Theo Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)-2016 do VCCI công bố đầu năm nay, trung bình có khoảng 66% số DN cho biết thường xuyên chi trả các khoản không chính thức (tức cao hơn 12 - 15 điểm phần trăm so với giai đoạn 2008 - 2013) và chúng chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ (cao hơn hẳn mức 6-8% giai đoạn 5 năm kể từ 2014 trở về trước). Đặc biệt, 59% các DN tin rằng hành vi chủ động đưa quà cáp dù không bị đòi hỏi này là phổ biến, trở thành “luật bất thành văn”.
Ảnh minh hoạ. |
Hơn nữa, gần 80% số DN trả lời việc đưa quà là nhằm tạo lập mối quan hệ, như một “hợp đồng bảo hiểm” cho những rắc rối và được tạo thuận lợi giải quyết các vụ việc nảy sinh trong tương lai. Điều này thấy rõ qua Báo cáo khi mà có tới 88% số DN ít nhiều đều gặp bất lợi khi tham gia đấu thầu các hợp đồng với cơ quan nhà nước do không “bôi trơn”…
Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - Bộ KHĐT đối với 2.600 doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, ngoài quốc doanh hoat động trong lĩnh vực chế biến, sản xuất tại 10 địa phương năm 2016, có hơn 40% DN vừa và nhỏ phải chấp nhận những khoản chi không chính thức cho các cơ quan quản lý nhà nước (có giảm so với 64% năm 2015).
Khi xu hướng coi việc đưa (bị động bắt buộc hoặc chủ động không bắt buộc) và liên tục gia tăng mức “chi phí không chính thức” để “bôi trơn thủ tục” được “mặc định” như một phần tất yếu của cuộc sống DN và các quan hệ xã hội thì độ “ô nhiễm môi trường” đầu tư và tâm lý xã hội ngày càng đậm đặc và tiêu cực. Bởi chúng không chỉ làm cản trở cạnh tranh lành mạnh, tăng chi phí sản xuất và giảm bớt lợi nhuận của DN, mà còn tạo kẽ hở cho thất thu NSNN vì áp thuế sai hoặc bỏ qua những sai phạm của DN, gây hại cho Nhà nước, thị trường và xã hội; Hơn nữa, chúng còn tiếp tay cho các hành vi tiêu cực và vi phạm pháp luật khác, cản trở việc lựa chọn được nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất, dẫn đến chi phí cao hơn và chất lượng kém hơn trong sản xuất - kinh doanh, đầu tư công và đầu tư xã hội.
Những chi phí “bôi trơn” có thể giúp một số DN đẩy nhanh thủ tục hoặc có được những lợi thế nào đó, nhưng về tổng thể, chúng làm tăng gánh nặng chi phí của DN, làm chậm hoặc cản trở dòng vốn đầu tư, làm mất cạnh tranh lành mạnh và lệch lạc trong phân bổ nguồn lực, gây thiệt hại chung cho xã hội. Mức độ các chi phí không chính thức tỉ lệ thuận với năng lực gây nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp của một số cán bộ, và cả với sự chủ động mặc cả của chính DN để “tiết kiệm” một phần nghĩa vụ nộp thuế hoặc thời gian xếp hàng làm thủ tục, thậm chí để dễ “chen ngang”, vượt lên chiếm lợi thế với đối thủ của mình. Mức độ chi phí bôi trơn chính là thước đo mức độ nghiêm trọng của tham nhũng, cũng như là bằng chứng cho thấy sự bất lực, kém năng lực, hiệu lực và hiệu quả của quản lý nhà nước nói chung, công cuộc chống tham nhũng nói riêng. Những chi phí không chính thức chỉ có thể bị loại bỏ bằng những biện pháp chính thức đồng bộ và nhất quán… Hơn nữa, chi phí không chính thức còn là biểu hiện chính thức của tham nhũng.
Các hoạt động quản lý nhà nước đối với các DN cần tuân thủ các nguyên tắc, cam kết hội nhập và thông lệ quốc tế; giảm nhẹ gánh nặng chi phí về thể chế, tài chính và chi phí vốn, đảm bảo sự bình đẳng về pháp luật và điều kiện tiếp cận, sử dụng các yếu tố đầu vào, đầu ra của DN trong sự cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật và nguyên tắc thị trường; xây dựng, triển khai các công cụ quản lý và hỗ trợ mới, chuyển từ mục đích “quản chặt” sang “hỗ trợ” DN bằng định hướng chính sách, thông tin thị trường và những khuyến khích tài chính, tinh thần theo ngành, sản phẩm, địa bàn..., chứ không theo từng DN, dự án cụ thể hoặc tính chất sở hữu.
Đặc biệt, cần tập trung và kiên quyết chống những biểu hiện tham nhũng trong công tác cán bộ; tăng cường cụ thể hóa, minh bạch và quy chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa và đề cao trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu đơn vị quản lý nhà nước đối với DN; thường xuyên phát hiện, xử lý, loại bỏ kịp thời những cán bộ đòi và nhận “bôi trơn - tham nhũng”, suy thoái đạo đức, vô trách nhiệm, mất uy tín và trở thành lực cản phát triển của DN và đất nước; Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát, thực hiện công khai, minh bạch, ngăn chặn, hạn chế mặt tiêu cực, nhất là phòng, chống mọi biểu hiện của “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, quan hệ “lợi ích nhóm”, thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính.
Xóa bỏ những thể chế kìm hãm DN, điều chỉnh những thể chế làm lệch lạc, lãng phí các nguồn lực DN, lấp đầy những “khoảng trống thể chế” cần thiết để loại bỏ tình trạng phí bôi trơn được mặc định, hỗ trợ DN phát triển lành mạnh là một yêu cầu tất yếu của thời kỳ chuyển mình hội nhập cùng thế giới.
Truy tìm nguyên nhân tảo xanh Hồ Gươm bất ngờ... biến mất
Theo chuyên gia sinh thái học, sự “biến mất” của loài tảo xanh ở Hồ Gươm xuất phát từ ô nhiễm nước, việc phục hồi ... |
Doanh nghiệp nói không với hối lộ - khó nhưng phải làm
Tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 18.11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cộng đồng doanh nghiệp (DN) nói không ... |
Ý kép của Thủ tướng khi đề nghị doanh nghiệp tư nhân nói không với hối lộ là gì?
Đánh giá về chất lượng trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chiều nay (18.11), các đại biểu Quốc hội ... |
(https://laodong.vn/kinh-te/qua-bieu-va-phi-boi-tron-mac-dinh-577087.ldo)