Phần mềm chống gian lận trong học lái xe ôtô: Liệu có chặn được tận gốc tiêu cực?

Từ trước đến nay, việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ tại Việt Nam gặp phải một số bất cập như người dự thi tự ý mang thiết bị công nghệ vào phòng thi lý thuyết, số camera chưa đủ bao quát hết phòng thi lý thuyết, thực địa, khoảng cách ngồi trong phòng sát hạch lý thuyết còn chưa hợp lý, dễ dẫn đến tình trạng gian lận. Một trong những giải pháp được Cục Đường bộ Việt Nam là đưa vào sử dụng phần mềm thiết bị DAT (thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành của học viên). Tuy nhiên, phần mềm này liệu có thật sự ngăn được tiêu cực?

Giật mình với những kẽ hở

Mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Viết Tuấn (Giám đốc), Đỗ Hồng Quân (Tổ trưởng Tổ giáo viên dạy lý thuyết) và Nguyên Ngọc Khuyên (Tổ trưởng Tổ giáo viên thực hành) thuộc Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe cơ giới đường bộ Hoà Bình về tội "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự.

phan_mem-1681865759001
Thanh tra GTVT phát hiện, trong công tác sát hạch, cấp GPLX, ở một số sở đã duyệt danh sách học viên dự sát hạch khi chưa có đầy đủ dữ liệu trích xuất

Theo cơ quan tố tụng, số giáo viên của Trung tâm không đáp ứng được yêu cầu giảng dạy cho tối đa lưu lượng học viên được phép đào tạo nên Giám đốc Trung tâm đã giao cho Phòng Đào tạo thông báo tuyển người có đủ điều kiện để tập huấn và ký hợp đồng làm giáo viên của Trung tâm. Tuy nhiên, hầu hết số giáo viên đã ký hợp đồng nhưng không trực tiếp giảng dạy tại Trung tâm, chỉ đứng tên trên hồ sơ, tài liệu liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch.

Để hợp thức hóa hồ sơ đào tạo cho phù hợp với số giáo viên không giảng dạy trên thực tế, lãnh đạo Trung tâm đã chỉ đạo Tổ giáo viên lý thuyết, Tổ giáo viên thực hành và nhân viên Phòng Đào tạo giả mạo chữ ký, chữ viết để ghi khống nội dung vào một số tài liệu nhằm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và tránh bị kiểm tra, phát hiện.

Ngoài vi phạm nói trên, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, từ đầu năm 2023, các cơ quan của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã lập 3 đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra công tác quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép tại 63 Sở GTVT. Trong đó, đoàn kiểm tra số 3 của Cục Đường bộ Việt Nam được giao kiểm tra 31 Sở GTVT trên toàn quốc. Qua kiểm tra đã phát hiện một số tồn tại.

Cụ thể, đối với cấp Sở GTVT vi phạm phổ biến đó là chưa có phương án tổ chức đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đặc thù cho các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, không biết đọc, không biết viết tiếng Việt. Tiếp theo là chưa sâu sát, chưa quyết liệt trong khâu quản lý; chưa thường xuyên tổ chức kiểm tra và giám sát khâu đào tạo tại các cơ sở đào tạo. Sau đó là chưa kiểm tra, rà soát quá trình đào tạo, để cho một số cơ sở đào tạo có học viên chưa đủ điều kiện vẫn tham dự các kỳ sát hạch để cấp giấy phép lái xe.

Ngoài ra, trong quá trình sát hạch, qua giám sát trên hệ thống camera tại các trung tâm đào tạo sát hạch vẫn còn có hiện tượng học viên trao đổi bài trong quá trình sát hạch. Đối với các cơ sở đào tạo, qua kiểm tra đã phát hiện một số cơ sở chưa thực hiện đúng nội dung, chương trình, kế hoạch và tiến độ đào tạo và chưa kiểm tra, rà soát để các học viên chưa học đủ nội dung và chương trình được tham gia kiểm tra cấp chứng chỉ và tham dự các kỳ sát hạch để cấp giấy phép lái xe.

Bên cạnh đó, việc quản giáo viên, quản lý xe tập lái chưa chặt chẽ, vẫn còn tình trạng thay đổi giáo viên, xe tập lái không đúng kế hoạch, tiến độ đào tạo, nhưng các cơ sở đào tạo chưa kịp thời báo cáo đối với các Sở GTVT  nơi quản lý công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe tại địa phương. Đồng thời, một số cơ sở đào tạo chưa lắp đủ thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe trên xe tập lái.

Chống can thiệp vào phần mềm để gian lận học lái xe ôtô

 Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, nhằm khắc phục những bất cập trong đào tạo cấp giấy phép lái xe, đơn vị đã xây dựng phần mềm hệ thống thông tin DAT (thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành của học viên) có chức năng tiếp nhận dữ liệu từ các cơ sở đào tạo lái xe, đồng thời cung cấp công cụ để các Sở GTVT quản lý từ năm 2022. Tuy nhiên, qua kết quả kiểm tra từ các Đoàn kiểm tra của Bộ GTVT và báo cáo của một số Sở GTVT, thực tế vẫn tồn tại một số nội dung trong công tác theo dõi, kiểm tra, khai thác và sử dụng dữ liệu từ thiết bị DAT.

Cụ thể như chưa kịp thời phát hiện, xử lý đối với cơ sở đào tạo không thực hiện đúng nội dung, chương trình, kế hoạch, tiến độ đào tạo, tổ chức thi kết thúc khoá học cho học viên khi chưa đủ điều kiện; chưa phát hiện, xử lý đối với các phiên học có dấu hiệu bất thường về dữ liệu DAT của cơ sở đào tạo.

Cũng theo ông Lâm Văn Hoàng, Chánh Thanh tra Bộ GTVT, trong công tác sát hạch, một số sở duyệt danh sách học viên dự sát hạch khi chưa có đầy đủ dữ liệu trích xuất qua thiết bị DAT. Theo quy định phải có báo cáo kết quả thực hành lái xe trên đường qua thiết bị DAT; đủ số km thực hành lái xe trên đường, có dữ liệu học thực hành lái xe ban đêm, lái xe với xe số tự động của học viên để xem xét trước khi thực hiện công tác sát hạch.

Nhìn nhận vấn đề, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, để khai thác và quản lý hiệu quả dữ liệu DAT, Cục Đường bộ Việt Nam vừa tiếp tục yêu cầu các Sở GTVT kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các phiên học trên phần mềm hệ thống thông tin DAT của Cục Đường bộ Việt Nam và của cơ sở đào tạo lái xe. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm, các đơn vị phối hợp với cơ sở đào tạo, đơn vị cung cấp thiết bị để kiểm tra, xác minh, làm rõ, từ chối phiên học vi phạm. Trường hợp có dấu hiệu can thiệp, chỉnh sửa dữ liệu thì chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Cục Đường bộ cũng yêu cầu các Sở GTVT chỉ đạo các trung tâm đào tạo lái xe ôtô theo dõi, giám sát phần mềm hệ thống thông tin DAT, kịp thời phát hiện các phiên học không hợp lệ, báo cáo Sở GTVT từ chối trên phần mềm hệ thống thông tin DAT của Cục Đường bộ Việt Nam. Đối với các nhà cung cấp thiết bị DAT, bà Hiền cho biết, Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu kiểm tra, rà soát và đánh giá chất lượng của thiết bị theo các quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 105:2020 của Bộ GTVT và chỉ cung cấp sản phẩm đảm bảo chất lượng theo đúng quy định của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.

"Các nhà cung cấp thiết bị nâng cấp phần mềm, không để xảy ra tình trạng sử dụng điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng thay thế thiết bị DAT kết nối đến hệ thống, can thiệp vào phần mềm để gian lận thời gian và quãng đường học thực hành lái xe, lắp nhiều thiết bị cùng gắn với một xe tập lái tại một thời điểm, các phiên học trùng xe tập lái tại một thời điểm, các phiên học trùng học viên tại một thời điểm; cảnh báo và ngăn chặn các phiên học vi phạm về thời gian phiên học, thời gian nghỉ; không ghi nhận và truyền dữ liệu các phiên học có số lần xác thực khuôn mặt học viên dưới 90%", lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh.         

Đặng Nhật / CAND