Người phát ngôn không quân Ukraine thừa nhận, các tên lửa Nga sử dụng trong các đợt không kích có khả năng thay đổi hành trình bay và rất khó đánh chặn.
Ngày 16/8, người phát ngôn không quân Ukraine Yury Ignat nói với truyền thông của Mỹ rằng, phòng không nước này ngày càng khó đánh chặn hoặc bắn hạ các tên lửa của Nga.
Cũng theo ông Ignat, các tên lửa Nga có khả năng thay đổi hành trình bay chỉ trong vài giây, chúng gần như như "vô hình" trước hệ thống radar cảnh giới của Ukraine.
“Quân đội Nga hiện sử dụng các chiến thuật không kích tinh vi hơn. Họ lên kế hoạch tấn công, lập trình đường đi tên lửa phức tạp để vượt qua hệ thống phòng không của chúng tôi", đại diện không quân Ukraine nhấn mạnh.
Ông Ignat giải thích rằng các tên lửa liên tục thay đổi đường bay là một bài toán khó, thậm chí tên lửa Nga còn đổi hướng bay đến ba lần trước khi chúng tập kích vào mục tiêu. Lính phòng không Ukraine còn không biết viết vào báo cáo thế nào khi mô tả đường bay của tên lửa Nga.
Trong một trường hợp như vậy, các tên lửa của Nga đã bay xa tới vùng Lviv phía tây của Ukraine trước khi quay trở lại và tấn công một sân bay quân sự ở vùng Khmelnitsky ở miền trugn Ukraine. Ngoài ra, tại một thời điểm nào đó, một tên lửa của Nga có thể biến mất khỏi màn hình radar và trở nên vô hình đối với các thiết bị cảnh giới trong một khoảng thời gan nhất định.
Theo người phát ngôn không quân Ukraine, máy bay không người lái của Nga cũng có chiến thuật tấn công đặc biệt, chúng thường bay vòng quay để khiến phòng không Ukraine mất dấu chúng.
Hiện tại phòng không Ukraine đang được trang bị một số hệ thống phòng không tiên tiến do Đức và Mỹ viện trợ bao gồm, hệ thống phòng không Patriot và Iris-T. Tuy nhiên các tổ hợp vũ khí này chỉ hiệu quả trong thời gian đầu vận hành, chúng nhanh chóng bị Nga nắm điểm yếu ngay sau đó.
Kể từ đầu cuộc xung đột, phương Tây đã rót viện trợ tài chính và quân sự hàng tỷ USD cho Ukraine, riêng Mỹ đã phân bổ khoảng 100 tỷ USD. Các quốc gia phương Tây cũng nhiều lần tuyên bố coi phòng không là ưu tiên hàng đầu khi viện trợ quân sự cho Kiev.
Vào cuối tháng 7, ông Ignat thừa nhận rằng Moskva có lợi thế đáng kể so với Kiev về tác chiến điện tử. Vào thời điểm đó, quan chức này cho biết Moskva sở hữu nhiều hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến trong khi Kiev chỉ mới bắt đầu xây dựng lực lượng này từ hỗ trợ của phương Tây.
Các hệ thống tác chiến điện tử khá hiệu quả trong việc áp chế và đánh chặn UAV. Bộ Quốc phòng Nga từng nhiều lần thông báo sử dụng tác chiến điện tử để đánh chặn nhiều UAV tấn công Crimea và Moskva.