Nhiều ý kiến cho rằng những tập gần đây của “Tình khúc Bạch Dương“ quảng cáo lộ liễu cho một ngân hàng, không những nhắc tên riêng mà lời thoại cũng mang tính định hướng.
Tình khúc Bạch Dương (tổng đạo diễn: NSƯT Vũ Trường Khoa) là một trong những bộ phim truyền hình gây chú ý trên sóng VTV hiện nay. Phim được phát sóng vào khung giờ vàng thứ 5, thứ 6 hàng tuần và được nhiều khán giả quan tâm theo dõi.
Nội dung phim xoay quanh mối quan hệ của Hùng - Quyên - Quang - Vân. 13 tập đầu của bộ phim lấy bối cảnh ở nước Nga những năm cuối thập niên 1980. Kể từ tập 14, phim chuyển sang bối cảnh hiện tại với sự tham gia của dàn diễn viên Thanh Mai, Chi Bảo, Lê Vũ Long, Hoa Thúy.
Câu chuyện phim chủ yếu diễn ra tại Việt Nam. Hùng từ Nga về Việt Nam công tác và gặp lại Quyên - người yêu cũ. Tình cảm trỗi dậy, đầu tiên là từ phía Hùng. Trong khi đó, Quyên vốn đang có cuộc sống hôn nhân khá "nhạt nhẽo" với Quang cũng cảm thấy xốn xang khi gặp lại người cũ.
Câu chuyện Tình khúc Bạch Dương sau gần 30 năm chứa đựng nhiều kịch tính. Các nhân vật liên tục bị rơi vào những khúc mắc khó xử. Nội dung phim đang dần bật mí lý do Quang và Quyên đến với nhau, trong Vân và Hùng lại thành vợ chồng tại Nga.
Tình khúc Bạch Dương chuyển sang tuyến diễn viên mới từ tập 14. Ảnh: VFC. |
Thế nhưng, kể từ khi chuyển sang mốc thời gian hiện tại, Tình khúc Bạch Dương cũng nhận nhiều ý kiến trái chiều của khán giả, đặc biệt là việc quảng cáo lộ liễu cho một ngân hàng.
Tên ngân hàng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, trong những tình huống khác nhau và hoàn toàn không ăn nhập với nội dung của bộ phim. Một số chi tiết được đưa vào khá thô, khiến mạch phim lê thê, gượng ép.
Trong tập 16, phim có tình huống nhân vật Quang (Lê Vũ Long) đề nghị cậu con trai tên Linh (Bình An) đưa ra ngân hàng để chuyển tiền. Thấy vậy, Linh gợi ý bố sử dụng interbanking của ngân hàng này.
Ngay lập tức, cậu mở điện thoại hướng dẫn bố những bước cụ thể, thành thục như một nhân viên của ngân hàng. Tình huống không liên quan gì đến nội dung của tập phim, diễn xuất của các diễn viên cũng khá "gượng".
Không dừng lại ở đó, trong tập 17, phim tiếp tục quảng cáo lộ liễu hơn nữa cho ngân hàng này. Nhân vật Quyên (Thanh Mai) không thể ra sân bay từ sớm để tiễn con trai đi du học vì có một cuộc gặp đối tác quan trọng. Đối tác này chính là chủ tịch của ngân hàng đã được nêu tên nhiều lần trong phim.
Quyên và sếp của mình đến tận trụ sở ngân hàng, gặp ông chủ tịch do NSƯT Đức Hùng thủ vai. Nhưng cuộc gặp gần như không bàn chuyện gì quan trọng.
Nội dung cuộc nói chuyện giữa hai bền chủ yếu là những lời có cánh dành cho ngân hàng này - những lời thoại đậm chất PR, mang tính định hướng khá rõ, thậm chí còn dùng cách "chê" những ngân hàng khác nói chung.
"Mấy ai làm được như ngân hàng của anh, mỗi khi cần vay vốn là tạo điều kiện rất thuận lợi, chứ như nhiều ngân hàng khác thủ tục lằng nhằng phiền phức lắm", nhân vật Quyên nói với vị lãnh đạo ngân hàng.
Đáng nói là tình huống này cũng không hề ăn nhập hay có sự liên quan đến nội dung của tập phim. Và việc những tập phim liên tiếp đều có tình huống, lời thoại quảng cáo cho một ngân hàng khiến không ít khán giả than phiền.
Một cảnh quảng cáo lộ liễu cho ngân hàng trong tập 17 của bộ phim. Ảnh: Chụp màn hình. |
Trên fanpage của bộ phim, một khán giả đặt câu hỏi "Phải chăng ngân hàng này là đơn vị tài trợ khiến bộ phim phải quảng cáo nhiều như vậy?".
Nhiều ý kiến cho rằng phim quảng cáo thô, thiếu tinh tế và ảnh hưởng đến chất lượng của bộ phim.
"Tại sao lại quảng cáo lộ liễu cho một ngân hàng hết cảnh này đến cảnh khác, hết tập này đến tập khác? Phim vốn rất hay, nhưng những tập gần đây xem rất chán vì PR thô. Thương hiệu ngân hàng xuất hiện không hề hợp lý, xem tình huống đầu tiên đã biết là phim cố tình định hướng", một khán giả truyền hình nhận xét.
Một số người khác tỏ ra lo lắng nếu phim tiếp tục dành quá nhiều cảnh cho việc quảng cáo như vậy, nội dung phim sẽ không còn hấp dẫn như phần đầu của bộ phim với bối cảnh thập niên 1980.
"Quảng cáo trong phim bây giờ là khó tránh, có thể chấp nhận được nhưng cũng cần phải tinh tế và tiết chế hơn. Nếu còn tiếp tục quảng cáo quá nhiều cho một ngân hàng như vậy, tôi sẽ tẩy chay bộ phim", một ý kiến bức xúc.
Trước đó, phim truyền hình Tuổi thanh xuân 2 cũng bị khán giả phản ứng vì quảng cáo lộ liệu cho một thương hiệu bánh. Khi đó, tên loại bánh cũng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong cảnh quay kèm với những lời khen về hương vị của bánh, thậm chí cả bao bì, hình thức của hộp bánh.
Facebook tiếp tay cho quảng cáo bẩn như thế nào? Đang tồn tại một hệ thống quảng cáo trên Facebook với rất nhiều trò ma giáo mà ở đó Facebook mắt nhắm mắt mở cho ... |
Nhiều doanh nghiệp ngừng quảng cáo trên Facebook Nhiều doanh nghiệp có tiếng đã thông báo ngừng quảng cáo trên các nền tảng của Facebook sau bê bối rò rỉ thông tin người ... |