Phụ huynh Hà Nội "ngồi trên đống lửa" ngóng điểm chuẩn vào lớp 10 công lập

Nhiều phụ huynh ở Hà Nội "ngồi trên đống lửa" khi chờ Sở GD&ĐT công bố điểm trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập năm học 2021 - 2022.

Con gái đạt 48,25 điểm trong kỳ thi vào lớp 10 THPT, chị Trần Hồng Quỳnh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vừa mừng, vừa lo. Con chị đăng ký nguyện vọng 1 trường THPT Việt Đức và nguyện vọng 2 trường THPT công lập tự chủ tài chính Phan Huy Chú. Theo so sánh của chị, năm 2020 trường này có điểm trúng tuyển là 40, tức là 3 môn thi Toán, Ngữ Văn nhân hệ số 2, cộng điểm tiếng Anh, trung bình 8 điểm/môn thi. Còn năm nay, thí sinh thi 4 môn Toán và Ngữ văn nhân hệ số 2 cộng với điểm Tiếng Anh, Lịch sử.

Như vậy con chị khả năng đỗ vào trường khá cao. Tuy nhiên, vi phụ huynh lo lắng nếu không may mắn trường tăng điểm chuẩn so với năm 2019 (45,5 điểm) lên 3 đến 4 điểm do đề thi dễ thì con không đỗ.

Điều nữa khiến chị Quỳnh lo ngại là trường THPT Phan Huy Chú lấy điểm chuẩn khá cao mà chỉ tiêu tuyển ít (tuyển tổng 350 chỉ tiêu bao gồm: Xét theo học bạ 120 chỉ tiêu, xét theo điểm chuẩn 230 chỉ tiêu). Nếu không đỗ cả hai nguyện vọng thì con sẽ rất buồn và gia đình phải tính phương án chọn trường THPT tư thục khác.

Cả đêm qua, gia đình anh Trần Thái Tú (Long Biên, Hà Nội) không thể chợp mắt vì lo lắng kết quả thi của con. Con trai cả năm nay đạt 41,25 điểm, trong khi nguyện vọng 1 đăng ký vào trường THPT Nguyễn Gia Thiều (điểm chuẩn năm ngoái của trường này là 39,75, năm 2019 là 41,75 điểm). Với mức điểm này, anh Tú nhận định khả năng đỗ của con trai không cao. Bởi theo dự đoán mặt bằng chung các trường THPT năm nay đều sẽ tăng điểm chuẩn.

Anh Tú và gia đình đang "đặt ngôi sao hy vọng" vào nguyện vọng 2 trường THPT Cao Bá Quát (năm 2020 điểm chuẩn 35 điểm, năm 2019 là 37 điểm). Hy vọng năm nay trường không tăng quá nhiều điểm, trong trường hợp tăng từ 1 đến 2 điểm thì con anh vẫn sẽ còn cơ hội.

Dự kiến hôm nay (28/6), Sở GD&ĐT Hà Nội công bố điểm trúng tuyển. Vì vậy, không chỉ gia đình chị Quỳnh hay gia đình anh Tú mà các phụ huynh khác cũng cùng tâm trạng thấp thỏm, đứng ngồi không yên, mong ngóng thông tin điểm chuẩn vào các trường THPT mà con đăng ký nguyện vọng.

Phụ huynh Hà Nội 'ngồi trên đống lửa' ngóng điểm chuẩn vào lớp 10 công lập - 1
Phụ huynh chờ đón con tham gia thi vào lớp 10 THPT năm 2021.

Trong khi đó, nhiều gia đình con có điểm thi thấp hơn so với điểm chuẩn hai năm gần đây đã nhanh chóng tính đến việc nộp hồ sơ cho con vào các trường THPT tư thục, hoặc trung tâm, giáo dục thường xuyên trên địa bàn quận đang lưu trú.

Như chị Lê Thị Hồng (Thanh Xuân, Hà Nội). Dù con nộp nguyện vọng vào lớp 10 trường THPT Trần Hưng Đạo và THPT Đống Đa (điểm trúng tuyển các năm trước không cao) nhưng chị Hồng vẫn đăng ký thêm một vài trường tư thục đề phòng.

"Con tôi làm bài thi không tốt như kỳ vọng. Dự đoán điểm chuẩn năm nay tăng so với năm ngoái nên tôi tìm hiểu và đăng ký thêm nguyện vọng. Không may con trượt thì vẫn có thể theo học trường tư top đầu chất lượng tốt", chị Hồng nói.

Chị Ngô Thị Hương (Đống Đa, Hà Nội) tâm sự: "Con đi thi thấy đề dễ, làm bài tốt thì phụ huynh nào cũng mừng nhưng đi kèm với đó là lo lắng. Đề dễ là dễ chung, con nhà khác cũng làm được bài, thậm chí có thể làm tốt hơn con mình. Điểm chuẩn năm nay sẽ tăng, cuộc đua tranh suất vào lớp 10 chưa bao giờ giảm nhiệt".

Với suy nghĩ đó nên chị Hương cố gắng tìm kiếm thêm thông tin và nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào một số trường tư thục. Đồng thời, chị cũng thường xuyên làm công tác tâm lý để tránh trường hợp con bị sốc khi biết điểm chuẩn, không đỗ vào trường công lập như mong muốn.

Khi đăng ký nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường tư thục, thông thường phụ huynh phải nộp khoản phí ghi danh từ 1 đến 20 triệu đồng tuỳ trường. Chị Hương chấp nhận "khoản phí giữ chỗ" đó, để con có suất học ở trường tư top đầu.

/ vtc.vn