Phận đời cơ cực khốn cùng ít ai thấu của bà mẹ sinh 14 con tại Hà Nội

Với một gia đình lao động bình thường, việc cả vợ cả chồng cùng chăm sóc, nuôi nấng 2-3 đứa con đã rất vất vả; vậy nên đối với chị Hải – người mẹ sinh tới 14 người con thì nỗi khó nhọc ấy chắc chắn sẽ được nhân lên gấp nhiều lần, nhất là trong bối cảnh chị chỉ có một thân, một mình gồng gánh nuôi các con.

"Khổ từ trong trứng nước!"

Đấy là những lời bộc bạch của chị Đặng Thị Hải (ở xóm Cổ Bản, phường Đồng Mai, quận Hà Đông, TP.Hà Nội) – người phụ nữ “nổi tiếng bất đắc dĩ” vì sinh tới 14 người con.

Phận đời cơ cực khốn cùng ít ai thấu của bà mẹ sinh 14 con tại Hà Nội - Ảnh 1

Chị Hải - người phụ nữ sinh 14 con tại Hà Nội.

Ở tuổi ngoài 50 nhưng chị Hải mang dáng vẻ khắc khổ hơn một số người cùng trang lứa. Cuộc sống cơm áo quá vất vả, cơ cực, lam lũ đã khiến chị quen với cuộc sống thức khuya dậy sớm, bươn chải quanh năm tứ mùa bất kể nắng mưa.

Theo lời kể của chị, cha mẹ đẻ của chị nghèo lắm. Nhà đông con, cơm kiếm được chẳng đủ nuôi mấy miệng ăn. Quần áo chị mặc còn vá chằng vá đụp. Vì phải vất vả gánh phân tro đổ đồng thường xuyên nên áo nào cũng sờn hết cả bả vai.

Năm 18 tuổi – độ tuổi “cần phải lấy chồng”, chị được gả về nhà anh Ngô Doãn Năm – người làng bên. Nhà anh Năm cũng nghèo, anh em lại đông nên cuộc sống của vợ chồng chị vẫn loanh quanh trong vòng túng thiếu và cơ cực.

Phận đời cơ cực khốn cùng ít ai thấu của bà mẹ sinh 14 con tại Hà Nội - Ảnh 2

Hồi chị còn con gái, gia cảnh nghèo khổ, túng thiếu cũng đã khiến chị rất vất vả, làm đủ thứ việc để kiếm sống. Đến tuổi lập gia đình, cha mẹ gả chị cho một gia đình ở làng bên.

Không lâu sau khi vợ chồng chị kết hôn, các con lần lượt ra đời. “Nhân khẩu” đông dần lên, căn nhà nhỏ mà họ hàng bên chồng dựng cho cũng không đủ chỗ cho cả gia đình chị chui ra chui vào nên cảnh nghèo càng thêm chật vật.

“Ngày ấy, khi còn ở khu vực đầu đê Tả Sông Đáy, nhà trát vách tạm bợ bằng rơm, mái lợp bằng lá mía. Ngày nắng thì còn xoay xở được, còn ngày mưa thì nhớp nháp khổ sở lắm. Cả vợ cả chồng chồng chỉ ao ước có được một căn nhà ngói để không phải chạy mưa, mấy đứa trẻ con cũng đỡ cực” – chị Hải kể lại.

Cơm ăn chẳng đủ, việc sinh đẻ tưởng dừng được nhưng từng đứa một lại tiếp nối ra đời. Cả vợ cả chồng đầu tắp mặt tối nai lưng ra xoay gạo nuôi con cũng mướt mồ hôi. Căn nhà tạm vốn đã chật hẹp lại càng thêm sinh hoạt khó khăn mọi đường.

Muốn gánh cực mà đổ lên non

Khoảng năm 1994-1995, vợ chồng chị tích cóp được 3 tạ thóc và 2 con lợn (124kg) để làm nhà. Căn nhà cấp 4 này chỉ rộng khoảng 30 m2, xây gạch và lợp ngói. Tiền vốn xây nhà không có đủ, phần còn lại là anh chị đi vay. Xây nhà xong, anh chị “gánh” thêm một khoản nợ khổng lồ và rồi lại nai lưng ra xoay xở để trả.

Phận đời cơ cực khốn cùng ít ai thấu của bà mẹ sinh 14 con tại Hà Nội - Ảnh 3

Hiện tại, cuộc sống của mấy mẹ con chị trông cả vào đầm sen

Ngày đó, các con chị còn bé, hai vợ chồng để con nhờ nhà ngoại trông giúp, rồi mỗi sáng, cả hai đạp xe từ Cổ Bản lên tận khu Quốc Tử Giám đập bê tông thuê kiếm sắt vụn đem bán. Đập đến rạn cả máu bàn tay, cuối ngày kiếm được 100 nghìn đồng là hai vợ chồng mừng rơi nước mắt vì hôm đó có tiền đong gạo cho con ăn đủ bữa tối và sáng hôm sau.

Cứ thế, suốt một thời gian dài, hai vợ chồng cặm cụi, không quản mưa nắng, ngày thì đi đập bê tông bán sắt vụn, tối thì đi đánh dậm, xúc tôm, kéo cá… nhặt nhạnh từng đồng vừa nuôi đàn con, vừa lo trả nợ.

Thế nhưng, số khổ thường ít khi gặp may. Cảnh đời chị đúng kiểu “chó cắn áo rách”, “ăn mày đánh đổ cầu ao” vì cả nhà có mỗi cái xe đạp cà tàng cũ kỹ cũng bị trộm rình mò rồi thó mất. Và đến cả cái nồi đun cám lợn cũng bị lấy đi. Thành thử ra căn nhà vốn gần như đã trống không lại thêm phần cám cảnh.

Nghĩ chán cái sự nghèo luẩn quẩn, hai vợ chồng quyết định rời ngôi nhà trong làng mà dọn ra ngoài bãi, dựng túp lều để ở tạm, kiếm con cá lá rau sống qua ngày.

Để tăng gia, gia đình cố vay mượn mua lợn về chăn nuôi. Nhưng nuôi được 3 đàn thì chết 2 đàn, thành ra tiền lời không thu được đồng nào, mà tiền vốn vay nợ lại càng dày thêm. Chị nghĩ cảnh mình đen đủi mà tủi phận, ứa nước mắt.

Một người cháu thương tình, để gia đình làm sen nuôi cá ngoài đầm, gọi là có công việc “lấy ngắn nuôi dài”, kiếm thu nhập để nuôi các em. Nhận đầm xong, cả nhà hì hục be bờ, cấy sen. Thế nhưng rồi cá nuôi cũng bị người ta bắt trộm gần hết. Thả cá giống, cắt cỏ quanh năm nhưng gần như không thu hoạch được tấm món nào. Thu nhập của cả nhà thành ra phải trông cả vào việc thu hái sen. Mà sen thì có mùa, đến khi sen tàn, lại phải xoay sang luống rau, vườn chuối.

Phận đời cơ cực khốn cùng ít ai thấu của bà mẹ sinh 14 con tại Hà Nội - Ảnh 4

Cuộc sống chật vật, thiếu thốn của mẹ con chị cứ tiếp nối ngày qua ngày.

“Thân chị giữa biển mồ côi một mình”

Người đời thường có câu “thêm con, thêm lộc”, nhưng đối với vợ chồng chị, đứa thứ tư, thứ năm, rồi lên tận đến đứa thứ 14, giàu đâu chưa thấy, chỉ thấy cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám thường trực, ngày ngày. Chồng chị lại hay đau ốm, thành ra chị dần trở thành lao động chính trong nhà, gồng gánh nuôi cả bầy con.

Chị cũng thật thà chia sẻ, việc sinh con đẻ cái đều diễn ra hết sức tự nhiên nên chị cũng không biết mà phòng tránh. Hơn nữa, cuộc sống chạy quanh lo ăn từng bữa cũng đã đủ chiếm hết mọi suy nghĩ, lo toan nên chị cũng chưa từng bao giờ lưu ý về vấn đề này. Chính bởi vậy, số con cứ ngày một tăng không kiểm soát, đều đặn 2 năm một đứa.

Cách đây mấy năm, một em không may qua đời vì bệnh nên số con hiện tại của chị là 13. Chồng chị cũng mất sau đó không lâu, thành ra chị thêm vất vả nhiều hơn.

5 con lớn của chị hiện đã có vợ có chồng, còn 8 em nhỏ vẫn ở với mẹ. Các em đang độ tuổi học cấp 1 và cấp 2.

Chia sẻ về thực tế khốn khó của mình, chị chỉ mong có sức khỏe để còn làm lụng nuôi các con. Còn mỗi người mỗi cảnh, chị cũng không dám phàn nàn. Chị hy vọng sau này các con mình có cuộc sống ổn định, bớt khổ sở hơn cha mẹ, ấy là chị lấy làm mừng.

Vũ Đậu

Quá khứ cơ cực và bước ngoặt thay đổi cuộc đời bà Tân VLog Quá khứ cơ cực và bước ngoặt thay đổi cuộc đời bà Tân VLog

Từ một người phụ nữ nông dân chân chất, bà Tân bất ngờ trở thành hiện tượng của mạng xã hội. Cuộc sống của người ...

Những mảnh đời bất hạnh ở lớp học ‘xóa mù’ giữa lòng Sài Gòn Những mảnh đời bất hạnh ở lớp học ‘xóa mù’ giữa lòng Sài Gòn

Không quy mô rình rang, không đồng phục thơm mùi mới, người tham dự cũng đủ lứa tuổi, nhưng lễ khai giảng của Trường Phổ ...

/ www.doisongphapluat.com