Quá tải trường lớp, nỗi lo cũ trong năm học mới: Khổ trăm bề

Quy mô dân số tăng nhanh trong những năm qua khiến nhiều trường học quá tải, tỷ lệ học sinh trên lớp cao, có nơi lên tới gần 60 em/lớp. Thực trạng này đang tạo áp lực khiến nhiều địa phương, nhất là các thành phố lớn, nơi có mật độ dân cư đông, tỷ lệ dân số cơ học tăng nhanh trong khi tốc độ bổ sung trường lớp không theo kịp như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Tại nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội, nhất là các khu đô thị mới, đang "nóng" việc thiếu trường học chủ yếu là do thiếu chế tài khi thực hiện quy hoạch. Khi giao các chủ đầu tư khu đô thị, dường như chỉ tập trung xây dựng các hạng mục nhà chung cư, dịch vụ thương mại để sớm thu được lợi nhuận mà cố tình "quên" trách nhiệm xây trường.

tieu hoc linh dam.jpeg -0
Do số lượng học sinh đông, Trường Tiểu học Linh Đàm phải tổ chức cho các lớp nghỉ luân phiên vào các ngày trong tuần, học bù vào cuối tuần. Ảnh minh họa.

Học sinh ở Thủ đô phải nghỉ học luân phiên

Theo Thông tư về Điều lệ trường tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định, mỗi lớp học không quá 35 học sinh. Đối với cấp trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT), do đặc thù dạy theo từng môn và tiết học, một lớp không quá 45 học sinh. Tuy nhiên, thực tế những năm gần đây cho thấy, rất ít các trường ở Hà Nội thực hiện được quy định này.

Mặc dù trên địa bàn phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) hiện có 3 trường tiểu học công lập gồm Tiểu học Hoàng Liệt, Tiểu học Chu Văn An, Tiểu học Linh Đàm, song do quy mô dân số khu vực này đông, số trẻ trong độ tuổi đi học tăng nhanh nên đây vẫn luôn là khu vực "nóng" về tình trạng quá tải trường lớp. Năm học 2021-2022, Trường Tiểu học Hoàng Liệt có 43 lớp với 2.171 học sinh, trung bình 51 học sinh/lớp; Trường Tiểu học Chu Văn An có 55 lớp với 2.778 học sinh, trung bình 51 học sinh/lớp; Trường Tiểu học Linh Đàm có 43 lớp, 2.020 học sinh, trung bình 47 học sinh/lớp. Năm học 2022-2023, dự kiến sau tuyển sinh lớp 1 thì số học sinh của cả 3 trường tiểu học sẽ vào khoảng hơn 7.000 học sinh. Do số học sinh đông, thiếu phòng học 2 buổi/ngày nên nhiều trường đang phải tổ chức cho học sinh học luân phiên cả vào ngày nghỉ cuối tuần. Cùng với đó, một số trường phải tạm sử dụng các phòng chức năng (nhà thể chất, phòng đồ dùng, phòng hội đồng, phòng giáo dục nghệ thuật, phòng truyền thống, thư viện…) làm phòng học.

Tại Trường Tiểu học Linh Đàm, quận Hoàng Mai (Hà Nội), do không đủ phòng học 2 buổi/ngày nên các khối từ lớp 2, lớp 3 và lớp 4, lớp 5 đều phải luân phiên nghỉ 1 ngày trong tuần rồi học bù vào thứ 7. Chị Nguyễn Lê Mai, sống ở Tòa nhà HH2A Linh Đàm cho biết: "Những ngày cuối tuần, cả gia đình muốn đi chơi đâu đó cũng khó vì cô con gái đang học lớp 4 phải đi học bù. Trong khi đó, những ngày trong tuần, bố mẹ đi làm, con lại phải nghỉ học ở nhà. Không có ông bà ở cùng, gửi ở nhà cô giáo hoặc một số nhóm lớp thì tốn kém, không đủ kinh phí nên nhiều gia đình trẻ phải phân công bố hoặc mẹ luân phiên nghỉ ở nhà trông con hoặc cho con đi làm cùng. Mọi sinh hoạt đảo lộn hết, vất vả, khổ sở vô cùng".

Thừa nhận việc học luân phiên đang gây ra những khó khăn nhất định cho cả học sinh và phụ huynh, cô Trần Thị H, giáo viên chủ nhiệm lớp 3A cho biết: "Thời gian đầu, khi nhà trường thông báo sẽ phải học luân phiên cho các em, nhiều phụ huynh đã tỏ ý lo ngại và muốn chuyển lớp cho các con vì không phải ai cũng có thời gian ở nhà để trông các cháu. Nhà trường đã kiên trì làm công tác tư tưởng rất nhiều mới thuyết phục, tìm được sự chia sẻ, đồng cảm từ phụ huynh". Còn theo bà Đàm Thục Hạnh, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai, do dân số tăng quá nhanh nên việc xây trường mới không đủ để đáp ứng. Hiện nhiều trường trong quận đang phải tổ chức cho học sinh học luân phiên cả vào ngày nghỉ cuối tuần. Một số trường phải tạm sử dụng các phòng chức năng làm phòng học.

Điều đáng nói là tình trạng thiếu phòng học dẫn đến một số lớp phải học luân phiên không chỉ diễn ra ở một số quận nội thành, nơi có mật độ dân cư cao, tốc độ dân số tăng nhanh mà còn xảy ra cả ở một số huyện ngoại thành. Đơn cử như tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, cả Trường Tiểu học Thanh Liệt và Trường Tiểu học Phạm Tu đều phải bố trí cho học sinh một số khối lớp nghỉ luân phiên vào các ngày trong tuần và học bù vào ngày thứ 7. Bà Trần Thị Loan, Hiệu trưởng Tiểu học Thanh Liệt cho biết: Do số lượng học sinh trên địa bàn tăng nhanh trong khi số lượng phòng học không được bổ sung thêm. Hiện trường thiếu một số phòng học để học 2 buổi 1 ngày nên các khối lớp 3, 4 và 5, mỗi lớp phải nghỉ học luân phiên 1 ngày trong tuần rồi học bù vào ngày thứ 7. Nhà trường đã đề xuất UBND huyện Thanh Trì cho phép sửa chữa, cải tạo cơ sở hiện có bằng cách nâng dãy nhà 2 tầng lên thành 3 tầng để có đủ phòng học cho tất cả các khối lớp được học 2 buổi/ngày vào tất cả các ngày trong tuần. Về lâu dài, UBND huyện Thanh Trì cũng đã có chủ trương xây dựng thêm 1 Trường tiểu học trên địa bàn xã Thanh Liệt vào năm 2024 để giảm tải cho các trường trên địa bàn khi mà số lượng học sinh đang có xu hướng tăng nhanh do tình trạng di dân cơ học.

Những lớp học bị "nhồi nhét" sĩ số

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, sĩ số học sinh tiểu học/lớp trung bình khoảng 42 em. Tuy nhiên, tại một số quận nội thành có quy mô dân số đông, tốc độ đô thị hoá cao luôn xảy ra tình trạng sĩ số gần 50 học sinh/lớp, cá biệt có trường gần 60 học sinh/lớp. Thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2022-2023, thành phố có 2.835 trường, trên 70.000 lớp học với trên 2,2 triệu học sinh các cấp mầm non, phổ thông. Trong năm 2022, Hà Nội đã xây dựng thêm 51 phòng học mới, với kinh phí trên 2.800 tỉ đồng; cải tạo, sửa chữa 605 trường học, với kinh phí trên 5.000 tỉ đồng. Mặc dù vậy, năm học 2022 - 2023, tình trạng quá tải trường lớp cục bộ vẫn diễn ra ở nhiều địa bàn tại Hà Nội, đặc biệt ở một số quận, huyện đang có tốc độ đô thị hóa mạnh, tập trung nhiều chung cư cao tầng. Đơn cử như tại quận Hoàng Mai, một trong những quận tại Hà Nội đang phải đối diện với áp lực lớn về trường, lớp khi có 227 nhà chung cư cao tầng mới được xây dựng và 202 khu nhà chung cư cũ. Dân số Hoàng Mai đông nhất trong các quận, huyện tại Hà Nội với gần 538.000 người, mật độ gần 13.000 người/km2. Hiện trên địa bàn quận có 89 trường (mầm non 48, tiểu học 23, THCS 18) với 2.048 lớp học. Tổng số học sinh là hơn 98.500, trong đó hơn 79.600 học sinh học công lập, tăng gần 3.800 so với năm ngoái. Với tổng số học sinh mầm non, tiểu học và THCS công lập năm học mới như trên, nếu chiếu theo quy định về sĩ số học sinh trong điều lệ của Bộ GD&ĐT là 35 em/lớp thì quận Hoàng Mai còn thiếu khoảng 36 trường (mầm non 22, tiểu học 13 và THCS 1).

Một số quận nội thành khác như Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Đống Đa, Ba Đình, Tây Hồ cũng đều "vượt khung" sỹ số quy định, trong đó, riêng quận Thanh Xuân và Hà Đông, ở bậc tiểu học có trung bình khoảng 49,79 học sinh trên/lớp. Tại các khu vực ngoại thành, có 5 huyện, thị xã cũng có số học sinh tiểu học vượt khung (trên 40 học sinh/lớp) gồm: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Sơn Tây và Chương Mỹ. Ông Phạm Văn Ngát, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì nhận định: Nhìn chung tốc độ đô thị hoá nhanh, kéo theo tình trạng dân số cơ học tăng mạnh là nguyên nhân chính khiến cho hệ thống trường công bị quá tải bên cạnh các áp lực khác lên quy mô hạ tầng, xã hội. Tại huyện Thanh Trì, hiện một số trường THCS trên địa bàn cũng phải sử dụng các phòng bộ môn, chức năng để làm phòng học nhằm đảm bảo sĩ số học sinh 45 em/lớp theo đúng quy định. Ở cấp tiểu học, huyện Thanh Trì cũng đang gặp áp lực với số học sinh lớp 1 khi toàn huyện có 21 trường tiểu học có 36-50 học sinh/lớp. Trong đó, Trường Tiểu học Tứ Hiệp có trên 50 học sinh/lớp, Trường Tiểu học Thanh Liệt có 47 học sinh/lớp và chỉ có 3 trường tiểu học đạt chuẩn 35 học sinh/lớp.

Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, để khắc phục tình trạng một số lớp, một số trường do thiếu phòng học 2 buổi/ngày phải tổ chức nghỉ học luân phiên, trước mắt Sở GD&ĐT đã yêu cầu phòng GD&ĐT các quận - huyện và nhà trường bố trí việc giảng dạy, học tập luân phiên một cách khoa học, hợp lý giữa các khối lớp, bảo đảm chất lượng giảng dạy và an toàn cho học sinh. Về lâu dài, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục tham mưu với các cấp lãnh đạo thành phố, các quận, huyện tăng cường thêm cơ sở vật chất, đảm bảo lộ trình đến năm 2030, mỗi lớp sẽ có một phòng học. Đối với các khu chung cư, khu đô thị mới, Sở GD&ĐT cũng đang và sẽ tiếp tục tham mưu với UBND thành phố, các quận, huyện chú trọng chỉ đạo khi xây dựng các khu chung cư thì phải tạo điều kiện tốt nhất cho việc xây dựng các trường tiểu học công lập để đáp ứng nhu cầu của các hộ dân sinh sống trên địa bàn.

https://cand.com.vn/giao-duc/qua-tai-truong-lop-noi-lo-cu-trong-nam-hoc-moi-kho-tram-be-bai-1--i667920/

Huyền Thanh - Phan Hoạt / Công an nhân dân