Phong bì ngày nhà giáo

Vị trưởng ban đại diện phụ huynh lớp 12 tìm tôi để trao một phong bì giữa sân trường.

Vị trưởng ban đại diện phụ huynh lớp 12 tìm tôi để trao một phong bì giữa sân trường.

Lúc đó là giờ ra chơi, học sinh quanh chúng tôi. Tôi cảm thấy quá ngượng ngùng. "Em cảm ơn tình cảm của anh và ban đại diện, tuy nhiên phần quà này xin gửi lại hội phụ huynh dùng vào việc khác", tôi nói. Ông vẫn nằng nặc giúi vào tay tôi, "tôi nhận trách nhiệm gửi quà đến giáo viên, nếu thầy không nhận tôi không biết trả lời với phụ huynh lớp ra sao". Nói qua nói lại, ông nhét vội phong bì vào tay tôi như trút phần trách nhiệm và nhanh chân bước vội. Cách trao quà đó khiến tôi có cảm giác tổn thương hơn là vui vì được "tri ân".

Trong một cuộc họp phụ huynh đầu năm học, trưởng ban phụ huynh của lớp đứng dậy kêu gọi các phụ huynh khác đóng quỹ lớp, trong đó có khoản tặng quà cho giáo viên ngày 20/11. Lời đề nghị đã khuấy động tranh luận. Một số phụ huynh cho rằng hoàn cảnh khó khăn nên không thể đóng số tiền đó. Có người nêu ý kiến: "tôi nghĩ chúng ta không có nghĩa vụ phải chăm lo cho giáo viên khi nó vượt quá khả năng của mình". Tôi yêu cầu dừng thu tiền quỹ lớp cũng như tặng quà cho giáo viên. Vẫn có người không chịu, vì "phải có trách nhiệm tặng quà cho giáo viên vào ngày nhà giáo, điều đó mới thể hiện sự quan tâm". Nhớ lại lần được "nhét quà", tôi giải thích cho phụ huynh rằng, ngày nhà giáo là để nhắc học sinh nhiều thế hệ nhớ về thầy, cô đã dạy mình, để họ thể hiện sự tri ân bằng tình cảm chân thành. Chúng ta đừng biến nó thành ngày "tặng quà", sẽ mất đi giá trị nhân văn của truyền thống tôn sự trọng đạo. Trước sự quyết liệt của tôi, hội phụ huynh đã dừng thu tiền quỹ lớp.

Mỗi năm, vào ngày 20/11, các bạn tôi hay hỏi "năm nay thầy Hiến có được tặng nhiều quà không?". Khi tôi bảo mình không nhận quà, mọi người đều không tin. Họ bảo "muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy", phong bì là cách thể hiện yêu thương tốt nhất dành cho thầy.

Khi tôi làm giáo viên chủ nhiệm, đại diện hội phụ huynh lớp thường nhờ tôi gửi những phong bì, trong đó có vài trăm nghìn đồng đến giáo viên bộ môn làm quà 20/11. Có thể có giáo viên cần những phong bì đó, nhưng cá nhân tôi vẫn không hiểu những món quà có giá trị gì, cái mà giáo viên cần có phải vài trăm nghìn không? Phải chăng "cơ chế thị trường" đã cụ thể hóa tình cảm thầy trò thông qua phong bì? Tôi lại nhớ cô Bích Hiền, cô giáo dạy môn Văn năm lớp 12 của tôi. Ngoài là giáo viên giỏi, cô Hiền còn có giọng đọc rất truyền cảm. Vào một ngày 20/11, cô được đài truyền hình phỏng vấn. Trong câu trả lời, cô nói rằng một giáo viên sẽ hạnh phúc khi được học trò gửi đến mình hoa và những món quà yêu thương. Trong đó, điều vui nhất chính là "được nghe các em tâm sự, ôn lại kỷ niệm và thấy sự thành đạt của học trò". Tuy nhiên, đoạn được phát trên truyền hình chỉ còn "tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì vào ngày nhà giáo được tặng hoa và quà". Cô Hiền đã khóc rất nhiều.

Thấm thoắt đã 18 năm tôi rời trường phổ thông. Tôi vẫn nhớ như in, hồi đi học, lớp tôi thường đến tận nhà của thầy cô để được trò chuyện. Đại diện lớp tặng thầy cô những món quà rất nhỏ về vật chất, nhưng đó là tất cả những gì chúng tôi có, với đầy trân trọng. Năm nào cũng thế, tôi thấy thầy cô của mình có rất nhiều anh chị các khóa trước về thăm. Thâm tình ấm áp ấy làm tôi quyết định chọn nghề giáo là nghiệp theo đuổi trọn đời.

Những năm đầu trong nghề, tôi cũng rất hào hứng chờ đợi đến "tết giáo viên" chính vì ý nghĩa sơ khai của nó: để tôn vinh người thầy. Tuy nhiên, sau 14 năm dạy học, ý nghĩa về ngày này dần mất đi. Không biết từ khi nào, trong phụ huynh và học sinh có suy nghĩ rằng đến 20/11 phải tặng quà giáo viên, trong khi việc tri ân cha mẹ, thầy cô thực ra để giúp người trẻ biết sống tử tế ngay từ trong ý niệm. Nhưng nhiều người lại lăn tăn về quà cáp như một thứ nghĩa vụ bắt buộc, gửi đến giáo viên những món quà trao vội đến nỗi người nhận không kịp cảm nhận được tình cảm gì. Thật tiếc.

Có lần chị hàng xóm tâm sự với tôi, sắp tới 20/11 rồi mà chưa có gì làm quà cho giáo viên con chị. Tôi hỏi "tại sao chị nghĩ phải tặng quà giáo viên?". Chị bảo, như thế con chị mới được quan tâm. Trong lớp em nào cũng có quà, con mình không có thì tủi thân lắm, nên dù khó khăn thế nào cũng phải kiếm tiền để mua quà. Tôi bị sốc khi nghe điều đó. Vì đâu phụ huynh lại cho rằng giáo viên chờ quà để rồi sau đó ứng xử thiên vị trong cái nghề được xem là cao quý?

Ở khía cạnh khác, cũng để chào mừng ngày nhà giáo, nhiều nơi tổ chức các hoạt động thi đua từ thể thao, văn nghệ, hội chợ ẩm thực, nét đẹp học đường, tiết giảng tốt... Nhìn vào như thể đó là sự quan tâm đặc biệt từ các cấp lãnh đạo đối với giáo viên. Tuy nhiên, quá nhiều hoạt động phong trào khiến giáo viên phải làm việc ngày đêm. Họ vừa phải dạy trên lớp, vừa soạn giáo án, vừa dành thời gian còn lại trong ngày để chuẩn bị cho các hoạt động bề nổi. Có giáo viên tâm sự với tôi, cả tháng nay không có ngày chủ nhật nào được ở nhà. Lắm lúc chúng tôi cảm thấy sợ "ngày tết" của chính mình.

Tôi cho rằng, ngày 20/11 đâu cần phải cho học sinh nghỉ học hay lễ lạt quá nhiều. Chỉ cần tổ chức một buổi lễ ngắn gọn để tri ân giáo viên một cách trân trọng. Đôi khi sự quan tâm đơn giản là những lời cảm ơn, thái độ chân thành, những cái ôm, những món quà nhỏ bé nhưng chứa đựng nhiều tình cảm. Lời hứa sẽ trở thành người hữu dụng của học trò mới là món quà tri ân lớn nhất mà chúng tôi mong muốn.

Tôi tâm niệm, khi tặng ai đó một món quà thì việc gửi kèm yêu thương, lòng biết ơn chân thành món quà ấy mới đầy đủ giá trị. Ngược lại, khi quà là nghĩa vụ bắt buộc của người trao và được nhét vội hay kèm theo là sự chờ đợi con mình được quan tâm, tự thân nó đã là sự đổi chác. Đó không còn là món quà tri ân theo cách chúng ta gọi. Và cũng chính từ đó, có những người nhận đánh mất sự tự trọng nghề nghiệp, người trao cũng đánh rơi lòng kính trọng của mình. Bài học về món quà sâu xa còn là để giữ gìn sự trong sáng của môi trường trồng người, tránh mối họa đổi chác điểm số, đổ vỡ niềm tin với giáo dục nước nhà.

Thêm nữa, ngày nhà giáo để học sinh nhiều thế hệ thể hiện sự tri ân với thầy cô đã giáo dục họ. Còn các ban ngành, đoàn thể, thay vì tốn nhiều công sức để tổ chức hàng loạt các cuộc thi, hội họp, hãy tạo cho giáo viên một môi trường làm việc tốt, giúp họ an tâm đứng lớp, tránh áp lực thành tích, được bảo vệ khỏi sự tấn công thiếu căn cứ. Thầy cô hạnh phúc mới làm cho học sinh hạnh phúc.

Lê Văn Hiến

Những lời chúc hay và ý nghĩa dành tặng thầy cô dịp 20/11 Những lời chúc hay và ý nghĩa dành tặng thầy cô dịp 20/11
"Nhà giáo không có chỗ cho sự bảo thủ và thiếu chuyên nghiệp"
Bộ GDĐT: Không có chuyện lương giáo viên sẽ bị giảm Bộ GDĐT: Không có chuyện lương giáo viên sẽ bị giảm

/ vnexpress.net