Phim truyền hình lấy lại vị thế

Mang đến nhiều bộ phim hay cho công chúng, VFC đang từng bước chinh phục, kéo khán giả về với phim truyền hình Việt

Sau "Người phán xử", "Sống chung với mẹ chồng", Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) tung tiếp một loạt phim đầu tư lớn: "Thương nhớ ở ai", "Cả một đời ân oán", "Tình khúc bạch dương" và nhận được những phản hồi rất tích cực từ khán giả.

"Bom tấn" nối tiếp nhau

Dự án phim "Tình khúc bạch dương" với thời gian ấp ủ tới 7 năm được coi là sự khởi đầu ấn tượng cho phim Việt trong năm 2018. Phát trên giờ vàng VTV1 vào thứ năm và thứ sáu hằng tuần, "Tình khúc bạch dương" có thể coi là một trong những dự án phim kỳ công nhất của VFC. Với những hình ảnh như trong tranh, dàn diễn viên đẹp, tài năng cùng câu chuyện đầy thơ mộng nhưng cũng nhiều ngang trái, phim nhận được rất nhiều sự quan tâm của khán giả, đặc biệt là những người từng sống và học tập tại Liên Xô (cũ). Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC, chia sẻ dự án phim về nhiều thế hệ học sinh du học tại Liên Xô những năm 1980 này đã được ấp ủ từ 7 năm trước. Phim được chấp bút bởi 3 biên kịch, trong đó có Kim Ngân, người đã từng tạo được thành công với các tác phẩm về đề tài tình yêu, gia đình như "Mưa bóng mây", "Giọt nước mắt muộn màng"... Biên kịch Kim Ngân tâm sự chưa có kịch bản phim nào khiến chị vất vả như "Tình khúc bạch dương". Nhóm biên kịch đã mất rất nhiều thời gian để khảo sát, lên ý tưởng và viết những dòng kịch bản đầu tiên. Tuy nhiên, tất cả phải bắt đầu lại khi đọc được cuốn tiểu thuyết "Tình khúc Velanda". "Đây cũng là bộ phim chúng tôi viết kịch bản lại nhiều lần nhất, thời gian khảo sát cũng "kinh khủng" nhất" - biên kịch Kim Ngân bày tỏ. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải cũng tiết lộ VFC đã dồn toàn bộ nhân lực cho bộ phim này. Ngay sau khi bộ phim "Sống chung với mẹ chồng" đóng máy, đạo diễn Vũ Trường Khoa đã bắt tay vào dự án này, trong khi đạo diễn Mai Hiền phải tạm dừng thực hiện phần 2 của "Người phán xử" để dành tâm sức cho "Tình khúc bạch dương".

phim truyen hinh lay lai vi the

Cảnh trong phim "Tình khúc bạch dương" Ảnh: Hoàng Dương

Đặt kỳ vọng mang đến nhiều bộ phim hay cho công chúng, VFC đang từng bước chinh phục, kéo khán giả về với phim truyền hình Việt. Dù không được phát sóng trong khung giờ vàng của VTV nhưng "Thương nhớ ở ai" ngay khi phát sóng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của khán giả. Theo thống kê của VTV, mỗi tập phim "Thương nhớ ở ai" đã phát sóng thu hút hàng trăm ngàn lượt xem của khán giả. Các trích đoạn phim đăng trên fanpage của bộ phim nhận được sự hưởng ứng, bàn luận của đông đảo người hâm mộ và giới truyền thông. Tương tự, "Cả một đời ân oán" với kịch bản Việt hóa của Đài Loan cũng có lượng người xem rất cao. Bộ phim này kéo dài từ tháng 12-2017 đến tận cuối năm 2018 mới kết thúc. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải khẳng định "Cả một đời ân oán" đánh dấu sự nỗ lực của VFC trong khâu sản xuất với sự đầu tư về thiết bị làm phim, áp dụng kỹ thuật thu thanh đồng bộ và quy tụ dàn diễn viên tài năng.

Chạm đến những đề tài khó

Thời gian qua, VFC mua rất nhiều kịch bản phim nước ngoài và đã Việt hóa thành công, như "Người phán xử", "Sống chung với mẹ chồng", "Cả một đời ân oán". Theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, VFC luôn thiếu kịch bản hay và năm 2017, 40% phim truyền hình của đơn vị này là kịch bản mua bản quyền của nước ngoài. Chia sẻ về sự khó khăn trong việc tìm nguồn kịch bản, đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho biết dù VFC phải đặt hàng từ các nhà văn, nhà biên kịch nhưng luôn trong tình trạng thiếu kịch bản hay. "Các trường điện ảnh hầu hết đào tạo viết kịch bản biên kịch điện ảnh, tức là các kịch bản rất ngắn. Đối với phim truyện truyền hình dài tập, để có thể kéo khán giả theo dõi bộ phim trong vòng vài tháng, cần kịch bản rất dài. Chưa kể đặc thù thị hiếu xem phim của khán giả từng nước rất khác nhau. Ở Nhật Bản…, các phim truyền hình chỉ thường 12-16 tập. Với Việt Nam, chừng đó tập phim là chưa đủ để kéo khán giả theo dõi" - đạo diễn Đỗ Thanh Hải nhận định.

Giám đốc VFC cho rằng với các nhà sản xuất phim, đôi khi việc lựa chọn kịch bản phim nước ngoài để Việt hóa là sự mạo hiểm. Vấn đề là các nhà sản xuất phải biết phát hiện vấn đề, dựa trên cốt truyện của kịch bản để sáng tác tiếp. "Bản thân chúng tôi sau khi mua các kịch bản phim từ nước ngoài về cũng phải bỏ rất nhiều công sức để sáng tác, nghiên cứu cách thức chuyển đổi thành các kịch bản mang dấu ấn của Việt Nam. Ví dụ, với phim "Người phán xử", chúng tôi phải mất tới 3 năm để viết lại kịch bản. Nếu ai đã xem phim do Israel sản xuất sẽ thấy phiên bản Việt Nam khác rất nhiều" - đạo diễn Đỗ Thanh Hải nói.Chia sẻ về hướng đi trong thời gian tới, đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho rằng người Việt vẫn thích xem phim Việt, những gì gắn bó, gần gũi với mình, đó là lợi thế về nội dung mà VFC phải cố nắm bắt. "Năm qua, chúng tôi đã đa dạng nội dung phim của mình và hầu hết đều có chất lượng, được đầu tư về phương tiện thiết bị kỹ thuật, diễn viên và đội ngũ sản xuất. Năm 2018, chúng tôi sẽ tiếp tục con đường này. Phim sẽ không còn những câu chuyện đơn thuần về gia đình mà chạm được đến những đề tài chúng tôi tin là nhiều đối tượng khán giả đón nhận" - đạo diễn Đỗ Thanh Hải thông tin.

Phía Nam vẫn ảm đạm

Phim truyền hình thu hút khán giả thời gian qua hầu như chỉ tập trung ở phía Bắc với những dự án đình đám của VFC. Phía Nam vẫn có phim được sản xuất nhưng số lượng sụt giảm mạnh. Nhiều phim sản xuất trước đây đến nay vẫn nằm trong danh sách chờ được phát sóng ở các đài. Trong năm 2017, VTV cũng mua lại một số phim truyền hình của các hãng phim phía Nam sản xuất để phát sóng các khung giờ phim Việt nhưng chưa phim nào tạo sức hút. Mới nhất là phim "Mộng phù hoa" (đạo diễn: Quế Ngọc - Nam Yên), nói về cuộc đời thăng trầm của "đệ nhất mỹ nữ Sài Gòn" Ba Trà, tạo được chú ý ban đầu nhờ quảng cáo rầm rộ nhưng mau chóng chìm vào loạt phim truyền hình ngắn tập phát dịp Tết ở nhiều đài đầy màu sắc, vui nhộn, thông điệp nhân văn. "Phim truyền hình phía Nam chưa có dấu hiệu khởi sắc nào" là khẳng định của người trong giới. Việc Hãng phim TFS tái xuất cuối năm 2017 với phim "Lẩn khuất một tên người" và phát sóng 5 tập phim "Về quê ăn Tết" được người trong giới nhận định chưa phải dấu hiệu khả quan. Bởi phim "Lẩn khuất một tên người" được sản xuất nhiều năm trước nhưng đến cuối năm 2017 mới phát sóng. Phim "Về quê ăn Tết" thời lượng ngắn, một hãng phim thực hiện 5 tập phim để phát sóng dịp Tết không phải là điều to tát, cho thấy dấu hiệu khởi sắc. Năm 2018, hãng này có 2 bộ phim truyền hình dự kiến được đầu tư thực hiện nhưng tình hình thế nào thì vẫn phải chờ.

phim truyen hinh lay lai vi the Tết của những nữ diễn viên phim truyền hình đình đám năm 2017

Dịp Tết, Phan Hương "Người phán xử" sống đúng nghĩa một "bà mẹ bỉm sữa", Hồng Kim Hạnh dành trọn thời gian bên mẹ của ...

phim truyen hinh lay lai vi the Hai bộ phim “bỏ bùa” khán giả

Có lẽ chưa bao giờ sức hút của phim truyền hình Việt Nam mạnh mẽ như thời điểm này

phim truyen hinh lay lai vi the Phim Tết: Vui là chính

Không chỉ phim điện ảnh nhiều và có chất lượng đồng đều hơn so với trước, phim truyền hình Tết Mậu Tuất cũng nhiều màu ...

phim truyen hinh lay lai vi the Sự nghiệp chật vật đóng vai phụ của nữ chính \'Tây du ký\' bản Hàn

Trước "Hoa Du Ký", Oh Yeon Seo có 10 năm đóng vai phụ phim truyền hình. 2014, cô đảm nhận vai chính đầu tiên trong ...

/ http://nld.com.vn