Trước dự thảo về phạt tiền giáo viên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng dự thảo chưa khả thi.
Mới đây, Bộ GD&ĐT vừa đưa ra Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để lấy ý kiến giáo viên, phụ huynh và các tầng lớp nhân dân.
Trong dự thảo, nghị định đưa ra nhiều chế tài để ngăn chặn những tiêu cực xảy ra trong môi trường giáo dục. Trong đó Điều 32 của dự thảo Nghị định quy định: "Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học.
Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học". Nếu vi phạm, giáo viên còn buộc phải xin lỗi công khai học sinh hoặc bị đình chỉ giảng dạy từ một tháng đến 6 tháng.
Phải định lượng được xúc phạm
Bày tỏ quan điểm trước dự thảo trên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ: "Trong thời gian vừa qua xảy ra vấn đề về việc xúc phạm nhau về mặt này mặt kia nhưng chuyện này không phải phổ biến mà chỉ là chuyện cá biệt.
Thứ hai là ngành giáo dục mình trước hết nặng về giáo dục học sinh. Những người vi phạm sẽ có chế tài. Tuy nhiên chế tài này phải nghiên cứu 1 cách kỹ lưỡng". Trong dự thảo có nói tới chuyện phạt tiền với giáo viên với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ đặt ra câu hỏi thế nào là xúc phạm, mức độ xúc phạm thế nào?.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ phân tích: "Phải định lượng được xúc phạm ở đây ở mức độ nào. Ví dụ một học sinh không chịu học, cuối cùng nhiều lần quá thầy giáo thuyết phục mãi nên có thể sẽ mắng "tại sao em lại lười học thế", thậm chí nói câu nặng hơn "tại sao lại ngu như thế" nếu như tức giận. Câu nói đó bảo là xúc phạm thì là xúc phạm nhưng mức độ của nó khác nhau. Thậm chí đánh vào tay vào má các em một cái thì có được gọi là đánh vào thân thể không?.
Vậy nên với dự thảo này phải nghiên cứu và quy định về định lượng. Có định lượng rồi thì mới có chế tài. Chế tài của ngành giáo dục trước đó là góp ý, phê bình, cảnh cáo. Bây giờ dùng tiền tài cũng là chế tài nhưng phải xem thử lương của giáo viên được vài trăm, vài triệu mà bị phạt thế liệu ổn thỏa không?.
Hơn nữa phạt ở đây là ai phạt? Trong dự thảo chưa thấy quy định hiệu trưởng phạt hay người nào phạt? Tiền đó đưa vào quỹ gì, như thế nào và sử dụng ra làm sao?
Tôi thấy dự thảo này chưa khả thi bởi chưa có nghiên cứu thấu đáo về chuyện đó. Phải đưa ra những quy định đúng và phù hợp với ngành giáo dục của mình. Ở đây không giống với chuyện anh ra ngoài đường vi phạm xe cộ mà đây là chuyện giữa con người với con người, rất khó để xác định và phải nghiên cứu 1 cách chu đáo".
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nêu một số hạn chế của dự thảo mới này: "Với dự thảo này yêu cầu phạt nhưng giáo viên không chịu phạt thì làm gì?.Ví dụ lương chỉ có 4-5 triệu, lương không đủ nuôi con có gì tích lũy đâu. Bây giờ phạt vài chục triệu thì lấy tiền đâu ra. Vậy nên phải đặt thân phận mình vào để giải quyết vấn đề đó.
Có những giáo viên hợp đồng lương ít ỏi, thậm chí có nơi giáo viên mầm non lương còn có 1,5 triệu, vậy nên vấn đề này phải đươc nghiên cứu kỹ lưỡng, không nên vôi vã đưa ra sẽ gây nên phản ứng nhất định của xã hôi và không hay".
Giáo viên mất thiện cảm với học sinh nếu bị phạt
Bày tỏ quan điểm trước dự thảo mới trên, cô giáo Dư Thị Lan Hương, giáo viên thỉnh giảng Trường THCS Chu Văn An, quận 1 (TP.HCM) bức xúc nói: "Đây là hình thức giới hạn vi phạm có kết quả cao, đồng thời xúc phạm không ít đến giáo viên. Bởi lẽ, lương giáo viên rất khiêm tốn, nếu chịu phạt thì có thể phải vay tín dụng nộp phạt nếu vi phạm.
Nghề sư phạm sẽ ngột ngạt khi phải luôn phòng thủ. Học sinh sẽ ngày càng lạc lối vì giáo viên không ai dám hết lòng dạy dỗ nữa bởi không có tiền đóng phạt".
Cô giáo Hương buồn rầu nói: "Giáo dục có ý nghĩa to lớn không gì sánh được nhưng bị quyết toán giá cả rõ ràng, tôi thấy rất buồn!. Muốn giáo dục những người làm giáo dục không thể lấy tiền ra dọa mà phải có cách làm cho họ tâm phục khẩu phụ chứ không thể thực dụng như tội phạm được. Chúng tôi thấy tủi thân lắm.
Hơn nữa, nếu phạt giáo viên 30 triệu, liệu có phạt phụ huynh 60 triệu vì thiếu lễ độ hay không?".
Theo cô Hương, đi dạy học trăm áp lực, giờ lại e dè thấp thỏm sợ phạt tiền thì theo tôi nên bỏ nghề. Nếu giáo viên cứ không thèm la rầy học trò thì sẽ khiến các em làm loạn và không ngoan. Nếu cứ như vậy giáo viên sẽ y như robot, không nói, không gần gũi.
"Hơn nữa dự thảo nếu được thực hiện sẽ khiến giáo viên hiểu rõ là tại nghèo nên cứ đem tiền ra dọa là được? Bởi từ lâu phụ huynh giàu có hay tỏ thái độ khinh khi giáo viên nghèo" - cô Hương nêu quan điểm.
Cô Hương cho rằng: "Theo tôi giáo viên hay phụ huynh xúc phạm nhau nặng nề thì xử hình sự chứ nộp tiền giống như né tội. Nếu giáo viên phải nộp phạt sẽ nhìn học trò mất thiện cảm vì tại học trò mà giáo viên phải nộp phạt. Hơn nữa nếu bảo giáo viên nộp 30 triệu nhưng không có tiền nộp thì phải làm sao?. Tôi thấy dự thảo này khó khả thi".
Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục: Phạt tiền chỉ là biện pháp “cắt ngọn”!
Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đưa ra ... |
Đánh học sinh có thể bị phạt 30 triệu, giáo viên hoang mang
Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục mà Bộ GDĐT đang đưa ra lấy ý kiến dư ... |
Bắt con nhịn ăn, bố mẹ có thể bị phạt đến 15 triệu đồng
Phụ huynh, người sử dụng lao động có thể bị phạt tiền 20-25 triệu đồng nếu bóc lột sức lao động trẻ em, bắt trẻ ... |