Phòng ngừa viêm gan cấp tính “bí ẩn”?

Viêm gan cấp tính do virus “bí ẩn” xuất hiện ở trẻ em đã có mặt tại ít nhất 12 quốc gia trên thế giới, đặc biệt đã lây lan tới Đông Nam Á làm 3 trẻ tử vong. Tại Việt Nam chưa phát hiện trẻ mắc viêm gan cấp tính do virus “bí ẩn”, song nhiều phụ huynh khá lo lắng khi căn bệnh này đã gây ra 4 ca tử vong trên thế giới.

Viêm gan do virus "bí ẩn" có triệu chứng gì?

Chị Nguyễn Thu Hương, ở Quảng Ninh có con 3 tuổi bị sốt cao, buồn nôn, tiêu chảy mấy ngày nay, khi đọc được thông tin về bệnh viêm gan do virus "bí ẩn" đang xuất hiện trên thế giới, chị khá lo ngại cho con đi khám. Sau khi nhận được chẩn đoán của bác sĩ, chị thở phào vì con ch

img_6185.jpg -0
Phụ huynh nên theo dõi sát sức khỏe của con, nếu thấy có các triệu chứng của Adenovirus thì đưa con đến ngay cơ sở y tế.

ị không mắc căn bệnh bí ẩn trên.

 

Cùng lo lắng như chị Hương, nhiều phụ huynh có con bị sốt, tiêu chảy, buồn nôn cũng đã đưa con đi thăm khám hoặc gọi điện hỏi bác sĩ. Theo BS Ninh Văn Chủ, Giám đốc CDC Quảng Ninh, triệu chứng của viêm gan do virus “bí ẩn” gồm: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy nặng, sốt, vàng da, co giật, mất ý thức.

Nếu cha mẹ thấy trẻ có triệu chứng trên thì báo ngay với cơ quan y tế. Các ca viêm gan do virus "bí ẩn" khởi phát từ Anh, sau đó xuất hiện tại Mỹ, châu Âu và một số nước Đông Nam Á. Theo WHO, viêm gan cấp tính do virus “bí ấn” đã có ít nhất 228 trường hợp mắc bệnh trên toàn cầu, trong đó nhiều nhất là tại Anh với 114 ca; gây ra ít nhất 4 trẻ tử vong.

Tại Việt Nam, đến thời điểm này, theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, chưa phát hiện ca viêm gan cấp tính do virus “bí ẩn” gây ra. Bộ Y tế đang triển khai chủ động theo dõi sát sao và có biện pháp đáp ứng nhanh khi có ca bệnh xâm nhập.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết, một số triệu chứng của viêm gan do virus adenovirus là đau bụng dữ dội, sốt, nước tiểu sậm màu hay phân nhạt màu. Triệu chứng rõ nhất cần cảnh giác là vàng da hay vàng mắt. Phụ huynh theo dõi con, khi phát hiện triệu chứng nhiễm adenovirus thì phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất.

Làm thế nào để phòng ngừa?

Theo PGS. TS Đỗ Văn Dũng, căn nguyên nghi ngờ lớn nhất gây bệnh viêm gan cấp tính "bí ẩn" là Adenovirus - 1 họ virus phổ biến thường gây cảm lạnh thông thường với các triệu chứng giống như cúm, hoặc gây bệnh đường tiêu hóa như viêm dạ dày ruột cấp tính. Phần lớn trẻ mắc bệnh viêm gan bí ẩn đều có kết quả xét nghiệm nhiễm virus này.

Việc adenovirus gây viêm gan không mới. Trước đây đã từng có những trường hợp trẻ nhiễm virus này ở trẻ suy giảm miễn dịch. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ mắc cao hơn, gặp cả ở những trẻ khỏe mạnh.

Vậy, viêm gan cấp tính do virus “bí ẩn” có lây lan tới Việt Nam hay không? Theo các chuyên gia dịch tễ, nguy cơ lây nhiễm sang Việt Nam hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho rằng, virus Adenovirus gây viêm gan không mới, lây qua đường tiêu hóa, đường tiêm chích…nên phụ huynh không nên quá lo lắng.

Còn theo PGS Dũng, Adenovirus vừa lây theo đường hô hấp, đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp nên việc tuân thủ các biện pháp vệ sinh thông thường lây nhiễm theo đường hô hấp như đeo khẩu trang, không tụ tập, giữ khoảng cách là quan trọng. Gia đình cần hướng dẫn các con em tiếp tục giữ vệ sinh như rửa tay thường xuyên sau khi đi vệ sinh, không ăn uống chung.

Nhiều người cũng đặt câu hỏi, liệu viêm gan do virus bí ẩn có liên quan đến tiêm vaccine COVID-19 hay COVID-19 hay không? PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, cả hai vấn đề này đều không liên quan. Còn PGS Dũng cho rằng, hai bệnh lý này không có sự liên quan trực tiếp. Nhưng có nhiều yếu tố trong khi đại dịch chưa kết thúc mà người dân cần phải lưu ý.

Đó là, nhiều giả thuyết đưa ra, trong lúc COVID-19 phải giãn cách xã hội, người dân quan tâm tới phòng ngừa nên ít người mắc bệnh. Nhưng khi đã nới lỏng các biện pháp, các bệnh lây nhiễm sẽ tăng lên, những đứa trẻ không có miễn dịch chống Adenovirus sẽ bị yếu đi, khi nhiễm virus có thể gây ra tình trạng bệnh nặng hơn.

Thêm vào đó, sau COVID-19 nhiều người lơ là phòng bệnh. Người dân chỉ quan tâm các triệu chứng mất mùi, đau họng, sốt, khó thở mà quên đi triệu chứng khác. Thứ nữa, không liên quan trực tiếp tới COVID-19, nhưng khi đồng nhiễm COVID-19 với Adenovirus, virus này dễ đột biến hơn, chủng của nó độc tính hơn chứ không phải do nhiễm COVID-19 gây ra tình trạng nặng hơn.

PGS Dũng cho biết thêm, virus Adeno gây viêm gan là chủng của người còn virus Adeno của vaccine COVID-19 là chủng lấy từ hắc tinh tinh, đã được xử lý để không còn khả năng nhân bản (vaccine vector virus). Hai chủng virus này không liên quan nhau nên vaccine không thể là nguyên nhân gây bệnh gan cấp tính. Đặc biệt, trẻ em được tiêm vaccine COVID-19 mRNA, không phải vaccine vector virus.

Trong giai đoạn dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát, các phụ huynh nên cho con mình đi tiêm vaccine COVID-19. Trẻ tiêm chủng tốt có ưu điểm sẽ giảm sự đột biến của virus trong tương lai.

Hiện ở nước ngoài, phương pháp chẩn đoán và điều trị tốt nên trẻ ở tình trạng nặng, có thể được ghép gan sẽ qua được cơn nguy kịch. Những trường hợp nặng không được ghép gan đều tử vong. Vì vậy, việc phát hiện sớm triệu chứng rất có giá trị để can thiệp, điều trị cho trẻ.

Trưởng Khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, các chuyên gia dịch tễ nên giám sát Adenovirus để phát hiện ca mắc ban đầu và số ca mắc có tăng hay không.

Trẻ em nên tránh tiếp xúc với người bị bệnh, che miệng khi ho hay hắt hơi, tránh chạm vào mắt, mũi, miệng. Đặc biệt chú ý, khi trẻ có dấu hiệu vàng da hay đi tiểu sậm màu cần phải đến bệnh viện ngay. Các bậc phụ huynh theo dõi sát được triệu chứng của con mình sẽ giúp cho trẻ được phát hiện điều trị sớm và cũng cảnh báo sớm cho ngành Y tế triển khai các biện pháp dịch tễ kịp thời.

https://cand.com.vn/y-te/phong-ngua-viem-gan-cap-tinh-bi-an--i652651/

Trần Hằng / cand.com.vn