Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã thốt lên như vậy sau khi lội bộ hàng giờ vào kiểm tra hiện trường vụ phá rừng phòng hộ tại huyện Đông Giang.
Sáng 30-3, ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã đi bộ hơn 2 giờ vào thị sát hiện trường vụ phá rừng phòng hộ Sông Kôn (giáp ranh giữa xã Jơ Ngây và xã Tà Lu, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam).
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại hiện trường, một khoảnh rừng lớn bị lâm tặc tàn phá không thương tiếc. Những cây gỗ lớn vừa mới bị chặt hạ, nằm xen lẫn với những cây gỗ lớn bị chặt trước đó nằm ngổn ngang. Men theo dấu đường trâu kéo gỗ, nhiều phách gỗ được lâm tặc vận chuyển ra để ngay hai bên bờ một con suối nhỏ. Dấu vết của những lần vận chuyển gỗ còn rất mới.
Ông Lê Trí Thanh thị sát hiện trường vụ phá rừng
Hàng chục cây gỗ mới vừa bị triệt hạ chỉ còn trơ gốc. Nhiều phách gỗ bị xẻ nằm la liệt dưới mặt đất, một số phách bị lá cây và lớp mùn cưa che kín mà lâm tặc chưa kịp chuyển ra ngoài. Nhiều thân cây 2 người ôm không hết còn nguyên chưa kịp xẻ thành phách nằm ngổn ngang khắp sườn núi với đường kính từ 1,2 -1,5 m, dài từ 8 - 20 m.
Chia sẻ với báo chí tại hiện trường, ông Lê Trí Thanh cho rằng mức độ tàn phá rừng tại khu vực này tuy quy mô không quá lớn nhưng mức độ khá nghiêm trọng.
"Cứ mỗi lần nhìn những cây rừng như thế này ngã xuống, tôi có cảm giác như máu mình đổ xuống. Chính quyền, nhân dân và tất cả các lực lượng đã nỗ lực hết sức để bảo vệ rừng, tuy nhiên trong công tác phối hợp bảo vệ rừng còn nhiều khó khăn. Tnh Quảng Nam có diện tích rừng lớn thứ 2 cả nước nên áp lực lên bảo vệ rừng lớn hơn" - ông Thanh bày tỏ.
Rừng phòng hộ bị phá nghiêm trọng
Tại buổi làm việc với các lãnh đạo 2 huyện Đông Giang, Nam Giang và các ngành chức năng sau đó, ông Thanh yêu cầu làm rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền khi để xảy ra tình trạng phá rừng đồng thời đề nghị Chi cục Kiểm lâm, Sở NN-PTNN tự nhận trách nhiệm.
Ông Thanh cũng chỉ đạo các ngành chức năng thời gian tới cần tăng cường công tác phối hợp một cách khoa học, tổ chức triển khai trên thực tế, tuần tra phát hiện kịp thời, nhanh chóng. Phải nhanh chóng khỏi tố vụ án, xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội và có sức răn đe cao.
Tại buổi làm việc, ông Lê Trí Thanh đã công bố địa chỉ email cá nhân: nhằm kêu gọi các cơ quan báo chí và quần chúng người dân tích cực tố giác các hành vi xâm hại rừng cũng như hiến kế trong việc quản lý, bảo vệ rừng.
Những cây gỗ lớn bị chặt hạ
Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Đông Giang, khu vực xảy ra phá rừng thuộc khoảnh 8,9,10,11 Tiểu khu 41 xã Tà Lu. Khoảnh 1,3 thuộc Tiểu khu 140 xã Za Hung. Hiện trường có 33 gốc cây bị chặt hạ, ước tính khoảng 45,6 m3 thuộc nhóm III đến nhóm V. Một số gỗ đã chuyển ra khỏi hiện trường, còn lại 5 lóng gỗ và một cây gỗ chưa cưa xẻ khoảng 11m3, 8 phách gỗ xẻ với khối lượng khoảng 2,3m3.
Ngoài vụ phá rừng trên, theo báo cáo của ban quản lý và Hạt Kiểm lâm Rừng phòng hộ Nam Sông Bung (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam), tại khoảnh 1, 3, Tiểu khu 335, thôn Cần Đôn (xã Chà Val, huyện Nam Giang) cũng xảy ra vụ phá rừng nghiêm trọng. Có 34 cây gỗ rừng tự nhiên bị chặt hạ, trong đó 33 cây Lim Xanh và 1 cây Xoan Đào. Ước tính tổng khối lượng gỗ thiệt hại 235,111 m3. Ông Lê Trí Thanh chỉ đạo Công an tỉnh Quảng Nam xem xét phối hợp với Công an huyện Nam Giang điều tra làm rõ.
Trần Thường
Trâu ngang nhiên kéo gỗ lậu trên đường, trưởng BQL rừng bị đình chỉ công tác
Ông Nguyễn Hữu Thỉnh, Trưởng ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Sông Tiên, tỉnh Hà Tĩnh vừa bị tạm đình chỉ công tác do ... |
Phá rừng – “phá” luôn niềm tin
429 hộp gỗ thuộc nhóm 2 đến nhóm 6 với khối lượng gần 97m3 bị phát hiện khai thác trái phép tại khu vực rừng ... |
Rừng phòng hộ bị "xẻ thịt" tại Quảng Bình: Họp khẩn tìm phương án xử lý
Mới đây, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình đã có buổi làm việc với các sở, ban, ngành cùng địa phương ... |