Ngành Dầu khí với lợi thế về kinh nghiệm xây dựng các công trình trên biển sẽ có khả năng đóng góp rất lớn trong việc phát triển các dự án về điện gió ngoài khơi, góp phần đa dạng hóa nguồn năng lượng tái tạo, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong tương lai.
Tiềm năng lớn
Tập đoàn Dầu khí Bristish Petroleum (BP) ước tính, vào năm 2040, điện gió, điện mặt trời và các năng lượng tái tạo khác sẽ chiếm khoảng 30% nguồn cung điện năng trên thế giới. Đặc biệt, ở khu vực các nước châu Âu, tỷ lệ này có thể lên tới 50%. Ngoài ra, BP cũng đặt nhiều kỳ vọng vào tốc độ tăng trưởng của năng lượng tái tạo. Cụ thể, trong khi dầu mất gần 45 năm để tăng từ mức 1% năng lượng toàn cầu lên 10% và khí đốt mất hơn 50 năm, thì năng lượng tái tạo dự kiến sẽ làm được điều này trong vòng 25 năm. Năng lượng tái tạo dự kiến sẽ tăng 7,1% mỗi năm trong hai thập niên tới và thay thế than đá để trở thành nguồn năng lượng hàng đầu thế giới vào năm 2040.
Cánh đồng điện gió tại Bạc Liêu
Trong số các nguồn năng lượng tái tạo được khai thác, điện gió với nhiều ưu điểm đã phát triển với tốc độ vượt bậc, tăng theo hàm số mũ trong thập niên qua. Theo thống kê của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC), điện gió đã phát triển rộng khắp trên hơn 80 quốc gia, với tổng công suất lắp đặt toàn cầu năm 2016 lên đến 487 GW, trong đó 28 nước đã đạt công suất lắp đặt trên 1 GW.
Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năng gió lớn, tập trung chủ yếu ở vùng duyên hải miền Trung, miền Nam như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu… và các đảo.
Theo Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính có tốc độ gió trung bình hằng năm lớn hơn 6 m/s, ở độ cao 65m, tương đương với tổng công suất 512 GW. Đặc biệt, hơn 8% diện tích Việt Nam được xếp hạng có tiềm năng gió rất tốt (tốc độ gió ở độ cao 65m tới 7-8 m/s), có thể tạo ra hơn 110 GW.
Với những ưu đãi về điều kiện thiên nhiên như vậy, Việt Nam đã đặt ra lộ trình sẽ phát triển 800 MW điện gió vào năm 2020; 2.000 MW vào năm 2025 và 6.000 MW vào năm 2030.
Về lý thuyết, Việt Nam có thể phát triển đến 9,1 triệu MW năng lượng tái tạo, trong đó, điện gió đạt gần 2,1 triệu MW. Tuy nhiên trên thực tế, phát triển điện gió của Việt Nam vẫn còn rất hạn chế. Hiện tổng công suất lắp đặt mới đạt khoảng 228 MW (tính đến cuối năm 2018) - một con số khiêm tốn so với tiềm năng cũng như so với các nước đang phát triển điện gió trên thế giới.
Phát triển chưa tương xứng
Từ khi có Quyết định 39/2018/QĐ-TTg, đã có 16 dự án điện gió với công suất 1.190 MW được bổ sung vào quy hoạch. Bên cạnh đó, đang có 66 dự án điện gió với công suất 6.493 MW được các nhà đầu tư ồ ạt xin bổ sung vào quy hoạch để hưởng mức giá hấp dẫn 8,5 Uscent/kWh cho dự án trên đất liền và 9,8 UScent/kWh cho dự án ngoài khơi, với thời gian 20 năm, vận hành thương mại trước ngày 1-11-2021. Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà chuyên môn, tương tự các dự án điện mặt trời, dự án điện gió chưa được bổ sung quy hoạch đang phải đối mặt với rất nhiều thủ tục khi Luật Quy hoạch được áp dụng từ ngày 1-1-2019.
Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng chưa bảo đảm cũng là rào cản lớn đối với các nhà đầu tư vào điện gió. Các địa phương phê duyệt đầu tư nhiều dự án điện gió nhưng mạng lưới truyền tải điện chưa sẵn có. Trong khi đó, các dự án điện gió thường ở những nơi có phụ tải thấp, muốn nối lưới cần rất nhiều thời gian để xây dựng đường dây truyền tải. Thời gian bồi thường giải phóng mặt bằng rất lâu cũng là một rủi ro cho nhà đầu tư.
Theo ông Ashish Sethia, Giám đốc phân tích và cố vấn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tập đoàn Tài chính năng lượng mới Bloomberg, đầu tư cho điện gió là lĩnh vực đòi hỏi chi phí lớn. Vì vậy, hợp đồng mua bán điện của Việt Nam cần sớm được chuẩn hóa, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và được các tổ chức tài chính thế giới chấp nhận.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được đánh giá có năng lực lớn trong việc phát triển điện gió. Tuy nhiên, đến nay PVN vẫn mới chỉ tham gia vào một số công đoạn của dự án điện gió.
Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, ông Nguyễn Quốc Tuấn - Ủy viên HĐQT Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) cho hay, nguồn năng lượng như thủy điện đã khai thác đến giới hạn, đất để phát triển điện mặt trời cũng có giới hạn vì không phải chỗ nào cũng có thể tìm được nơi có bức xạ nhiệt cao, điện gió trên đất liền gặp nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng, trong khi đó, đầu tư điện gió ngoài khơi rất tiềm năng lại đang bỏ ngỏ. Để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, ngoài dầu, khí, điện, cần khuyến khích PVN đầu tư phát triển thêm nguồn điện gió ngoài khơi.
Dự án điện gió hiện nay đáng chú ý nhất là Dự án điện gió ngoài khơi mũi Kê Gà, Bình Thuận của Tập đoàn Enterprize Energy (Anh). Hiện Enterprize Energy đang khảo sát chi tiết, nghiên cứu và đầu tư xây dựng dự án. Diện tích khảo sát là 2.800km2, trong đó, khu vực dự án là 2.000km2 và khu vực cáp điện ngầm truyền tải về bờ là 800km2, cách đất liền tối thiểu 20km tính từ mũi Kê Gà. Dự kiến, tổng công suất của dự án là 3.400 MW với vốn đầu tư khoảng 11,9 tỉ USD. Mặc dù số vốn đầu tư lớn nhưng dự án được kỳ vọng có khả năng thu hồi vốn cao và cung cấp nguồn điện dồi dào.
Quy mô mỗi turbine mà các nhà đầu tư đang sử dụng có công suất 9,5 MW, kích thước cánh quạt rộng 180m, nặng 300 tấn. PVC được chọn là nhà thầu thi công một số hạng mục trên bờ và 31 chân đế trên biển; Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro được chọn là nhà thầu thi công 33 chân đế ở ngoài khơi. Dự kiến đầu năm 2022, dự án sẽ đưa vào bờ pha 1 với công suất 600 MW.
“Điện gió là một lĩnh vực hết sức mới và là xu thế của thế giới về phát triển năng lượng tái tạo. Tôi mong ngành Dầu khí có những chiến lược cụ thể hơn về phát triển nguồn năng lượng này, không nên chậm trễ khai thác mà bỏ lỡ một nguồn năng lượng vô cùng tiềm năng” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Dự án điện gió ngoài khơi Kê Gà được đánh giá là đột phá mới cho lĩnh vực năng lượng của Việt Nam. Nếu thành công, dự án sẽ mở ra một nguồn năng lượng xanh có công suất tới hàng chục nghìn MW, đồng thời sẽ hình thành một ngành kinh tế - kỹ thuật mới có giá trị đến hàng trăm tỉ USD. Trong đó, ngành Dầu khí với những lợi thế về kinh nghiệm xây dựng, lắp đặt các công trình trên biển sẽ có khả năng đóng góp rất lớn cho các dự án điện gió ngoài khơi có triển vọng trở thành hiện thực, góp phần đa dạng hóa nguồn năng lượng tái tạo, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong tương lai.
Bên cạnh đó, PVN cũng cần có những đánh giá, nghiên cứu, đầu tư đúng mức đối với các nguồn năng lượng tái tạo để có chiến lược phát triển đúng đắn, nhất là trong bối cảnh các nguồn dầu khí trong nước suy giảm.
Trong Dự án điện gió ngoài khơi mũi Kê Gà, Bình Thuận của Tập đoàn Enterprize Energy (Anh), PVC thi công một số hạng mục trên bờ và 31 chân đế trên biển; Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro thi công 33 chân đế ở ngoài khơi. Dự kiến đầu năm 2022, dự án sẽ đưa vào bờ pha 1 với công suất 600 MW. |
Check-in cánh đồng điện gió |
Cánh đồng quạt gió đẹp như thiên đường không thua kém nước ngoài ngay tại Việt Nam |