Từng là một chủ đề cấm kỵ từ xưa, họa hiếm mới được nhắc đến, thế mà giờ đây phẫu thuật thẩm mỹ có vẻ đã thành một điều quá bình thường, đến mức cả khách hàng lẫn bác sĩ sẵn sàng công khai đầy đủ quá trình dùng dao, kéo làm đẹp.
Không những từ bóng tối bước ra ánh sáng, phẫu thuật thẩm mỹ theo thời gian còn đẻ ra lắm danh xưng nhân vật. Không ít người nổi tiếng nhờ phẫu thuật chuyển giới, rồi xuất hiện các mỹ nhân chỉnh sửa thẩm mỹ, tiếp theo là lớp người đẹp dao kéo và giờ đây là các sao “đập mặt làm lại”. Với thế giới nhan sắc ở châu Âu, Mỹ, chuyện làm đẹp nhờ dao kéo đã là chuyện xưa, nhưng tại VN nó đang hot, và có lẽ năm nay trào lưu này trúng mùa.
Từ giải phẫu chỉnh hình đến phẫu thuật làm đẹp
Trong tàng thư lịch sử giải phẫu học, người ta thấy những bức ký họa ghi lại công đoạn giải phẫu chỉnh hình một số bộ phận cơ thể bệnh nhân được lưu giữ cẩn thận. Giờ đây, nhờ công nghệ livestream, có đến 4,5 triệu người đã theo dõi bác sĩ người Mỹ Matthew Schulman trình diễn trực tiếp ca... nâng vòng 3 cho một nữ khách hàng 25 tuổi!
Rachel Weisz -siêu sao Hollywood nói không với phẫu thuật thẩm mỹ |
Giải phẫu thẩm mỹ ra đời sau giải phẫu tạo hình rất lâu. Kỹ thuật chỉnh sửa cơ thể đã có thuật ngữ riêng xuất hiện lần đầu trên thứ giấy cói papyrus của Ai Cập cổ từ năm 3.000 trước Công nguyên. Đến năm 800 trước Công nguyên, nó bắt đầu được thực hiện tại Ấn Độ. Ở thế kỷ 1 trước Công nguyên, Trung Quốc từng tiến hành ngược lại, làm biến mất bộ phận sinh dục nam để có những hoạn quan.
Thế nhưng, khi phẫu thuật thẩm mỹ xuất hiện, nó lại bị nghiêm cấm ở thời Trung cổ vì lý do tôn giáo, thần linh và đạo đức. Mãi đến Thế chiến 1, trào lưu này mới khởi sắc ở châu Âu khi các bộ phận cơ thể của binh sĩ nam, nữ bị thương được tái tạo và tân trang. Điều bất ngờ thú vị là người đầu tiên trên thế giới hưởng thành tựu dao kéo chỉnh hình làm đẹp năm 1917 lại là chàng thủy thủ tên Walter Yeo, chứ không phải là một cô gái!
Do dựa trên cơ sở khoa giải phẫu cơ thể học, nên phương Tây xuất phát sớm, đi nhanh và thành công hơn Đông phương. Công nghệ giãn xương kéo hàm đã có từ năm 1919, sửa mũi năm 1923, riêng kỹ thuật lột da mặt đến năm 1931 mới ra đời. Còn hiện nay đã có đến gần 20 bộ phận trên con người có thể được nâng cấp làm đẹp, với trung bình 12 triệu ca mỗi năm, tiêu tốn gần 20 tỉ USD toàn cầu, trong đó nâng ngực nữ chiếm ưu thế áp đảo.
Nhan sắc đang là yếu tố lớn quyết định đến thành công, không chỉ với cuộc đời mà cả trong ngành giải trí, trình diễn, một nền công nghiệp vốn chủ yếu mang chức năng nghe nhìn. Khi phần “nhìn” thắng thế, những ca sĩ, diễn viên, người mẫu, MC... tất phải trông sao cho được, cho đẹp. Tạo hóa không ưu ái ngoại hình đại trà cho nhân loại, nên ai chưa hoàn hảo sẽ cần thứ gì đó để đạt sở nguyện. Ngành giải phẫu thẩm mỹ ra đời và trở thành trợ thủ đắc lực.
Nước ta đi sau nhưng phất mạnh. Siêu mẫu Xuân Lan từng tiết lộ có đến 75% giới giải trí Việt đã nhờ cậy phẫu thuật thẩm mỹ, với 3 thứ trên cơ thể được “đầu tư” nhất, là sửa mũi, chỉnh mắt và nâng ngực. Gọi 2017 là năm được mùa của nền công nghiệp dao kéo làm đẹp Việt cũng không quá, khi hàng loạt tên tuổi đã tự công khai danh tính ra công luận, không thèm úp úp mở mở hay chối đây đẩy như trước. Ồn ào dậy sóng mạng có Phi Thanh Vân, Quế Vân, Maya, Đức Phúc; gây sốc có Tùng Sơn, Chu Khả Hiếu, hotgirl chuyển giới Trần Đoàn. Ngay chuyện “đập mặt làm lại” vì đủ lý do của người bình thường nay ai cũng được biết. Các đương sự không còn phải lén lút đầu tư như xưa, mà mạnh dạn khoe hẳn ra là nhờ chồng hay chính cha mẹ cho tiền để thay nhan đổi sắc.
Đôi môi mọng gợi cảm tạo nên sự quyến rũ chết người của Angelina Jolie là cảm hứng của không ít ca phẫu thuật thẩm mỹ |
Phẫu thuật thẩm mỹ, vũ khí mới trong cuộc cách mạng nữ quyền
Từ cấm kỵ đến công khai, phong trào phẫu thuật thẩm mỹ thực sự có mặt tích cực rất lớn, một hình thái nữ quyền mới. Cuộc cách mạng phái tính đã đem lại cho phụ nữ nhiều thứ quyền, từ học tập, làm việc, làm mẹ và giờ đây là quyền làm đẹp. Phẫu thuật thẩm mỹ đang là thứ vũ khí tối thượng để thế giới Eva lớn mạnh và vươn tầm. Nhờ dao kéo thẩm mỹ, lớp người chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ đã giúp phái yếu tăng thêm dân số. Nó khiến các cô gái bình dân tự tin ngoại hình để xông xáo kiếm việc, tiến thân. Nhan sắc đẹp hơn còn giúp người phụ nữ tự chủ trong hôn nhân, các bà mẹ sau khi sinh sống độc lập, mạnh mẽ và bảo vệ tốt hạnh phúc gia đình.
Mỹ nhân chuyển giới Yoshi Rinrada Thurapan vừa giành chiến thắng tại Miss Tiffany\'s Universe 2017 là đại diện điển hình cho thành quả của nền công nghiệp làm đẹp. Nhờ giới này, mỗi kỹ thuật trong từng công đoạn của quy trình tôn tạo nhan sắc được phát triển vượt bậc, từ phẫu thuật thay đổi bộ phận sinh dục, thẩm mỹ từng phần cơ thể, gây mê, điều trị hormone, chăm sóc da, chỉnh giọng đến tư vấn tâm lý, sử dụng mỹ phẩm và các điều trị khác.
Mỹ nhân chuyển giới Yoshi Rinrada Thurapan vừa giành chiến thắng tại Miss Tiffany\'s Universe 2017 là đại diện điển hình cho thành quả của nền công nghiệp làm đẹp |
Trong phạm trù hình mẫu nữ quyền mới, những ai khiếm khuyết ngoại hình đã có phẫu thuật thẩm mỹ làm cứu tinh để trút bỏ mặc cảm, ngẩng mặt với đời. Người nào đẹp sẵn sẽ bừng sáng hơn để thăng hoa nghề nghiệp. Cô nàng bị chê xấu sẽ cám ơn dao kéo vì có được nhan sắc “coi được” để tự tin hòa nhập, “chiêu phu” và chinh phục việc làm. Quý bà có thêm trợ thủ để hoàn hảo nét duyên hay sự sang trọng của mình khi chọn một bộ phận nào đó chưa ưng ý để tôn tạo.
Phẫu thuật thẩm mỹ cũng là sức mạnh để những phụ nữ truân chuyên đường đời “tắt đèn làm lại” sau những đổ vỡ tình yêu, hôn nhân. Các bà mẹ sau sinh sẽ chẳng còn e ngại chuyện ngoại hình xuống cấp gây trầm cảm, giảm hạnh phúc hôn nhân. Đã có đủ thủ thuật riêng dành cho họ trong “nhà kho” phẫu thuật thẩm mỹ. 49% trong số họ đã đi nâng ngực, 55,8% độn mông, 47% hút mỡ, 9% làm đẹp nhũ hoa và 64% tân trang vùng kín từ thu nhỏ, tẩy, cấy lông, làm hồng.
Phẫu thuật thẩm mỹ cũng có thể được tính là một khả năng của nữ quyền khi nó... hấp dẫn được cả cánh đàn ông lao vào. Trong vòng 15 năm, từ 2000 - 2015, tỷ lệ phẫu thuật làm đẹp ở nam giới đã tăng đến 337%. Nhóm Adam nhờ dao kéo để đẹp trai là chính hầu hết dồn vào dân giải trí Hollywood và các anh chàng Hàn Quốc theo trào lưu chuẩn đẹp đàn ông nước mình. Còn đa phần nhờ đến phẫu thuật thẩm mỹ để tăng nam tính, biểu lộ cái tôi phái mạnh hoặc để phục vụ chất đàn ông trong “chuyện ấy”. Họ phá nốt ruồi, căng da mặt, dùng thuốc tăng cơ cho ngực nở mông đầy, chỉnh sửa kích cỡ “cậu nhỏ”. Thậm chí, nay có thêm cả thuật ngữ Scrotox, tức tiêm Botox vào tinh hoàn để bìu căng, đầy, không nếp nhăn, ít ẩm ướt cũng như hỗ trợ tâm lý hưng phấn tình dục.
Gian nan thay dung nhan đổi tướng mệnh Tốn công sức, tiền của, chịu đau đớn để đổi mới ngoại hình.
Đó là những hy sinh mà các cô gái phải chấp nhận khi hiến mình cho phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, vẫn còn trở ngại khác các khách hàng phải chịu thử thách, đó là quay cuồng giữa đám hỏa mù các chuẩn làm đẹp, bởi chúng đa dạng, biến đổi theo thời gian, truyền thống và trào lưu xã hội, không biết đâu mà lần.
Chẳng hạn mặt đẹp của gái Nhật không thể thiếu “yaeba”, tức răng khểnh. Chuẩn đẹp của Hàn Quốc là mặt trái tim trán chữ M và cằm V-line, còn ở Iran mũi mà xấu là chưa thể xem là xinh. Xét theo quốc gia cũng lắm chuẩn. Với người da trắng, cái đẹp nằm ở vòng 1, người da đen và Caribe trọng vòng 3, còn dân châu Á lại quan tâm đến gương mặt. Nếu tính theo thống kê các ca phẫu thuật thẩm mỹ, Ấn Độ kéo chân nhiều nhất trong khi phụ nữ Brazil dồn tiền nâng ngực, bụng và mông.
Bryan Ray |
Ares Luis Padron |
Joan Rivers |
Michael Jackson |
Người ta nói năm 2017 này khuynh hướng sắc đẹp phái nữ là da nâu, môi dày, lông mày ngang hay xếch, hông quả táo, cằm tròn, cằm chẻ hay ngực lép. Vậy khi định tu sửa, các cô biết mẫu nào mà chọn, theo cũ hay theo mới? Ai thần tượng các sao nữ Hollywood, xem ra dễ quyết hơn. Khi ấy, các nàng chỉ việc làm môi của Angelina Jolie, mũi của Julia Roberts hay Nicole Kidmans, bụng của Giselle Bundchen, ngực của Pamela Anderson, mông của Jennifer Lopez, hay cặp giò của Cameron Diaz, Sharon Stone...là xong.
Cánh đàn ông nhẹ nhõm vì chuẩn đẹp hình thể nam giới trong 150 năm qua chỉ quanh quẩn từ mập bụng, mỏng cơm, tóc dài phóng khoáng đến cơ bắp, nam tính, khỏe mạnh lịch lãm. Còn khuôn mặt hoàn hảo đã có sẵn chuẩn tỷ lệ vàng do người Hy Lạp cổ đại nghĩ ra. Người Anh đã sử dụng tỷ lệ vàng này (π = 1,618) để viết chương trình tính toán được sao nam nào có tỳ lệ vàng cao nhất trên các đường nét khuôn mặt. Chàng nào muốn sửa mặt cho đẹp cứ dựa vào đấy mà làm. George Clooney hoàn hảo nhất. Ryan Gosling có mũi nam thần, ca sĩ Harry Styles ấn tượng đôi mắt, còn cầu thủ David Beckham được chấm điểm 10 ở cặp giò.
Khi chọn chuẩn để phẫu thuật thẩm mỹ cơ thể, lại có người, nhất là dân Hàn, dựa vào thứ “chẳng giống ai”, đó là nhờ tướng số. Mũi nhỏ, thẳng, vầng trán cao và rộng sẽ đem lại sự giàu có. Mắt một mí không tốt cho đường tương lai, cái mũi sống gãy dễ gây bất hòa đôi lứa, vợ bơm thêm mỡ cho má phính hơn để công việc kinh doanh của chồng phát đạt. Người ta còn phẫu thuật thay đổi cả đường chỉ tay để cứu vãn tài sản, hôn nhân. Thế nên trước đây, trong giới văn nghệ sĩ nước ta thực sự có tồn tại một, hai quan niệm: “đi phá tướng cho đỡ xui” hay “cắt sửa dung nhan để mau nổi tiếng”.
Đổi tiền tỉ lấy vẻ đẹp như... yêu tinh
Giải phẫu trong y khoa còn ít nhiều nguy cơ rủi ro nên phẫu thuật thẩm mỹ cũng khó tránh. Những cái chết vì dao kéo làm đẹp đã xảy ra, nhưng vẫn được cho là hiếm. Danh sách các sao bị biến dạng hậu phẫu thuật trái mong muốn khá dài, từ Michael Jackson, Jocelyn Wildenstein, Joan Rivers, Donatella Versace đến Daryl Hannah, Melanie Griffith... còn kẻ vô danh, bình dân không ít. Sai sót y khoa vốn chẳng thể lường trước, muốn đẹp người ta đành phải liều ở một mức độ nào đó, biết làm sao được!
Tuy nhiên, điểm đáng nói là nhan sắc từ chỗ là một nhân tố phân biệt, giờ đã biến thành một giá trị ảo. Dao, kéo trong phòng thẩm mỹ đã làm cho xã hội tồn tại những sai lệch và bất công trong cách đánh giá con người qua bề ngoài. Hiện tượng giọng ca Susan Boyle trong “Britain’s Got Talent” chính là tấn bi hài kịch về cái lầm trong “xem mặt mà bắt hình dong”. Không ít người đã chọn vẻ đẹp của người khác, thường là người nổi tiếng để chuẩn hóa sắc đẹp của mình. Thế nên sắc đẹp trở nên na ná nhau và điển hình nhất là thế giới nhan sắc ở xứ sở kim chi.
Sự hiện diện của khoa phẫu thuật thẩm mỹ còn khiến sắc đẹp hiện nay gần như bị biến thành một thứ tín ngưỡng, bởi ngày càng có nhiều tín đồ sẵn sàng “tuẫn đạo” vì nó. Họ cố làm ngoại hình mình hoàn hảo nên sẵn sàng hành hạ cơ thể một cách mê muội. Thừa tiền chơi trội, a dua theo phong trào, nghiện phẫu thuật thẩm mỹ, chỉnh trang cho giống thần tượng... Đó là những mặt tiêu cực của tu sửa nhan sắc, không phải là mục tiêu làm đẹp củng cố nữ quyền mà phẫu thuật thẩm mỹ nhắm tới.
Biết nói sao về họ khi có những người như cô nàng Cindy Jackson, cam chịu giải phẫu thẩm mỹ trên cơ thể nhiều nhất thế giới chỉ để giữ kỷ lục Guinness càng lâu càng tốt. Rồi vì cứ tưởng tượng mình là hiện thân của nữ hoàng Ai Cập Nefertiti mà Nileen Namita, người phụ nữ 54 tuổi, đổ hết tiền bạc làm phẫu thuật cho thật giống nữ thần. Nghiện dao kéo còn có Joey Prixx, Sarah Burge thực hiện đến 100 ca phẫu thuật, Heidi Montag chịu 10 ca một ngày. Cũng khó thể hiểu nổi thứ ám ảnh kỳ dị nào xúi bẩy khiến anh chàng 25 tuổi Ares Luis Padron người Argentina bỏ ra hơn số tiền tương đương 1 tỉ đồng để giải phẫu bộ mặt chỉ để trông như một yêu tinh!
Những “dân chơi” đi phẫu thuật thẩm mỹ cho giống thần tượng có anh chàng Huang Jian người Thâm Quyến (Trung Quốc) chi hơn số tiền tương đương 3 tỉ đồng để được giống tỉ phú Jack Ma. Bryan Ray là đàn ông nhưng lại bỏ ra 14 năm sửa đi, chỉnh lại gương mặt cho giống cô ca sĩ nhạc pop Britney Spears. Nếu tính thêm sẽ có Jack Johnson tốn khoảng tiền tương đương 590 triệu đồng để có bộ mặt David Beckham. Bà mẹ 3 con 33 tuổi Tiffany Taylor đeo bám dao kéo để biến mình thành Ivanka Trump thứ hai.
Thế nên, những cái tên siêu sao Hollywood nói không với phẫu thuật thẩm mỹ như Kate Winslet, Rachel Weisz hay Emma Thompson dường như quá hiếm, chỉ đếm được trên đầu ngón tay.