Lệnh cấm sinh em bé trên hòn đảo hẻo lánh Fernando de Noronha, nằm ở phía Đông Brazil, bị phá vỡ sau 12 năm do một sự cố.
Tại hòn đảo có khoảng 3.000 cư dân này, những phụ nữ sắp sinh đều phải tay xách nách mang bay vào đất liền để sinh con ở TP Natal, cách đảo Fernando de Noronha 370 km. "Nếu chúng tôi không tự nguyện, đội y tế sẽ đến tận nhà gõ cửa và mời rời khỏi đảo" - nữ doanh nhân Gloria Wei kể lại với tờ báo địa phương Diario De Pernambuco vào năm 2013.
Fernando de Noronha đón cư dân nhí đầu tiên chào đời ở đảo - một bé gái - vào đêm 18-5 vừa qua. Người mẹ, 22 tuổi, nói với báo O Globo rằng không hề biết mình mang thai. Lạ một nỗi là người phụ nữ này từng mang thai và vào đất liền sinh con trước đó.
Cô kể: "Đêm đó, tôi thấy đau nên vào nhà tắm, rồi có thứ gì đó tuột xuống giữa hai chân. Ngay lúc ấy, cha đứa bé đến và bế nó lên. Đó là một bé gái, còn tôi thì chết điếng". Em bé được nhanh chóng đưa vào bệnh viện địa phương. Để chào mừng sự kiện hiếm hoi này, người dân trên đảo nhiệt tình giúp đỡ gia đình bé, nhiều người còn đem tặng cô bé quần áo.
Ngôi nhà nơi bé gái "phá lời nguyền" trên đảo Fernando de Noronha chào đời. Ảnh: TV GLOBO
Với nhiều bãi biển đẹp nhất thế giới, Fernando de Noronha hiện là công viên hải dương quốc gia của Brazil và được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Tại đây bảo tồn nhiều loại động vật hoang dã đang gặp nguy hiểm như cá heo, đồi mồi, cá mập và nhiều loài chim quý hiếm... Vì lý do này mà dân số trên đảo bị kiểm soát nghiêm ngặt.
Thực ra "lệnh cấm đẻ" ở Fernando de Noronha không mang tính pháp lý nhưng là chính sách thực tế hiện hành. Nguyên nhân chính thức khiến phụ nữ mang thai tháng thứ 7 phải lên máy bay bay vào đất liền là do khoa sản trực thuộc bệnh viện trên đảo đã đóng cửa từ năm 2004.
Chi phí để duy trì hoạt động bộ phận này ước khoảng 150.000 real/tháng (tương đương 40.000 USD), quá cao so với việc phục vụ chừng 40 ca sinh nở/năm trên đảo, theo trang Quartz. Kể từ đó, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trả tiền vé máy bay khứ hồi cho người mẹ và một người theo chăm sóc - tổng cộng khoảng 82.000 real/năm (vào năm 2015). Thỉnh thoảng, Bộ Y tế Brazil trả luôn tiền ăn ở cho thai phụ.
Dù vậy, nhiều người cho rằng giải pháp trên không bền vững. Trong khi chính phủ bị cáo buộc "phá vỡ quyền sinh nở" thì nhiều phụ nữ khó chịu trước quãng đường dài đi sinh con. Trong bộ phim tài liệu "Không ai sinh ra ở thiên đường" do đạo diễn Brazil Alan Schvarsberg thực hiện năm 2015, nhiều người mẹ kể lại hành trình sinh con xa nhà không khác gì cảnh tha hương hay lưu đày.
"Theo tôi, đây là một sự hủy diệt bất công đối với người dân trên đảo. Quá trình mang thai và sinh nở rất khổ sở và cứ vậy, từng chút một, phụ nữ ở Fernando de Noronha trở nên ngại có con" - đạo diễn Schvarsberg nói với đài BBC trong cuộc phỏng vấn cùng năm.
Hải Ngọc
Nhật ký đi đẻ của hot girl Tú Linh
Sau gần nửa tháng sinh em bé, Tú Linh đã chia sẻ những cảm xúc, kinh nghiệm của mình trong lần đầu đi đẻ. |
70 cảnh sát đưa con trai của đồng nghiệp hy sinh đến trường
Bố hy sinh khi làm nhiệm vụ, Dakota Pitts (5 tuổi) hỏi mẹ có ai lái xe đưa em đến trường không. 70 cảnh sát ... |
Sinh "thuận tự nhiên" là giết người!
Một tin gây sốc trên mạng xã hội hôm 14-3, tại TP HCM, 2 mẹ con sản phụ chết vì sinh "thuận tự nhiên" (?). ... |