Phụ huynh và Trường Gateway liên lạc với nhau thế nào?

Mọi thông tin về tình hình của học sinh hàng ngày ở trường được thông báo qua ứng dụng trên điện thoại và email.

Ngày 7/8, một ngày sau vụ học sinh Lê Hoàng Long (6 tuổi, học lớp 1 Tokyo trường Phổ thông liên cấp Gateway) tử vong vì bị bỏ quên 9 tiếng trên ôtô đưa đón, anh Trương Tất Thành, Hội trưởng phụ huynh lớp 1 Tokyo, đã tới trường để tham dự cuộc họp đột xuất.

Anh Thành chia sẻ không chỉ anh mà phụ huynh của 17 học sinh trong lớp đều không hài lòng với cách nhà trường kết nối, trao đổi. "Từ hôm thứ hai (5/8) khi đưa con đến nhận lớp, tôi đã gặp giáo viên chủ nhiệm và xin số điện thoại, nhưng không được bởi nguyên tắc của trường là không cho", anh Thành nói.

Tại buổi gặp gỡ đầu tiên, nhà trường chiếu trên máy ứng dụng quản lý thông tin học sinh để phụ huynh tải về điện thoại và theo dõi, đồng thời cho biết thông tin ở trường sẽ được đăng tải trên ứng dụng này và email tới phụ huynh.

Ngay khi biết cách thức liên lạc của trường, một phụ huynh lớn tuổi nói không dùng email cũng không dùng smartphone thì làm sao biết thông tin của con. Anh Thành cũng nêu ý kiến như vậy, nhưng nhà trường không trả lời được.

"Con mình được gửi gắm vào đây thì mình phải được trao đổi và có sự kết nối trực tiếp với giáo viên, chứ không thể để xảy ra tình trạng thiếu một cháu cả ngày nhà trường không thông tin gì đến phụ huynh", anh Thành nói và mong muốn trường Gateway thay đổi cách thức liên hệ, cho phép cha mẹ học sinh được điện thoại với giáo viên chủ nhiệm.

Ứng dụng của trường được phụ huynh lớp 1 tải về hôm nhận lớp 5/8. Ảnh: Dương Tâm

Có con học lớp 5, chị Phạm Thị Miên khẳng định việc liên hệ với trường hoàn toàn không thông qua giáo viên chủ nhiệm, mọi việc đều qua phòng hành chính. "Điều này cũng hợp lý bởi giáo viên nên được tạo điều kiện tập trung vào chuyên môn giảng dạy. Tuy nhiên, khi đã để phòng hành chính làm, nhà trường cần đảm bảo không để gián đoạn trong việc thông tin", chị Miên nói.

Một phụ huynh có con học lớp 1 cho biết nhà trường giới thiệu phần mềm quản lý thông tin học sinh, nhưng rất hạn chế. "Tôi mới sử dụng ứng dụng này, nhưng ngoài thực đơn hàng ngày thì chưa xem được thông tin gì", chị này nói.

Báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy cũng cho thấy giáo viên chủ nhiệm không trực tiếp liên hệ với cha mẹ học sinh. Cô Nguyễn Thị Thủy, chủ nhiệm lớp 1 Tokyo, điểm danh học sinh lúc 7h50 ngày 6/8 và nhập thông tin vào phần mềm Sycamore thông báo một học sinh vắng mặt, tuy nhiên nhà trường không thông báo cho phụ huynh.

Có mặt tại Bệnh viện E Hà Nội cùng gia đình nạn nhân tối 6/8, bà Trần Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Gateway, cũng nói cô chủ nhiệm điểm danh phát hiện vắng cháu Long nên báo cho hệ thống quản trị nhà trường, nhưng "cô phụ trách gọi điện cho phụ huynh lại nghỉ phép nên xảy ra bất cẩn".

Đánh giá sự kết nối của nhà trường với phụ huynh, trong cuộc họp báo trưa 7/8, ông Phạm Xuân Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy, nói nguyên tắc khi học sinh vắng mặt nhà trường phải thông báo với phụ huynh. Có trường dùng điện thoại, nhắn tin, "nhưng với Gateway thì có lẽ do phần mềm mới đưa vào hoạt động nên không thông tin kịp thời".

Hai ngày sau cái chết của học sinh Lê Hoàng Long, hoạt động tại trường Gateway (số 80 phố Khúc Thừa Dụ, Cầu Giấy, Hà Nội) diễn ra bình thường. Học sinh vẫn được đưa đón bằng xe Ford Transit, đi theo lối cổng phụ, cách cổng chính hơn 5 m. Số khác được cha mẹ chở đến theo lối cổng chính. Các cổng đều có bộ phận giám sát, đưa từng học sinh xuống xe.

Phía trường chưa trả lời về những vấn đề liên quan, như việc đưa đón, kết nối trường và phụ huynh... Trong thông cáo đăng trên website, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Gateway cho biết đã đình chỉ nhân sự liên quan phục vụ công tác điều tra; rà soát, thiết lập lại toàn bộ quy trình hoạt động của nhà trường, "đưa ra đối sách nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh".

 

Trường Gateway có trụ sở tại số 89 Khúc Thừa Dụ (phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) với tổng diện tích sử dụng lên tới 15.000 m2. Năm 2017, trường mở thêm cơ sở ở Hải Phòng. Một cơ sở khác của Gateway ở Tây Hồ Tây - Starlake mới được động thổ hôm 30/6/2019. Hệ thống trường này thuộc quản lý của Tập đoàn Edufit.

Trường Gateway cơ sở Cầu Giấy bắt đầu tuyển sinh năm 2015, có chương trình học bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Học phí bậc tiểu học năm học 2019-2020 gần 120 triệu đồng; bậc THCS hơn 140 triệu đồng. Mức này chưa bao gồm phí học liệu, tiền ăn, xe buýt và phí trông muộn.

 

Bé trai 6 tuổi chết trên ô tô trường Gateway: Làm gì để đảm bảo an toàn cho học sinh?
Trường Gateway Ấn Độ "mang vạ" khi bị dân mạng Việt chỉ trích
Những câu hỏi bỏ ngỏ vụ học sinh trường Gateway tử vong trên xe đưa đón
Khám nghiệm ô tô chở bé trai tử vong trong xe của trường Gateway
Bé trai trường Gateway đi học mặc áo đỏ, rời xe lại mặc áo trắng?

 

/ vnexpress.net