Phi công ném bom Dinh Độc Lập: Trọn vẹn nhất là Sài Gòn nguyên vẹn ngày 30/4

Đại tá phi công Nguyễn Thành Trung nói cuộc đời ông, điều trọn vẹn nhất là Sài Gòn giải phóng mà không đổ nát, đó cũng là thời khắc ông được đoàn tụ gia đình.

Tròn 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đại tá phi công huyền thoại Nguyễn Thành Trung bước vào tuổi 80.

“Tôi không làm gì to tát, nhưng tôi muốn làm điều gì người khác không làm được”, ông mở đầu câu chuyện với phóng viên Báo Điện tử VTC News.

Phi công ném bom Dinh Độc Lập: Trọn vẹn nhất là Sài Gòn nguyên vẹn ngày 30/4 - 1
 

- 50 năm non sông liền một dải, bước vào tuổi 80, ông thấy mình đã hoàn thành sứ mệnh, có thể thong dong nhẹ bước cuối cuộc đời chưa?

10 năm trước, hồi 70, xa đường bay là tôi thấy mình trở thành ông già rồi. 10 năm nay, tôi cũng ngồi tính sổ lại, xem đã làm được những gì cho đất nước mình và ghi lại những gì mình chưa làm được.

Ngồi tính toán, tôi thấy phần làm được, đóng góp cũng nhiều. Nhưng phần mình ước mơ mà chưa làm được, chưa có cơ hội làm cũng không ít. Tính ra một nửa mong muốn tôi đã làm được nửa còn lại thì dang dở.

Mà đời người phải có cái được cái mất, đâu thể cái gì muốn cũng có được và làm được. Có điều mình không làm được, có điều chưa làm được và có điều chẳng bao giờ làm được. Nhưng tôi luôn tin bạn bè, đồng đội và thế hệ sau, sẽ thay tôi làm tiếp những điều tôi chưa làm được.

Những việc thời chúng tôi không hoặc chưa làm được thì dần dần có lớp trẻ tiếp thu, thay thế. Niềm tin đó làm tôi hạnh phúc, cuộc đời như thế, cứ nối tiếp nhau.

Riêng với nghiệp bay, phải nói là tôi hài lòng. Hài lòng nhất là lớp trẻ bây giờ rất thông minh, cần mẫn và nhạy bén, tiếp thu khoa học – công nghệ tốt. Lớp phi công trẻ hiện nay rất giỏi, máy bay mới, hiện đại nhất các cháu đều làm chủ một cách tự tin. Nhiều học trò của tôi đang là phi công chủ lực của Việt Nam hiện giờ.

Con tôi cũng nối nghiệp bay, đó cũng là điều đặc biệt với tôi.

Phi công ném bom Dinh Độc Lập: Trọn vẹn nhất là Sài Gòn nguyên vẹn ngày 30/4 - 2
 

- Để trở thành phi công trong điều kiện đất nước chiến tranh không dễ, nhất là với con một chiến sĩ cách mạng, sinh ra ở vùng đất cách mạng?

Dưới thời Ngô Đình Diệm, người ta loại ngay phi công quê Bến Tre. Khi 10 tuổi, tôi đã được má đổi tên đổi họ, làm lý lịch mới, nhưng vẫn là quê Bến Tre, nên không chắc là mình được chọn.

Sau đó, tôi được nhận khi tình nguyện vào phi công.

Còn trình độ, sức khỏe, thể trạng,... đảm bảo tiêu chuẩn của phi công chỉ là kỹ thuật thôi. Tôi đam mê, quyết tâm, nên yêu cầu gì, khó đến đâu tôi cũng cố gắng để thực hiện cho được, cho giỏi. Những ải khó nhất tôi đều qua dễ dàng; máy bay nào khi tiếp xúc là tôi bay được.

Trở thành phi công rồi, tôi lại muốn phải là phi công có hạng. Mình là phi công giỏi mới làm được điều khác thường mà những người khác không làm được.

Nhiều khi nghĩ lại, thấy cuộc đời như lập trình sẵn, ước mơ thôi thúc, rồi công việc đến với mình. Những điều chứng kiến từ nhỏ, đến lớn, tôi lại trực tiếp đối diện, phải học và phải làm.

- Học tập và làm việc trong lòng địch, ông làm thế nào để qua được tai mắt kẻ thù?

Việc này phải khẳng định là tôi làm tròn, không có sơ hở suốt năm tháng chiến tranh sống, học tập, làm việc trong lòng địch. Cái khó nhất phải trải qua thường xuyên là trả lời vì sao tôi không có cha, tôi biết gì về cha mình.

Tôi sinh năm 1945, nhưng khai sinh ghi là 1947. Hồi 10 tuổi, tôi được má làm lại khai sinh mới nhỏ hơn 2 tuổi với bản lý lịch chỉ một mẹ một con, không còn thông tin về cha - một cán bộ cách mạng, và các anh em tôi nữa. Lý lịch như vậy, cứ bám vào đó mà khai, mà sống, trước sau không sai. Nói vậy chứ tôi cũng phải đối diện với rất nhiều đợt kiểm tra về lý lịch, quê hương.

Họ cứ hỏi, cứ tra, tôi nhất quán câu trả lời, thành máy rồi, cứ bấm là máy chạy thôi (cười). Cách trả lời làm sao để người ta tin, không nghi ngờ gì thì tôi đã được chuẩn bị từ khi cha mẹ thay đổi khai sinh.

Thời chiến mà. Tôi chỉ có quyền nghĩ việc riêng vào những lúc một mình, khi thật thảnh thơi. Còn thực tế mình luôn phải đối phó với nhiều thứ, thời gian và hoàn cảnh không cho phép nghĩ những chuyện khác nhiều đâu.

Phi công ném bom Dinh Độc Lập: Trọn vẹn nhất là Sài Gòn nguyên vẹn ngày 30/4 - 3
 

- Khi được tổ chức quyết định việc ném bom vào Dinh Độc Lập, ông cảm thấy thế nào?

Ở thời điểm đó, tôi nghĩ đây là việc làm đúng, không thể là việc nào khác cả.

Ném bom vào đầu não tổng hành dinh của chính quyền Việt Nam Cộng hoà, đầu não sứ quán Mỹ là ý tưởng, ước muốn thôi thúc từ lúc tôi chạm tay vào giấc mơ phi công. Tôi nung nấu sớm thực hiện và thực hiện cho được. Cho nên khi được giao nhiệm vụ thì điều đầu tiên tôi nghĩ đây là cơ hội, và tôi không làm thì không ai có thể làm.

- Ông đã thực hiện ra sao? Cú lừa bay về Sài Gòn của ông nếu thất bại sẽ thế nào?

Nhiều người sau này vẫn nghĩ tôi tách đoàn trên trời, tức khi máy bay đã cất cánh. Không phải, tôi tách đoàn từ dưới đất. Để làm việc này, tôi phải tính toán lắm, nếu trót lọt thì không nói, nhưng không may lệch đi, thì những tình huống tiếp theo sẽ thế nào.

Sáng 8/4/1975, tôi nhận lệnh xuất kích từ sân bay Biên Hòa, lái máy bay F5-E ném bom ở Phan Thiết.

Tôi nghĩ đây là cơ hội để tôi làm tròn nhiệm vụ Đảng và nhân dân giao phó. Tôi quyết định trong chớp nhoáng là tách phi đội.

Phi công ném bom Dinh Độc Lập: Trọn vẹn nhất là Sài Gòn nguyên vẹn ngày 30/4 - 4

Trung uý Nguyễn Thành Trung (phải) sau khi ném bom Dinh Độc Lập.

Theo quy định, máy bay sau phải cất cánh theo máy bay trước 5 giây, tối đa là 10 giây. Tôi đã dùng 10 giây này để đánh lạc hướng phi tuần trưởng, đài quan sát mặt đất.

Cất cánh, tôi không nhập đội bay đi Phan Thiết mà bay ngược về Sài Gòn, mang 4 trái bom hướng đến Dinh Độc Lập. Tôi tính ném 2 trái bom xuống Dinh Độc Lập và 2 trái “dành” cho Đại sứ quán Mỹ.

Tuy nhiên, 2 trái bom đầu tiên không trúng mục tiêu. Khi quay lại xem, tôi thấy “trật rồi” và tiếp tục dùng 2 trái còn lại ném.

Ném xong, tôi bay qua bay lại 2-3 vòng xem chắc đúng mục tiêu. Lúc này lại nghĩ có cái gì phải xài cái đó, tôi vòng tới kho xăng Nhà Bè, bắn tiếp 300 viên đạn 120 ly còn trên máy bay. Xong tôi bay ra Phước Long.

- Lúc đó ông có nghĩ phương án bị máy bay săn đuổi, hay bị bắn từ dưới đất lên?

Máy bay F5 tôi lái thời điểm đó là máy bay chiến đấu tối tân của Mỹ, không loại nào đuổi kịp. Mà nếu bị đuổi, cũng chỉ có F5 mới đủ khả năng. Người lái cũng là những người cùng phi đội, khả năng của từng người tôi đã biết vì cùng học, cùng bay, cùng làm việc.

Tôi tự tin không ai đuổi nổi. Chưa kể vì có chuẩn bị nên nếu tôi bay lắt léo thì không ai đuổi được. Có đuổi thì từ lúc nhận lệnh, họ bay theo, tôi đã làm xong nhiệm vụ rồi.

Tôi cũng nghiên cứu kỹ các ụ phòng không xung quanh Dinh Độc Lập trước khi thực hiện nhiệm vụ. Tôi thuộc từng ụ phòng không, đặt góc nào, bắn được máy bay nào và “chấp hết”. Ngay cả pháo cao xạ bắn cũng không ăn thua.

Đến bây giờ sau 50 năm, nghĩ lại sự kiện sáng 8/4, tôi vẫn nhớ từng hình ảnh, suy nghĩ lướt qua đầu mình chớp nhoáng. Trong tất cả các tình huống, tôi đều hành động nhanh. Tất nhiên các hành động tôi thực hiện đều có chuẩn bị kỹ càng chứ không phải làm liều.

- Điều làm ông lo nhất khi ném bom Dinh Độc Lập là gì?

Dinh Độc Lập cách chợ Bến Thành vài trăm mét, nên tôi rất lo ném sai vị trí. Tôi tính toán rất kỹ, xem đi xem lại nhiều lần vẫn lo lỡ ném ra ngoài. Cũng may những lo lắng của tôi không xảy ra.

- Khi hạ cánh xuống sân bay Phước Long, cảm giác của ông ra sao?

Hạ cánh ở Phước Long, tôi thở phào. Sống rồi. Có lẽ đây là những giờ bay hạnh phúc nhất. Hạnh phúc hơn là gặp đồng chí, đồng đội ở sân bay đã giải phóng.

Lúc đánh, tôi cũng nghĩ sẽ đi đâu, vì khu vực miền Nam không còn sân bay nào hạ cánh được, phải ra tới Đà Nẵng. Nhưng nếu bay tới Đà Nẵng thì quá nguy hiểm.

Nhảy dù là bài cuối phải làm. Với tôi, đánh là phải về, phải mang máy bay về.

Không ai ngờ tôi hạ cánh ở sân bay Phước Long với đường băng chỉ có 1.000m, trong khi F5-E phải hạ cánh với đường băng 3.000m, lại nằm ở địa điểm khó như vậy. Thậm chí phi công Sài Gòn cứ hỏi bên Singapore, Thái Lan xem tôi có bay sang không.

Phi công ném bom Dinh Độc Lập: Trọn vẹn nhất là Sài Gòn nguyên vẹn ngày 30/4 - 5
 

- Sao ông không đưa vợ con đến nơi an toàn trước khi thực hiện nhiệm vụ?

Đó là điều tôi nghĩ rất nhiều, nhất là khi nhiệm vụ của mình khiến vợ con bị bắt. Còn đưa người thân sơ tán thì không ai làm được cả. Nếu mình chuẩn bị sẽ lộ ngay, có chuẩn bị cũng là đưa ra các tình huống phòng hờ thôi. Phải chấp nhận, không thể khác được.

Khi quyết định bay về Sài Gòn ném bom Dinh Độc Lập, mình đã nghĩ vợ con sẽ bị bắt rồi. Lúc đó, con nhỏ của tôi mới 8 tháng tuổi.

Với tôi giải phóng Sài Gòn ngày 30/4 là trọn vẹn, là may mắn. Vợ con tôi được trả tự do sau hơn 20 ngày giam giữ và 2 ngày sau tôi về tới Sài Gòn đoàn tụ gia đình.

- 20 ngày sau ném bom vào Dinh Độc Lập, ông dẫn đầu phi đội Quyết Thắng ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Trong 20 ngày thực hiện nhiệm vụ ở 2 địa điểm đặc biệt, niềm tin chiến thắng trong ông thế nào?

Khí thế đã lên cao trào từ những ngày đầu tháng Tư. Những ngày đó rạo rực lắm, người dân tràn niềm tin, ai cũng muốn chế độ VNCH sụp đổ sớm, đất nước được giải phóng. Tôi cũng mường tượng thời điểm giải phóng tới gần.

Phi công ném bom Dinh Độc Lập: Trọn vẹn nhất là Sài Gòn nguyên vẹn ngày 30/4 - 6

Phi đội Quyết Thắng tại sân bay Thành Sơn (Phan Rang) sau khi ném bom sân bay Tân Sơn Nhất trở về ngày 28/4/1975, ông Nguyễn Thành Trung ngoài cùng bên trái. (Ảnh: TL)

Ngày 27/4/1975, phi đội chiến đấu được thành lập lấy tên “Phi đội Quyết Thắng” gồm 5 phi công bay A-37 mà tôi bay vị trí số 1, vừa chỉ huy, vừa dẫn đường.

Ngày 28/4, chúng tôi xuất phát từ Thành Sơn về Sài Gòn, ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Mục tiêu tấn công là khu vực để máy bay chiến đấu, đường băng, kho bom đạn của không quân VNCH.

Trận không kích đã phá hủy đường băng và nhiều máy bay quân sự, ngăn không quân VNCH sử dụng căn cứ Tân Sơn Nhất đem máy bay oanh tạc vào vùng chiến địa sát nách Sài Gòn, góp phần làm gián đoạn kế hoạch di tản của quân đội Mỹ.

Hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi bay trở về sân bay Thành Sơn (Phan Rang). 2 ngày thật sự nóng ruột theo dõi diễn biến các cánh quân tiến về Sài Gòn. Và ngày 2/5, tôi về đến Sài Gòn.

- Hạnh phúc của ông trong ngày giải phóng có lẽ nhân đôi khi niềm tin chiến thắng thành sự thật, gia đình trọn vẹn, Sài Gòn trọn vẹn?

Tôi vô cùng hạnh phúc. Là người trong cuộc, tôi luôn lường trước giải phóng Sài Gòn sẽ rất gay go. Nhưng may mắn là mọi thứ hết sức trọn vẹn. Thành phố bình yên, người dân tràn ra đường đón bộ đội, đó là hạnh phúc lớn nhất.

Hạnh phúc riêng của tôi cũng vậy, nước mắt chảy tự hào vì sau cuộc chiến, gia đình mình vẫn trọn vẹn. Với tôi, từ nay không còn phải lái máy bay để ném bom đạn nữa.

- Một thành công của chúng ta là giữ Sài Gòn nguyên vẹn, các công trình, nhà cửa không đổ nát sau ngày 30/4. Ông chứng kiến và đánh giá điều này thế nào?

Không ai dám nghĩ kết thúc cuộc chiến thành phố này bình yên. Ta giải phóng Sài Gòn với quyết tâm cao là giành lại thành phố. Thật may mắn là điều chúng ta lo không xảy ra. Sài Gòn bình yên, nhà cửa, kho tàng, bến bãi, công trình vẹn nguyên.

Cuộc chiến rất ác liệt, nhưng hậu chiến, người dân an toàn, hạnh phúc.

Phi công ném bom Dinh Độc Lập: Trọn vẹn nhất là Sài Gòn nguyên vẹn ngày 30/4 - 7
 

- Anh phi công trẻ đã làm gì đầu tiên sau khi đất nước không còn tiếng súng đạn những ngày đầu tháng 5 năm đó?

Tôi vẫn ở không quân, về Trung đoàn 935 đóng ở Biên Hòa. Lúc đó, mình tiếp nhận ngay những máy bay Mỹ bỏ lại, khoảng 40-50 chiếc, và lập tức tổ chức học tập, chuyển loại cho các phi công từ miền Bắc về. Tôi trực tiếp đào tạo cho họ, vì phi công của ta thời đó chỉ lái MIG chứ không lái A37 hay F5.

Cứ thế, bắt đầu giai đoạn mới là sửa chữa lại máy bay, đào tạo phi công. Công việc cứ liên tục, không có thời gian suy nghĩ khác.

Giải phóng rồi, mình vẫn là phi công. Mọi thứ nhẹ nhàng như khi leo lên máy bay vậy.

- Cảm giác lái máy bay trên bầu trời không còn súng đạn với phi công Nguyễn Thành Trung ra sao?

Thật sự rất thanh thản, nhẹ nhàng, hạnh phúc không diễn tả được. Mình tự do bay trên bầu trời của đất nước hoàn toàn không còn bom đạn nữa.

Phi công ném bom Dinh Độc Lập: Trọn vẹn nhất là Sài Gòn nguyên vẹn ngày 30/4 - 8
 

- Ông là người đầu tiên của Việt Nam lái Boeing 767 và 777, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của ngành hàng không nước nhà. Bao lâu sau cuộc chiến, ông bay dân sự?

Năm 1990, tôi rời không quân chuyển sang bay dân sự. Tôi bay cho Vietnam Airlines, làm đến Phó Tổng giám đốc, nhưng công việc chủ yếu là bay, vì thời kỳ đầu phát triển hàng không, chúng ta thiếu phi công.

Hồi đó, tôi bay máy bay Tupolev của Nga và chỉ bay trong nước, xa nhất là qua Bangkok - Thái Lan.

Năm 1995, tôi lái Boeing 767 chở Chủ tịch nước Lê Đức Anh qua New York dự kỷ niệm lần thứ 50 của Liên Hiệp Quốc. Đây là chuyến quay lại Mỹ đầu tiên của tôi sau giải phóng. Chuyến đó từ Brazil đến Colombia, đến Mexico rồi mới tới Mỹ.

Tôi không nhớ hết nhưng có lẽ tôi đã bay khoảng 25.000 giờ trong sự nghiệp.

- Ông gửi gắm gì ở lớp trẻ, thế hệ sinh ra khi đất nước đã bước vào kỷ nguyên của khoa học công nghệ hiện nay?

Trong chiến tranh, không có từ nào khác để nói về Việt Nam ngoài chữ anh hùng. Khó đến đâu, ác liệt đến đâu chúng ta cũng “đánh” được, giành lại hòa bình, giữ từng tấc đất.

Mình tự hào cha ông luôn rất kiên cường, giữ đất nước trọn vẹn và xây dựng đất nước ngày càng phát triển, tiến bộ.

Cho nên lớp trẻ, sống trong thời khoa học công nghệ phát triển, có điều kiện học và tiếp thu công nghệ hiện đại, thì càng phải yêu và bảo vệ đất nước.

Bây giờ Việt Nam cũng đứng hạng khá trên thế giới về nhiều mặt, có gì mình không làm được đâu, từ kinh tế đến khoa học, văn hóa, chúng ta không thua kém ai cả. Người Việt dù ở đâu cũng là niềm tự hào.

Xin cảm ơn ông!

 

Phi công Nguyễn Thành Trung tên thật là Đinh Khắc Chung. Cha ông là ông Đinh Văn Dậu, nguyên Bí thư Huyện ủy Châu Thành, Bến Tre, hy sinh năm 1963.

3 người anh ruột của ông đều là đảng viên, tham gia kháng chiến từ thời chống Pháp, nên từ nhỏ ông đã được Tỉnh ủy Bến Tre xếp vào diện “hạt giống đỏ”, cần phải bảo vệ và phát triển.

Một năm sau khi cha bị bắn chết, ông trở thành nhân viên của Ban Dân vận Trung ương Cục miền Nam.

Năm 1964, ông trở thành điệp báo viên, hoạt động đơn tuyến trong mạng lưới tình báo Trung ương Cục miền Nam, do trực tiếp Bí thư Trung ương Cục Phạm Hùng lãnh đạo. Ông tham gia nhiều trận chiến ở nội thành Sài Gòn từ chiến dịch Mậu Thân trước khi học để trở thành phi công theo yêu cầu.

Hai cuộc không kích vào Dinh Độc Lập và Sân bay Tân Sơn Nhất do Nguyễn Thành Trung thực hiện có ý nghĩa rất lớn về mặt chiến lược, góp phần kết thúc cuộc chiến tranh, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước; là chiến công lừng lẫy, một điệp vụ tình báo chiến lược hoàn hảo.

Năm 1994, phi công Nguyễn Thành Trung được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

 

https://vtcnews.vn/phi-cong-nem-bom-dinh-doc-lap-tron-ven-voi-toi-la-sai-gon-nguyen-ven-ngay-30-4-ar935357.html

Hà Linh / VTC News