Nhật Bản phát hiện thêm ba tu nghiệp sinh Việt Nam làm công việc tẩy xạ gần nơi xảy ra thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011.
Cảnh sát và quân đội Nhật Bản tham gia chiến dịch tìm kiếm các nạn nhân trong vòng bán kính 20 cây số từ lò phản ứng hạt nhân Fukushima Dai-ichi, hồi tháng 4/2011. Ảnh: AP.
Cục nhập cư thuộc Bộ Tư pháp Nhật Bản đang điều tra nghi vấn có thêm người nước ngoài bị buộc dọn dẹp rác phóng xạ ở các khu dân cư gần Fukushima, nơi xảy ra cuộc khủng hoảng rò rỉ hạt nhân vào tháng 3/2011, Kyodo đưa tin.
Theo Liên đoàn Lao động Zentouitsu, chuyên hỗ trợ các thực tập sinh nước ngoài, ba thanh niên Việt Nam đến Nhật Bản vào tháng 7/2015 theo diện thực tập sinh của công ty xây dựng có trụ sở ở thành phố Koriyama, tỉnh Fukushima, đã làm công việc tẩy xạ ở tỉnh này từ 2016 đến 2018.
Hợp đồng lao động chỉ miêu tả công việc của ba người là lắp đặt khung kết cấu và gia cố khung thép. Và công ty xây dựng không giải thích chi tiết nội dung công việc tẩy xạ với các lao động Việt Nam.
Hồi tháng 3, một thực tập sinh Việt Nam khác tố cáo công ty xây dựng ở tỉnh Iwate đã lừa anh này hàng chục lần đến khu vực dân cư tại thành phố Koriyama thuộc Fukushima để làm công việc tẩy xạ.
Sau khi sụ vụ bị phanh phui, Bộ Tư pháp Nhật cùng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi đã ra thông cáo chính thức tuyên bố rằng công việc tẩy xạ không phù hợp với mục đích của Chương trình Học viên Thực tập Kỹ thuật (TITP) dành cho lao động nước ngoài vì các thực tập sinh nước ngoài đến Nhật để tập trung học kỹ năng nghề, trong khi đó, công việc tẩy xạ không phải là một nghề phổ biến ở Nhật. Cơ quan này kết luận, bắt đầu từ bây giờ, sẽ yêu cầu các công ty phải cam kết không thuê lao động nước ngoài làm công việc tẩy xạ.
Để đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động do già hóa dân số và tỉ lệ sinh thấp, vào năm 1993 chính phủ Nhật bắt đầu mở cửa cho lao động nước ngoài thông qua chương trình cấp thị thực tu nghiệp sinh.
Trong khuôn khổ chương trình TITP, các công ty hoặc tổ chức Nhật mời lao động nước ngoài sang Nhật làm việc với tư cách là thực tập sinh muốn nâng cao tay nghề. Nhưng nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng chương trình này để bóc lột người lao động. Theo thống kê, năm 2016, có đến 70,6% tổng số các doanh nghiệp thuê "tu nghiệp sinh" nước ngoài vi phạm luật lao động bao gồm bắt công nhân làm thêm quá số giờ quy định, không trang bị bảo hộ lao động hoặc trả lương rẻ mạt.
Tu nghiệp sinh Việt Nam tố bị lừa đi dọn phóng xạ ở Nhật
Một người lao động Việt Nam cho biết anh ký hợp đồng sang Nhật làm kỹ sư nhưng bị lừa đến dọn rửa các khu ... |
An Hồng