Pháp bất ngờ triệu hồi đại sứ, Mỹ và Australia nói gì?

Cả Mỹ và Australia lấy làm tiếc trước quyết định của Pháp khi triệu hồi đại sứ tại Washington và Canberra về nước.

Người phát ngôn của Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne cho biết: “Australia hiểu rõ sự thất vọng sâu sắc của Pháp với quyết định của chúng tôi. Quyết định được đưa ra phù hợp với các lợi ích an ninh quốc gia. Australia coi trọng mối quan hệ với Pháp - đối tác quan trọng và đóng góp vào sự ổn định, đặc biệt là ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều này sẽ không thay đổi".

Người phát ngôn cho biết Australia và Pháp chia sẻ nhiều vấn đề quan tâm và “chúng tôi mong muốn được hợp tác với Pháp một lần nữa”.

Pháp bất ngờ triệu hồi đại sứ, Mỹ và Australia nói gì? - 1
Pháp triệu hồi đại sứ tại Mỹ và Australia sau khi cả hai quốc gia này đạt được hiệp ước quân sự và hợp đồng tàu ngầm mới. (Ảnh: Reuters)

Trong khi đó, hôm 17/9, Nhà Trắng bày tỏ lấy làm tiếc về việc Pháp triệu hồi Đại sứ tại Mỹ để tham vấn, đồng thời khẳng định Mỹ muốn giải quyết căng thẳng thông qua đường ngoại giao.

“Chúng tôi lấy làm tiếc khi Pháp thực hiện bước đi này, chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi trong những ngày tới để giải quyết những khác biệt như từng làm trong các vấn đề khác trong mối quan hệ đồng minh lâu năm”, quan chức Nhà Trắng cho hay.

Phản ứng của Australia và Mỹ được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cùng ngày thông báo nước này đã triệu hồi Đại sứ tại Mỹ và Australia để tham vấn sau khi Australia ký kết thỏa thuận với Mỹ và Anh để đóng tàu ngầm hạt nhân, và xé bỏ hợp đồng tàu ngầm trị giá 90 tỷ USD hiện có với Pháp. Điều đó khiến các quan chức cấp cao của Pháp cáo buộc Mỹ "đâm sau lưng".

Mỹ, Anh và Australia thông báo sẽ thiết lập quan hệ đối tác an ninh 3 bên, được gọi là AUKUS, ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. AUKUS cho phép Mỹ và Anh cung cấp cho Australia công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân. Điều này khiến Canberra quyết định rút khỏi thỏa thuận mua tàu ngầm của Paris.

AUKUS được xem là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Tổng thống Joe Biden nhằm phát triển quan hệ đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để cạnh tranh với Trung Quốc trên các khía cạnh quân sự, kinh tế và ngoại giao. Ông cũng đã mời các nhà lãnh đạo của Australia, Ấn Độ và Nhật Bản đến Nhà Trắng vào tuần tới để dự hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của các nước được gọi là "Bộ tứ" - QUAD.

/ vtc.vn