Phóng tên lửa qua Bình Nhưỡng, Triều Tiên thể hiện uy lực vũ khí mới

Triều Tiên sáng 6/8 phóng tên lửa đạn đạo qua bầu trời Bình Nhưỡng, cho thấy nước này tin tưởng tuyệt đối vào độ tin cậy của các quả đạn.

phong ten lua qua binh nhuong trieu tien the hien uy luc vu khi moi

Tên lửa đạn đạo Triều Tiên rời bệ phóng sáng 6/8. Ảnh: KCNA.

"Các tên lửa dẫn đường chiến thuật đã bay qua khu vực thủ đô và miền trung đất nước trước khi tiêu diệt chính xác mục tiêu trên các hòn đảo ở vùng biển phía đông", hãng thông tấn Triều Tiên KCNA hôm 7/8 ra thông cáo, đề cập tới vụ phóng tên lửa rạng sáng 6/8.

Hai quả đạn rời bệ phóng tại tỉnh Nam Hwanghae, tây nam Triều Tiên và bay được 450 km, đạt độ cao tối đa 37 km và tốc độ 8.500 km/h. Giới chuyên gia cho rằng vụ phóng cho thấy Triều Tiên đã hoàn tất quá trình phát triển tên lửa đạn đạo thế hệ mới, đặt ra thách thức an ninh mới cho khu vực và trên thế giới.

Hình ảnh do KCNA công bố cho thấy các quả đạn phóng hôm 6/8 giống với tên lửa đạn đạo tầm ngắn được Triều Tiên thử nghiệm hôm 25/7. Loại vũ khí này được phương Tây đặt tên mã KN-23, dường như là phiên bản sao chép tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander của Nga.

"Việc phóng thử tên lửa qua khu vực đông dân cư là hành động bất thường. Mục đích của đợt thử nghiệm này có thể nhằm kiểm tra độ tin cậy của vũ khí, đồng thời phô trương uy lực của nó. Nhiều khả năng loại tên lửa đạn đạo này sắp đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu toàn diện", Kim Dong-yup, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Hàn Quốc, nhận xét.

"Đợt thử nghiệm thành công thể hiện rõ ràng tính ổn định và năng lực tác chiến của vũ khí mới", KCNA cho biết. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trực tiếp giám sát và chỉ đạo vụ phóng tên lửa sáng 6/8, nhiều quan chức hàng đầu của Bình Nhưỡng cũng có mặt tại sở chỉ huy như Tổng tham mưu trưởng Ri Yong-gil và Thủ tướng Pak Pong-ju.

Tên lửa đạn đạo KN-23 lần đầu được Triều Tiên giới thiệu trong cuộc duyệt binh tại Bình Nhưỡng hồi tháng 2/2018. Đợt phóng đầu tiên diễn ra ngày 4/5 năm nay, chấm dứt 17 tháng nước này không thử tên lửa. Triều Tiên sau đó đã bắn thử thêm ít nhất ba lần vào ngày 9/5, 25/7 và 6/8 để đánh giá tầm bay cùng quỹ đạo vũ khí.

"Loạt thử nghiệm liên tục trong thời gian gần đây nhằm bảo đảm tên lửa đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu toàn diện", Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton phát biểu hôm 6/8.

Thông số chi tiết của hệ thống KN-23 vẫn được Bình Nhưỡng giữ bí mật, nhưng đợt thử gần đây cho thấy nó đủ sức bao trùm toàn bộ bán đảo Triều Tiên. "Các quả đạn đủ sức tấn công mục tiêu ở khoảng cách tới 700 km, con số này có thể thay đổi tùy theo khối lượng đầu đạn", giáo sư Kim cho hay.

Bãi phóng tên lửa tại tỉnh Nam Hwanghae chỉ cách sân bay quân sự Cheongju, nơi triển khai phi đội siêu tiêm kích F-35A của Hàn Quốc, khoảng 300 km. Trong khi đó, Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ đặt tại căn cứ Seongju cũng chỉ cách bệ phóng Triều Tiên gần 400 km.

"Việc phóng tên lửa từ phía tây, cách xa các bãi phóng ở bờ biển phía đông, cho thấy Triều Tiên đang phát ra những thông điệp răn đe cứng rắn tới Mỹ và Hàn Quốc", chuyên gia Kim Yeoul-soo tại Viện Quân sự Hàn Quốc nhận xét, cho biết các quả đạn KN-23 có thể vươn tới phần lớn lãnh thổ Nhật Bản nếu phóng từ thành phố Wonsan.

Triều Tiên đang biên chế số lượng lớn tên lửa đạn đạo Scud và Hwasong với tầm bắn 700 km, nhưng chúng có quỹ đạo đơn giản và dễ bị đánh chặn. Tên lửa đạn đạo KN-23 có quỹ đạo bay phức tạp, đủ sức xuyên thủng các lá chắn phòng không của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản hiện nay.

Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JSC) xác nhận các quả đạn Triều Tiên có quỹ đạo bất thường cùng khả năng cơ động bất ngờ trong giai đoạn lao tới mục tiêu để vô hiệu hóa radar và tên lửa đánh chặn của đối phương. Độ cao bay dưới 50 km cũng khiến KN-23 nằm ngoài khả năng đánh chặn của THAAD, vốn chuyên bắn hạ các tên lửa đạn đạo tầm xa có độ cao hành trình trên dưới 100 km.

"Hai quả đạn Triều Tiên phóng hôm 25/7 có quỹ đạo bất thường, không giống tên lửa đạn đạo thông thường. Nó có thể vươn tới lãnh thổ Nhật Bản và rất khó bị đánh chặn", quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản thừa nhận hôm 27/7, cho biết Tokyo sẽ hợp tác với Washington để nghiên cứu các phương án đối phó.

phong ten lua qua binh nhuong trieu tien the hien uy luc vu khi moi

Vị trí tỉnh Nam Hwanghae. Đồ họa: HRW.

phong ten lua qua binh nhuong trieu tien the hien uy luc vu khi moi Kim Jong-un nói phóng tên lửa để "cảnh báo thích đáng" Mỹ và Hàn Quốc

Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA hôm nay cho biết Kim Jong-un đã chứng kiến vụ phóng tên lửa ngày 6/8 nhằm cảnh báo Mỹ ...

phong ten lua qua binh nhuong trieu tien the hien uy luc vu khi moi Mỹ sẽ 'không phản ứng thái quá' sau loạt vụ phóng tên lửa của Triều Tiên

Mỹ hôm nay bày tỏ mong muốn duy trì đối thoại bất chấp 4 vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, nhấn mạnh đó chỉ ...

phong ten lua qua binh nhuong trieu tien the hien uy luc vu khi moi Triều Tiên phóng tên lửa, đe dọa có hướng đi mới khi Mỹ “mài sắc gươm”

Theo quân đội Hàn Quốc, Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa chưa xác định rõ ra biển ngoài khơi vùng bờ biển phía tây ...

Vũ Anh (Theo Yonhap)

/ https://vnexpress.net