Cả một năm, phụ nữ cũng đầu tắt mặt tối lo công việc xã hội như đàn ông, về nhà lại lo chăm sóc chồng con mà Tết không được hưởng một ngày rong chơi. Tôi phát ngấy cái lề thói bắt phụ nữ ngày Tết chỉ quẩn quanh góc bếp cho đúng phận, nữ nhà văn Hàn Vi bày tỏ quan điểm.
Nữ nhà văn trẻ Hàn Vi đã có những chia sẻ gửi VTC News để bày tỏ quan điểm về ước mong "thoát khỏi kiếp osin" của người phụ nữ đã có gia đình trong những ngày nghỉ Tết:
Những ngày cuối năm, ngồi tĩnh lại một góc quen cũ, vẫn là không gian đó nhưng đâu đó không khí đang mang hương vị ngày Tết khiến người ta nao nao trong lòng. Ngoảnh đi nhìn lại trong đám gái xuân có mình là xuân sắc chẳng phải lo chuyện năm này ăn Tết ở đâu. Vì vẫn là gái độc thân nên chỉ còn chỗ ở nhà ăn Tết với bố mẹ mà thôi.
Ấy thế, nhìn mấy nhỏ bạn thân lo cái Tết cho gia đình, cho nội ngoại mà mình cũng phát ngấy như thể ăn đẫy một miếng bánh chưng mỡ thịt. Nghĩ mà thấy mình sướng, sướng hơn bao phụ nữ đã có chồng ở cái chỗ mình được chơi Tết, được hưởng hết cái đẹp của mùa xuân, được nghỉ dài hơi hết mươi ngày Tết sau 365 ngày vùi mình vào công việc.
Thế nào lại nhớ đến cô bạn thân, kể cũng tròn trĩnh một năm ngày hai đứa không có buổi hẹn hò nào. Nhớ ra thì hai đứa gặp nhau cách trọn một năm cũng độ Tết năm ngoái mà thôi. Buổi gặp chia tay nhau chỉ sau câu nói của cô bạn: “Thôi buôn thế với mày, tao về lo cơm nước ngày Tết”.
Nữ Nhà văn trẻ Hàn Vi. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Tôi chỉ kịp nói: “Ô hay! Ngày nào mà mày chả lo cơm nước, Tết nhất phải dành thời gian cho bạn bè tí chứ cái con này”. Tưởng đâu bạn tôi hưởng ứng ngồi lại nhâm nhi cà phê luyên thuyên thêm đôi chuyện. Ấy vậy, đứng lên khoác vội cái áo, cười nhoẻn đáp: “Gái có chồng không như bà cô”.
Đấy! Có chồng là bộn bề thế đấy, chứ ai tung tẩy như mình. Nghĩ vậy nhưng cũng lo lắm: “Biết đâu sau này tôi cũng chẳng được ngồi đây mà thảnh thơi như thế này. Có khi cũng đang tạp dề treo cổ, bộ đồ ngủ ám mùi dầu mỡ, tay dao tay thớt, nấu nướng, dọn dẹp, tóc tai bù xù như tổ quạ. Lạ thay, tại sao phụ nữ phải quẩn quanh trong bếp mỗi dịp Tết?"
Thiết nghĩ, phận nữ nhi “nữ công gia chánh” chẳng sai. Nhưng xét lại cả một năm, phụ nữ cũng đầu tắt mặt tối lo công việc xã hội như đàn ông, về nhà lại lo chăm sóc chồng con, rồi họ còn lo đối nội, đối ngoại, lo hết cả việc nhà việc bếp mà Tết không được hưởng một ngày rong chơi. Tôi phát ngấy cái lề thói bắt phụ nữ ngày Tết chỉ quẩn quanh góc bếp cho đúng phận.
Phụ nữ thành thị, phụ nữ nông thôn, phụ nữ công sở, phụ nữ lao động chân tay, hay bất kỳ ai là phụ nữ thì họ đáng được hưởng cái quyền chơi Tết chứ không phải ngồi quẩn quanh trong góc bếp hết nấu rồi dọn. Nhà văn Hàn Vi |
Một năm đã nấu nướng sớm tối, Tết về lại tối sớm hết cơm cúng gia tiên, lại đến cơm tiễn khách, tiệc tùng... Bảo sao chị em không hoảng hồn mỗi khi Tết gõ cửa. Bữa Tết, có năm nhìn mẹ tôi tất tả làm cơm từ chiều 30 đến hết 3 ngày Tết thấy mà hãi. Cứ hết mâm cao cỗ đầy, lại bày một chậu mâm bát ra rửa dọn.
Thời buổi bình đẳng, phụ nữ cũng muốn được đi chơi Tết, muốn được tụ tập với đám bạn lắm chứ. Nói đến đây thì nhiều người nghĩ rằng chỉ có phụ nữ thị thành phóng khoáng mới như vậy, còn phụ nữ thôn quê thì khác, vẫn ăn mâm dưới, vẫn lo cho cả một nhà từ già đến trẻ trong ngày Tết.
Tôi không đồng tình, thử đăng đàn mạng xã hội mà hỏi phụ nữ có ai thích Tết ngồi xó bếp lo cơm nước dọn dẹp hay không? Phụ nữ thành thị, phụ nữ nông thôn, phụ nữ công sở, phụ nữ lao động chân tay, hay bất kỳ ai là phụ nữ thì họ đáng được hưởng cái quyền chơi Tết chứ không phải ngồi quẩn quanh trong góc bếp hết nấu rồi dọn.
Để những người phụ nữ kia dám nói ra niềm khao khát của mình đã khó, việc mở lời nói với chồng, mẹ chồng rằng: “Chồng ơi, em hẹn bạn hôm nay đi chơi Tết, ăn uống tiệc Tết; Mẹ à, mẹ đỡ con cơm bữa nay, Tết nhất bạn bè gặp mặt con ra ngoài chút..." còn khó hơn gấp nhiều lần.
Chưa cần mở lời, ý nghĩ đó đã bị dẹp bỏ ngay lập tức. Quan niệm xưa nay vốn phụ nữ mà ra ngoài tụ họp bạn bè, tiệc tùng là giống hư đốn. Ôi sao lại thế? Tết là sum họp. Cái lý sum họp gia đình là hiển nhiên, nhưng cái lý Tết để sum họp bạn bè, đây đó cũng đâu có sai?
Cái đáng nói nữa, sinh phận con gái, nhỏ thì lo ở nhà bố mẹ đẻ, xuất giá xa rời vòng tay bố mẹ gánh thêm gia đình nhà chồng. Người ta nói chưa thoát cái bếp này đã có cái lò khác đón là thế.
Nhìn lại bao bạn bè chồng con cả, chúng nó có đứa sướng đứa khổ. Có cô bạn lấy chồng xa nhà cả trăm cây số nhưng lại được mẹ chồng nuông chiều như con đẻ. Cái chuyện cô bạn của tôi cũng từng lên báo. Nhắc đến chuyện nàng dâu Tuyên Quang được mẹ chồng dẫn đi mua vàng chắc nhiều bà mẹ bỉm sữa sẽ nhớ.
Nay gọi nó trò chuyện hỏi han xem Tết nhất có lo xó bếp không để còn hẹn hò bữa nhậu. Mà nó phán câu: “Cứ về rảnh thì gọi em”. Tôi bông đùa nó: “Tết mà không lo cơm nước nhà chồng à? Nó cứ cười kể hào hứng: “Em không, nhà em mẹ chồng chả bắt làm, có nấu nướng thì cả nhà cùng vào bếp mỗi người một tay, ăn xong rồi dọn. Có khi em vào bếp mẹ chồng em lại đuổi đi ra cho rộng chỗ khỏi vướng chân vướng tay bà”.
Tôi ngạc nhiên, lại thêm câu nữa hỏi xem chồng em nó có ý kiến gì không. Nó lại hềnh hệch cười trả lời: “Chồng em cũng được cái biết san sẻ với vợ, không làm việc này thì làm việc kia, nên Tết đến em thấy bình thường lắm. Em không lo nghĩ gì, Tết cũng như ngày bình thường thôi”.
Hình ảnh quen thuộc của người phụ nữ những ngày lễ, Tết. (Ảnh minh họa)
Đoạn nói đến đây ai cũng lẩm nhẩm “phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng”. Đúng là vậy. Nhưng cớ sao phụ nữ chúng ta cứ phải quan niệm sinh ra làm phụ nữ thì việc bếp núc là việc chính, chỉ có phụ nữ phải nhúng tay vào. Nếu quẩn quanh trong bếp thế cần gì sắm mấy bộ đồ đẹp, cả nghĩ mặc váy kim sa đi chặt gà, tóc thả bồng bềnh rửa chén lau đĩa có hợp không?
Tay móng dài đính đá cũng chỉ ngâm trong bọt nước rửa thì thôi bỏ cả đống tiền làm đẹp chả để ai ngắm. Có chi mà ông chồng nào nghĩ được cho vợ lỡ có về nhà bố mẹ chồng phải xắn tay lên dọn dẹp ra khẽ thủ thỉ với vợ: “Vợ rửa xong có hỏng móng mai anh lại đưa vợ đi làm nhé, ở nhà bố mẹ vợ chịu khó chút”.
Hay chỉ cần câu an ủi: “Anh thấy em mua cái váy body treo trong tủ đẹp đấy, mặc bộ đó đi diện với bạn bè ngày Tết hết ý; Vợ nấu gì đẻ anh phụ cho, chặt gà đơm xôi chuyện này để anh, vợ bày món ra mâm đi”.
Ừ thì, được vài câu đại loại ngọt ngào như vậy thì Tết sá gì cái chuyện bếp núc, cố nấu cả chục mâm cỗ phụ nữ cũng thấy nhẹ không.
Vốn góc bếp được cho là nơi “giữ lửa hạnh phúc gia đình” của phụ nữ, nhưng thật tâm ngày Tết ngọn lửa hạnh phúc ấy cũng có đốm tàn làm cháy tâm can của bao người phụ nữ.
Cứ nghĩ đến Tết ngày ở với bố mẹ, được thỏa thích chơi, dẫu có vào bếp nhưng còn có mẹ cùng chung tay, rồi nghĩ nay cơm nước lủi thủi một mình, ngoài phòng khách cả nhà chồng chuyện to nhỏ, chúc tụng cười vui thì sao phụ nữ không chạnh lòng.
Cái phụ nữ cần không phải được ăn chơi đây đó, được nhậu nhẹt thả ga như các ông chồng, cũng không phải họ cần một bà mẹ chồng nuông chiều... mà cái phụ nữ cần đó là tự do cho chính cuộc sống của mình.
Họ cần được nghỉ ngơi, tạm rời xa góc bếp thân quen quá đỗi suốt 365 ngày để được hưởng không khí Tết không có mùi dầu mỡ ám trên mái tóc uốn lọn, bàn tay mười ngón được trang trí sơn màu gọn đẹp, được mặc những bộ đồ nhung lụa tung tăng dạo phố như cô gái xuân xanh.
Phụ nữ cứ được vậy họ lại đầy năng lượng để chạy đua với thời gian, hăng say với công việc, chăm lo cho chồng con cả đời, cả kiếp chẳng kêu than đâu.
Chúng ta cứ mãi nói mấy cụm từ: “Tết sum vầy, Tết sẻ chia”, vậy phụ nữ không được sum vầy bên bố mẹ đẻ, bên gia đình nơi mình sinh ra thì ít nhất họ cũng được chia sẻ công việc nội trợ, được hưởng không khí trong những ngày Tết.
Giá mà, đức ông chồng nào cũng có thể hiểu cho vợ cả năm có cái Tết sắm hết đồ đẹp, tút tát nhan sắc rồi phải được ra ngoài chơi diện thì chả có phụ nữ nào sợ góc bếp ngày Tết đến thế.
\'Cò vé\' hoạt động rầm rộ, hành khách bị sang tay ngay Bến xe Miền Đông
Không chỉ xuất hiện "cò" lôi kéo hành khách, mà chính nhân viên bán vé trong quầy tại Bến xe Miền Đông cũng bán vé ... |
Đạo diễn Lê Hoàng: Chị em hãy tung tăng về nhà ngoại ăn Tết nhanh lên!
“Cũng là phận làm con, ngày tết phụ nữ cũng mong mỏi được sum vầy bên gia đình bố mẹ đẻ. Hà cớ gì phải ... |