài.

Tuy nhiên, ở phía sau hậu trường, Fauci dường như cũng cảnh giác với giả thuyết đó. Trong một email gửi Phó giám đốc NIAID Hugh Auchincloss ngày 1/2/2020, Fauci đính kèm một công trình nghiên cứu năm 2015 mô tả cái gọi là nghiên cứu "thăm dò chức năng", thí nghiệm nhằm tăng khả năng lây nhiễm và mức độ nguy hiểm của virus phục vụ mục đích khoa học. "Hãy đọc bài báo này, anh sẽ có những nhiệm vụ phải hoàn thành trong hôm nay", Fauci viết.

Tuần trước, The Australian cho biết tiến sĩ Fauci từng ủng hộ tiến hành các thí nghiệm "thăm dò chức năng" gây tranh cãi mà một số nhà virus học nghi ngờ có thể khiến nCoV vô tình thoát khỏi phòng thí nghiệm Vũ Hán.

Fauci đã không cảnh báo cho các quan chức cấp cao của Nhà Trắng về nguy cơ của nghiên cứu "thăm dò chức năng" trước khi dỡ bỏ lệnh cấm vào năm 2017. Trước đó, vào tháng 10/2012, tiến sĩ Fauci từng thừa nhận nghiên cứu khoa học gây tranh cãi này có thể châm ngòi cho một đại dịch.

"Trong một tình huống khó xảy ra nhưng có thể hình dung được, điều gì sẽ diễn ra nếu nhà khoa học đó bị nhiễm virus, dẫn đến dịch bùng phát và cuối cùng gây ra đại dịch", Fauci viết, nhưng thêm rằng lợi ích của các thí nghiệm như vậy và kiến thức thu được lớn hơn rủi ro.

Cuộc tranh luận căng thẳng giữa Fauci và thượng nghị sĩ Cộng hòa Rand Paul trong phiên điều trần quốc hội hồi tháng 3 cũng xoay quanh giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Rand Paul cho rằng người đứng đầu NIAID đã tài trợ cho nghiên cứu "thăm dò chức năng" ở phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

Fauci khẳng định Viện Y tế Quốc gia Mỹ không tài trợ nghiên cứu "thăm dò chức năng" tại phòng thí nghiệm Vũ Hán, nhưng thừa nhận không thực sự biết phòng thí nghiệm ở Trung Quốc đã làm gì.

Một thông tin được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hồi tháng 1 dưới thời Trump cho biết các nhà nghiên cứu ở phòng thí nghiệm Vũ Hán đã tiến hành các thí nghiệm liên quan tới họ hàng di truyền gần nhất của nCoV, trong đó có nghiên cứu thăm dò chức năng. Báo cáo của tình báo Mỹ cho hay một số nhân viên phòng thí nghiệm Vũ Hán đã bị ốm với triệu chứng "giống như Covid-19" vào tháng 11/2019, trước khi dịch bùng phát ở thành phố này.

Quan chức chính quyền Donald Trump và Joe Biden đều cho rằng Trung Quốc đã ngăn chặn cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc nCoV. Cả hai chính quyền đều tỏ ra nghi ngờ về cách thức cuộc điều tra chung giữa Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thực hiện hồi đầu năm nay, trong đó cho rằng giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm "cực kỳ khó xảy ra" và nhiều khả năng nCoV lây từ động vật sang người.

Sự thay đổi quan điểm của Fauci về nguồn gốc Covid-19 diễn ra trong bối cảnh cộng đồng tình báo Mỹ tuần trước xác nhận ít nhất một trong 18 cơ quan tình báo nghiêng về giả thuyết virus thoát từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, trong khi hai cơ quan nghiêng về nguồn gốc tự nhiên.

Thông tin này được đưa ra sau khi Tổng thống Biden ngày 25/5 lệnh cơ quan tình báo Mỹ trong vòng 90 ngày trình báo cáo về nguồn gốc Covid-19, khiến giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm một lần nữa trở lại tâm điểm tranh luận.

Thanh Tâm (Theo Washington Examiner, The Australian)

Trung Quốc: Chính trị hóa đại dịch COVID-19 gây cản trở các cuộc điều tra Trung Quốc: Chính trị hóa đại dịch COVID-19 gây cản trở các cuộc điều tra
Chuyên gia WHO đề nghị Mỹ chia sẻ thông tin tình báo nguồn gốc COVID-19 Chuyên gia WHO đề nghị Mỹ chia sẻ thông tin tình báo nguồn gốc COVID-19
Nghiên cứu mới khẳng định nCoV từ phòng thí nghiệm Vũ Hán Nghiên cứu mới khẳng định nCoV từ phòng thí nghiệm Vũ Hán
/ vnexpress.net